Hẳn nhiều người còn nhớ cách đây không lâu, trong một cuộc thi hoa hậu, đến phần ứng xử, một cô gái phải trả lời câu hỏi bạn nghĩ gì về câu tục ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Câu trả lời khiến khán giả được phen cười vỡ bụng, rằng cái đẹp đâu tội tình gì mà phải đánh chết nó! Chuyện thật như bịa, sau đó câu nói ấy được thiên hạ đưa vào kho tàng chuyện tiếu lâm!
Đúng là, cái đẹp chẳng có tội tình gì, là của Trời cho, người có nhan sắc là người may mắn. Ngắm các người đẹp tạo hóa sao mà khéo ban cho họ đến vậy, từ mắt, môi, chân mày đến điệu đi, dáng đứng, mọi thứ đều hoàn hảo. Đã là phụ nữ thì trên đời này, ai cũng thích mình đẹp. Bất cứ ai cũng thích chiêm ngưỡng cái đẹp. Thời nay, không ít người quan niệm chính vẻ đẹp quyết định phần lớn sự thành công trên đường đời của nhiều người.
Được sự hỗ trợ của công nghệ làm đẹp, phụ nữ ngày càng đẹp hơn, thách thức với cả thời gian, sức khỏe, tuổi tác. Các tiện nghi phục vụ ngày càng nhiều, ở quy mô “siêu” thì phẫu thuật thẩm mỹ, ở mức độ “gia cố” thì spa, massage, tẩy nám, tắm trắng, lột da… Nhờ các loại mỹ phẩm chăm sóc da và trang phục cũng ngày một đẹp, người phụ nữ càng lộng lẫy hơn.
Thế nhưng, trong cuộc sống thường thấy có những “bông hoa” chỉ biết chú trọng đến nhan sắc bên ngoài mà ít chịu trau chuốt vẻ đẹp tâm hồn. Nhiều người lớn tuổi than thở rằng giới teen bây giờ, đẹp thì có đẹp, nhưng sao thấy không có duyên. Cái duyên ở đây hàm ý lời ăn, tiếng nói, khuôn phép… Không khó gặp những cô gái rất đẹp, rất mốt, nhưng mở miệng ra là nói những câu khó lọt tai hay rất phản cảm. Nhiều bậc phu nhân sang trọng lắm, đẹp lắm, nhưng về nhà quát tháo người giúp việc, thậm chí cả la mắng cha mẹ mình không tiếc lời.
Một bà mẹ rất đẹp kể chuyện rằng một hôm bà hết hồn khi nghe cô con gái tuổi teen nói rằng: “Mẹ đẹp, con xấu!”. Công bằng mà nói thì cô bé không xấu, chỉ không được đẹp như mẹ thôi. Sau một lúc lúng túng, bà mẹ bình tĩnh nói với con rằng cái đẹp ngoại hình không phải là tất cả, mà chính cái duyên của con người mới quyết định. Con không đẹp lắm nhưng con có duyên, cái duyên không tự dưng có, mà phải luyện tập, ý tứ… Ý của bà mẹ là ngoài việc chăm chút cho tâm hồn, người biết ý tứ là người không chỉ được tiếng khéo léo, biết cư xử, mà còn có nét dịu dàng, duyên dáng, cuốn hút người khác.
Một bà mẹ khác, một hôm đưa con gái 14 tuổi đi ăn tiệc. Trước khi đi, bà dặn con gái là nét mặt con hơi buồn do có đôi môi hơi cong xuống, nếu không chú ý tạo cho nét mặt tươi lên thì người đối điện sẽ cảm thấy khó gần. Sợ con gái buồn, bà giảng giải thêm rằng mỗi người một vẻ, ai cũng có khiếm khuyết, vấn đề là biết xóa nhòa khiếm khuyết ấy. Theo ý bà, khi tươi cười, cô con gái trông dễ gần, dễ mến hơn.
Qua câu chuyện của hai bà mẹ, người ta không biết hai cô con gái sẽ tiếp thu thế nào và sử dụng cái duyên ra sao, nhưng rõ ràng hai bà mẹ rất duyên dáng. Cái duyên ở đây có thể thấy từ cách biết nhìn nhận mình đến việc biết quan sát người xung quanh và biết sử dụng ưu điểm nào của mình để chinh phục người khác. Cái duyên ở đây còn ở chỗ phải biết rèn luyện kiến thức, qua đó liên hệ với thực tiễn và áp dụng trong cách giáo dục con cái.
Nhiều người nghe thế lại bảo đó chỉ là chuyện hai bà mẹ. Trên thế gian này có biết bao nhiêu bà mẹ, nhưng lời khuyên của họ rơi vào đâu mà giờ đây, ra đường thấy đầy các cô gái quần lưng xệ đến nỗi phô cả nội y, ăn nói ồn ào, uống rượu như đàn ông, vào bàn tiệc thì cầm ly “dzô” hết bàn này sang bàn khác…
- Xem thêm: Giúp trẻ nhận biết niềm tự hào từ cha mẹ
Có nhiều cô ỷ mình có tri thức, có sắc đẹp, mở miệng ra là chê người này, người kia, thấy ai thấp kém hơn mình thì tỏ thái độ khinh miệt! Không hiểu các bà mẹ các cô này ở đâu, có nhìn thấy con mình như vậy không, hay chính các bà mẹ cũng vậy nên con bắt chước theo?
Xã hội muôn màu muôn vẻ, không thể áp dụng công thức chung cho nhiều người được, thôi thì, nói theo kiểu “hồn ai nấy giữ”, tức là ai học được cái gì thì học, tập được gì thì tập. Chỉ có điều là các cô, các bà nên nhớ rằng phía sau lưng mình, đàn ông họ phê bình những câu nghe cũng mắc cỡ, đỏ mặt lắm. Họ thẳng thắn chê: “Nhỏ đó vô duyên thấy bà”, hoặc “Nói chuyện với bà đó, câu trước câu sau là muốn bỏ đi”, “Hễ gặp bà đó là nghe bả nói xấu người khác”… Đó là những lời chê còn khá nhẹ nhàng đấy!