Cô em gái của vợ tôi không lấy chồng mà sống với anh chị. Mỗi khi tụ họp đại gia đình, cô thường bức xúc: “Chẳng hiểu các ông các bà bây giờ sống kiểu gì! Sao mà nhiều cái “ngứa mắt” quá”.
Không phải do cô khó tính, mà có lẽ do cô không có điều kiện giải quyết việc nhà theo “lối sống hiện đại” nên nhiều điều thật khó hiểu. Thí dụ cô nói: “Ngày xưa mà ông cậu tôi phải lau nhà trong khi tôi nằm trên giường đọc sách thì mẹ tôi tát cho… ù tai! Vậy mà bây giờ mình lau nhà, thằng cháu sức dài vai rộng nằm ườn ra đó nhìn, bố mẹ nó cũng chẳng nói gì. Thời thế lạ thật!”.
Rồi cô kể thêm chuyện ngứa mắt: “Con dâu thì ôm con ngủ trong chăn ấm. Mẹ chồng – là một tiến sĩ giảng dạy ở một trường đại học chứ đâu phải một bà già nội trợ, cũng phải tất bật cho kịp giờ lên lớp. Vậy mà bà dậy rất sớm, nấu nướng, xay cháo, pha sữa cho cháu, xong rồi lật đật chạy ra cổng mua xôi ăn sáng mắc vào xe cho con dâu lát nữa có đến cơ quan để ăn, xong rồi mới lật đật chuẩn bị cho bản thân đi dạy học. Nghe chuyện này các cụ chửi chết, như là chuyện bịa. Cái ngày xưa con dâu dậy sớm dọn dẹp quét sân quét cổng, đun sẵn ấm nước cho bố chồng uống trà, pha nước ấm cho mẹ chồng rửa mặt – thời sung sướng ấy của cha mẹ thực sự đã vào bảo tàng rồi.
Cô em gái đó thắc mắc: “Sao mà sinh hoạt của gia đình lại thay đổi tới tận gốc rễ như vậy chứ? Cha mẹ bây giờ sợ và lo cho con cái quá mức. Để cho các cô các cậu được ăn học, dựng vợ gả chồng, sinh cho một đứa cháu là coi như chiến công hiển hách, các bậc cha mẹ bây giờ coi “công lao” đó lớn như… núi Thái Sơn!
Một người kể: “Thằng lớn không lấy vợ, cứ trơ ra. Thế nên bố mẹ lo lắm. Mua nhà mua đất, cậu ta chẳng màng, chỉ có một căn hộ nhỏ sống, đi làm là được, không việc gì mà lao tâm khổ tứ chuyện đất chuyện nhà. Cậu ta nói: Cứ trông gương bác Cả, ở một biệt thư to đùng, thuê hai người làm mà vẫn than quá trời. Nào là tưới cây, quét cổng, vườn, nào là kiểm tra cống van mở, thoát nước, mất mấy tiếng đồng hồ. Ở biệt thự, cứ gọi là sửa chữa quanh năm. Sống thế để làm gì! Người Mỹ họ xây nhà rất thực dụng, bên ngoài không hào nhoáng, không để sảnh rộng như người Pháp, tất cả để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, đẹp hiện đại không phù phiếm, coi trọng tiện nghi…”. Đấy, chỉ riêng quan niệm về cái nhà thôi là đã khác nhau nhiều quá rồi.
- Xem thêm: Dạy con gái
Thế nên ông bà không trông vào cậu con cả được, cậu “lông bông” ngoài phố phường, bạn bè. Chỉ có cô em chịu đi vào nền nếp, lấy chồng, sinh con. Ông bà xuýt xoa: “Thằng cháu ngoại đã “cứu” bọn tôi, nếu không thì đau khổ chết mất”.
Thằng bé con lại sống rất Tây theo bố mẹ nó, nghĩa là tự lập từ bé. Mới được vài tháng tuổi đã theo bố mẹ đi công tác nước ngoài, lên xuống máy bay, phòng chờ phi trường. Con cháu đã sống hẳn một tác phong khác, và luôn đe dọa “cấm vận cháu”. Cô con gái nói: “Nếu bố mẹ cứ “ăn ở bẩn” thế này, con không cho Cu Tí về nữa đâu!”. Bố mẹ buồn rầu, mình đâu có ăn ở bẩn, nhà cửa dọn dẹp lau chùi suốt, chỉ mỗi tội là nhiều đồ đạc quá, cái gì cũng không nỡ vứt. Còn đám trẻ ấy à, nó không chỉ vứt các thứ lặt vặt mà còn vứt luôn các đồ đắt tiền như cái tủ, bộ bàn ghế, nếu thấy không hợp mỹ thuật, dù là mới tinh. Xót hết cả ruột!
Thế nên cháu ngoại ít về thăm, có về cũng chỉ chơi ở phòng khách một lúc rồi đi ngay. Ông bà phải lò dò tìm cách lên nhà con, phải chuyển hai chặng xe bus! Vì bọn trẻ ở căn hộ cao cấp nơi ngoại thành. Có thuê người rồi, nhưng cháu vàng cháu bạc không dám giao cho người dưng, nên bà nội phải làm “quân cờ di động”. Bà nói vừa đùa vừa thật: “Tôi làm ôsin cho mấy nhà. Nấu nướng nhà mình, lên chăm sóc nhà cháu, rẽ tạt qua “chuồng cu” của thằng con trai độc thân… thế nên “không có quyền ốm đau”! Lúc nào cũng tất bật vì cháu. Gọi điện thoại hỏi thăm nhau, chỉ thấy chủ đề chính là kể chuyện cháu. Nào là “chưa thấy có đứa trẻ nào như thế, thông minh lắm, lạ kỳ”. Nào là “xưa mình cũng nuôi con, mà không đứa nào được như vậy. Lạ lắm” (Mà thực ra thì đứa trẻ nào chẳng vậy. Trẻ con bây giờ đứa nào chẳng thông minh! Con cái nhà họ có gì đặc biệt đâu!).
- Xem thêm: Đặt hy vọng vào con…
Có một thế hệ ông bà quấn cháu, hầu dâu và sợ bị con giận. Sự hy sinh tận tâm hết lòng hết sức với cháu cứ tưởng là “thành tích” hóa ra con cái lại chẳng thấy gì, còn phiền lòng chê trách nếu ông bà lăn ra đau ốm. Ngày xưa nuôi con vất vả nhưng đời còn dài chưa nghĩ gì, nay già nuôi cháu, thấy thời gian còn ít, nên thương hơn ngày xưa thương con. Mà khổ nỗi, ngày xưa còn có quyền, ngày nay phải “được phép” của con mới được vui với cháu…