Thường thì chỉ đi làm một cơ quan, một công ty cho đến hết đời chờ lương hưu trí là mẫu hình phổ biến cho ai thành cán bộ nhân viên.
Vậy mà trong lý lẽ của người dạy con làm giàu lại dặn rằng: “Những ai như thế – trông chờ vào lương hưu thì nghèo khổ là phải rồi”.
Nhiều chuyên gia yêu công việc, sống chết với nghề, trở thành người có chuyên môn cao khi đến tuổi nghỉ, là… hết!
Nước ta không có cơ chế cho con đường phát triển chuyên gia, cho nên thiên hạ lo leo lên chức tước để có lương cao và bổng lộc.
Với lại, ở một xứ ham tiền bạc và quyền lực thì nếu không có chức gì, lại tài giỏi thì thiên hạ sẽ hoài nghi: Giỏi thế mà không lên được, chắc có vấn đề!
Còn với kinh tế tư nhân, người ta làm nhiều việc lắm. Đầu tư chỗ này, chỗ kia, phát triển thêm buôn bán, xưởng sản xuất, chăn nuôi, hùn hạp cổ phần, mở trường mẫu giáo nhà trẻ, tổ chức các câu lạc bộ, lớp dạy nghề…
Họ xoay như chong chóng, đôi khi chẳng có chuyên môn gì cao siêu cũng có chức giám đốc, do tự bỏ tiền kinh doanh làm ăn mà nên.
- Xem thêm: Để… hưu tính
Vợ chồng nhà nọ, suốt đời làm công chức, cán bộ “đâu có họp là ta cứ đi” bây giờ về hưu. Tiền lương không đủ sống – tất nhiên.
Bà than: “Lương hưu chưa được 3 triệu đồng thì riêng tiền thuốc cuối tháng cũng đi đứt hơn 1 triệu, gần nửa lương”. “Sao không khám bảo hiểm y tế?”.
Hỏi thế là coi chừng bị bả mắng cho một trận: “Bảo hiểm y tế chữa làm sao khỏi bệnh già? Người ta quy định một đơn thuốc bác sĩ cho chỉ được nằm trong số tiền bao nhiêu đó thôi, đơn thuốc cho vớ vẩn rẻ tiền, thuốc tốt không có, làm sao khỏi bệnh?
Không những thế, còn phổ biến lối chữa bệnh làng nhàng, trong trận chiến khốc liệt giành sự sống mà họ chữa “xìu xìu ển ển” thế có khác gì nói với con virus: tao chỉ có ngần ấy tiền, không làm gì được mày đâu. Thế là một nền y tế nuôi bệnh chứ đâu có trị bệnh!”.
Mồm miệng lời lẽ đúng là sắc bén… kiểu hưu! Nhưng mà nhiều cái ngẫm thấy đúng. Ai chữa nổi bệnh già? Nào là phải uống thường xuyên các loại calci, dầu cá, hoạt huyết dưỡng não, vitamin A, D, E, đủ cả.
Bao nhiêu thứ thuốc quảng cáo ra rả phòng ung thư, người già phải uống. Thế thì bỏ tiền túi ra. Y tế chỉ cho thuốc bệnh thôi, chứ thuốc hạ huyết áp, tiểu đường, tim mạch, ngày nào chẳng phải uống.
Ngoài ra, muốn thêm bổ dưỡng như sữa tươi, sữa chua, sữa đặc biệt… nhiều tiền lắm. Phải đi làm thêm!
Thế nên “làm mấy job” không chỉ là của người trẻ tuổi, mà còn là việc của những người về hưu. “Nhà nước bỏ thì chúng tôi lượm”, có công ty tư nhân đã nói thế khi mời các vị có chuyên môn cao, giỏi nghề vừa mới về hưu.
Một vị Việt kiều phát biểu: “Nhà nước muốn tận dụng chất xám về giúp đất nước ư? Những người 30, 40 tuổi họ còn bị ràng buộc đủ thứ nơi xứ người, cống hiến gì được!
Sao không tận dụng người vừa nghỉ hưu, còn sức cống hiến chưa đến nỗi yếu ớt quá, lại rảnh thời gian? Sao không làm một cái làng cho các giáo sư tiến sĩ, kỹ sư hưu trí về ở đơn giản thôi, mà thanh thản và giúp nước?”.
- Xem thêm: Chào… hưu
Người già làm thêm job ở xứ ta bây giờ khá phổ biến. Mấy ông sĩ quan có khi làm bảo vệ ở những công ty lớn. Thậm chí bây giờ có các khu dân cư cao cấp cần tổ bảo vệ ở ngoài cổng chung, tạo ra khối công ăn việc làm.
“Ông xã bà thuộc diện nào? Hưu rồi nhưng cũng có nhiều loại đó. Loại một là mới hưu, vẫn còn nơi thuê làm, thậm chí vẫn có tiêu chuẩn ôtô đưa đón, lương cao.
Còn loại hai tức là đã giá quá, bệnh nhiều, nghỉ hẳn rồi, suốt ngày chỉ lo giờ để uống thuốc và tập thể dục dưỡng sinh hay đi bộ. Loại ba tức là đã liệt, không tự phục vụ được…”. Đó là lời các bà hỏi thăm nhau khi đi tập thể dục buổi sáng.
Các bà vợ cũng “chia ra” nhiều thái độ. Bà thì vui vẻ chăm sóc cho chồng đi làm, vì thấy ông còn giá trị lắm, xã hội còn thuê mướn.
Có bà thì chê: “Ổng tham việc, ghiền đi làm thế thôi chứ tiền nong có đáng bao nhiêu”.
Rồi chép miệng, tiếp: “Thật ngược đời. Ngày xưa còn trẻ thì không phấn đấu. Đến cơ quan sáng tụ tập uống trà, cà phê “giao ban” cả tiếng đồng hồ, rồi cắp cặp đi họp hoặc “đi cơ sở”.
Chiều khoảng 4 giờ thì không thấy ông nào, giống như vào bệnh viện lúc hai, ba giờ chiều ngoài tốp trực ra, đố tìm thấy ông bác sĩ nào. Họ về lo cho phòng mạch tư”.
- Xem thêm: Thấm đòn về hưu
Bây giờ rời cơ quan, không còn cảnh uống cà phê ở văn phòng rồi biến – bây giờ làm tư nên mới phải lao động thực sự.
Làm nhiều job, còn lý do là để có nơi sinh hoạt tập thể. Nhiều ông bà lớn tuổi sợ cảnh về sinh hoạt khu phố, họp hành hình thức, chẳng có thông tin gì, lạc hậu mà họp hành còn ngộp thở hơn cả hồi còn đi làm…