Tháng 10-2018, một bức tranh do máy vi tính vẽ ra được bán đấu giá hơn 400.000 USD tại New York. Với các nhà khoa học, ý tưởng về một ngày mà máy móc soán ngôi các nghệ sĩ bậc thầy thế giới chẳng còn là chuyện viễn tưởng nữa.
Hình ảnh hoành tráng, góc cạnh, lỳ lợm: một khuôn mặt chìm trong biển lửa đỏ và vàng, một cái đầu chui ra từ chiếc mũ vải, tua tủa lông chim, thò ra một bàn tay. Những chấm vàng và đỏ giống như một tấm vải bao quanh khuôn mặt có dáng vẻ buồn và khắc khổ.
Tất cả đều có mặt trong buổi triển lãm mang tên Những chân dung vô danh vượt thời gian (Faceless Portraits Transcending Time) do phòng tranh HG Contemporary tại Chelsea, trung tâm nghệ thuật thế giới hiện đại ở New York, tổ chức. Tất cả đều do máy vi tính vẽ!
Theo giới thiệu trên catalogue, cuộc triển lãm là thành quả cộng tác giữa trí thông minh nhân tạo (AI) có tên Aican và nhà sáng tạo ra nó là Ahmed Elgammal.
Một cách đưa ra ánh sáng và nhân cách hóa thuật toán tự học, vốn là cốt lõi của công trình nghiên cứu. Theo HG Contemporary, đây là triển lãm cá nhân đầu tiên dành cho một nghệ sĩ đối diện với trí thông minh nhân tạo.
Cuộc triển lãm là đại diện chính thức cho công ty khởi nghiệp Elgammal, chuyên về toán kinh tế mỹ thuật, được tài trợ bởi nguồn vốn rủi ro? Có thể lắm. Chuyên gia vi tính này đã tạo ra những bức tranh thực đến bất ngờ.
Nhưng ông và các cộng sự còn muốn biến Aican thành một công cụ tiên đoán các khuynh hướng mới trong thế giới mỹ thuật, thậm chí còn sản xuất những tác phẩm dẫn dắt thời đại. Họ muốn chúng là những tác phẩm nghệ thuật thực sự, chứ không phải chỉ là những chân dung kỳ quái.
Phong trào mỹ thuật từ Trí thông minh nhân tạo (AI) đã thực sự bắt đầu vào tháng 10-2018, khi nhà bán đấu giá Christie’s tại New York bán được bức Chân dung của Edmond Belamy do máy vi tính vẽ với giá 432.500 USD!
Vụ mua bán này làm cho cả thế giới kinh hãi. Bức tranh chưa bao giờ được triển lãm trong phòng tranh hay viện bảo tàng nào cả.
Giống như một danh tác đã có giá trị từ lâu, nó được vẽ bởi một phần mềm tạo ra hình ảnh từ tổng hợp các tác phẩm có sẵn, nghĩa là AI học hỏi những nét đặc trưng của chúng.
Nhóm thực hiện người Pháp Obvious thậm chí còn chưa tạo ra thuật toán hay cơ chế học hỏi dành cho máy. Họ chỉ tải xuống vài yếu tố, rồi thực hiện một số thay đổi và mang sản phẩm đi bán.
Pierre Fautrel đồng tác giả trong nhóm trả lời những lời chỉ trích: “Chính chúng tôi quyết định làm như thế. Chúng tôi chọn in trên vải, ký tên theo công thức toán học, khung mạ vàng. Một thế kỷ sau khi Marcel Duchamp biến cái bồn tiểu thành tác phẩm nghệ thuật, mang ra trưng bày tại phòng tranh, chẳng có gì thay đổi nhiều, dù người ta có sử dụng máy vi tính hay không. Như Andy Warhol đã từng quả quyết: nghệ thuật chính là cái mà người ta để yên cho chúng ta làm, không thèm trừng phạt!”.
Cách tốt nhất để khỏi bị trừng phạt là làm cái gì đó mà người ta xem như mới lạ và bất ngờ. Sử dụng máy vi tính còn chưa đủ.
Máy móc ngày nay tạo ra nhiều cách thức để sáng tạo hình ảnh, những hình ảnh mà sau đó có thể sản xuất đại trà, đóng khung, dán nhãn và mang đi bán.
Gần đây là cách Generative Adversarial Networks (Mạng lưới đối lập phát sinh – GAN), kỹ thuật đã tạo ra bức tranh Chân dung Edmond de Belamy.
Giống như các phương pháp học hỏi tự động khác, GAN sử dụng một mẫu – tức là các bức tranh hay hình ảnh của bức tranh, để từ đó suy luận ra các khuynh hướng và dựa vào đó để sáng tạo ra cái mới.
Chẳng hạn, một chân dung điển hình của thời Phục hưng, thông thường là một bức tượng bán thân hay góc nhìn 3/4.
Máy vi tính không biết cái gì là tượng bán thân, nhưng nếu nhìn thấy được nhiều lần, nó sẽ biết nhận ra những nét đặc trưng và tìm cách tái tạo một cái khác.
GAN sử dụng hai mạng lưới dây thần kinh (các cách xử lý thông tin nhận được để bắt chước bộ não con người): một sản sinh và một phân biệt. Sản sinh tạo ra sự vật như các hình ảnh trong trường hợp này.
Phân biệt là so sánh chúng, dựa trên các dữ liệu học hỏi được để xem cái nào tương ứng với những khuynh hướng và đặc trưng mà máy vi tính đã nhận ra từ các dữ liệu nói trên. Muốn có kết quả hữu ích hay giá trị, trước tiên phải có một hệ thống được thông tin rất tốt. Đó là điều khó.
Chính vì lý do này mà nhiều chuyên gia không bằng lòng khi biết tin bức tranh Chân dung Edmond de Belamy mang ra bán đấu giá.
Phần mềm tạo ra hình ảnh không được các nghệ sĩ đóng góp, và các tác phẩm của những danh họa cũng không được gom thu đầy đủ.
Đây không phải lần đầu tiên thế giới nghệ thuật gặp phải “mốt thời trang” và những tán tụng quá đáng, thu hút mọi sự chú ý. Nhưng những bức tranh do AI vẽ là những cái mới nhắc nhớ thời kỳ chiếc bồn tiểu được đặt lên bệ trưng bày!
Theo Ahmed Elgammal nghệ thuật do AI tạo ra thực tế mạnh hơn nhiều. Giáo sư vi tính tại Đại học Rutgers (New Jersey) phụ trách phòng thí nghiệm tạo ra kỹ thuật hiểu và sản xuất những tác phẩm mới nhờ vào AI chứ không phải tạo ra những bản sao nghệ thuật có sẵn đáng tin cậy như GAN đã làm. Đó không phải là nghệ thuật, mà chỉ đơn giản là sao chép. Đó là việc làm của một nghệ sĩ chẳng có tài năng.
Nhà khoa học gọi quy trình của mình là Mạng lưới đối lập sáng tạo (Creative Adversarial Network – CAN). Trong một GAN, phân biệt bảo đảm giống; trong một CAN, phân biệt bảo đảm mới.
Hệ thống này cho rằng nghệ thuật dẫn đến một tiến trình tiến hóa, nghĩa là những thay đổi nhỏ của một kiểu dáng được chứng nhận sẽ cuối cùng dẫn đến một kiểu dáng mới. Một diễn dịch rất thực tế khi cho rằng mọi kỹ thuật tự học phải đặt việc làm của mình trên một cơ bản dữ liệu đặc biệt.
Kết quả rất bất ngờ và kỳ lạ, mặc dù hơi quá đáng khi xem đó là một loại hình nghệ thuật mới. Đúng hơn là một hình thức ảnh trừu tượng có thể chấp nhận được.
Những bức ảnh triển lãm tại Chelsea, tạo ra từ cơ bản dữ liệu bao gồm các chân dung và xương sọ thời Phục hưng, có nhiều hình tượng hơn Chân dung Edmond de Belamy và khá bất ngờ.
Những khung tranh cho thấy các bá tước, công tước, hoàng hậu và những nhà quý tộc, mặc dù không cho thấy rõ con người thật. Đúng hơn là những dạng người, với những nét không rõ ràng và biến dạng, nhưng cũng có thể xem đó là các chân dung.
Theo Elgammal, một nhà quan sát tầm thường không thể phân biệt giữa một bức ảnh do AI tạo ra và một bức ảnh bình thường trưng bày trong một phòng tranh hay salon nghệ thuật.
Một điểm đặc biệt: các bức ảnh trừu tượng của Aican tạo ra kết nối thị giác và có sức thu hút. Nhưng toàn bộ nghệ thuật của thế kỷ 20 xây dựng trên ý tưởng: đặt một cái gì đó trong phòng tranh hay viện bảo tàng để nó tạo ra nghệ thuật, chứ không phải ngược lại.
Khi hỏi Elgammal những nghệ sĩ nào vào thời Phục hưng được chọn để tạo ra căn bản dữ liệu học hỏi và lý do tại sao, ông gởi một file tư liệu trên Dropbox chứa 3.000 họa sĩ nổi tiếng cách nay hơn hai thế kỷ, từ Titien (1488-1576) đến Gerard ter Borch (1617-1681), qua Giovanni Antonio Boltraffio (1467-1516)… Kiểu dáng rất đa dạng: từ những kẻ vô danh đến người nổi tiếng như nhà triết học Erasme.
Một số nhà nghệ thuật nghiệp dư xem AI như một mối đe dọa. Ông chủ phòng tranh Hoerle – Guggenheim cho xem bình luận trên Instagram của một khách hàng về cuộc triển lãm: “Thật là xấu hổ cho một phòng tranh!”.
Nó có thể hỗ trợ cho một con người nói lên quan điểm của mình về một thế giới đầy sức sống. Rất hoan nghênh những phê phán, chứng minh tác động của cuộc triển lãm, kết thúc vào ngày 5-3-2019.
Elgammal xem Aican không phải là một công cụ, mà là một cộng tác viên của mình, khi nói: “Một máy ảnh là công cụ cơ khí. Nó không biết sáng tạo. Thật là bất công khi gọi Aican là một công cụ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một công cụ có thể sáng tạo. Nó làm cho chúng ta kinh ngạc”.
Aican không chỉ là một cỗ máy do ông chế tạo, mà còn là một dự án thương mại. Nó thu hút được Jessica Davidson, một đại gia trong thị trường nghệ thuật.
Cuộc triển lãm không chỉ là một tia sáng lóe lên. Trước tiên, những bức tranh đều được bán giá từ 6.000 đến 18.000 USD, rất vừa túi tiền với một nơi như tại Chelsea.
Nhưng nó còn chuẩn bị cho một tương lai, nghĩa là sử dụng AI để hiểu, thậm chí xác định các khuynh hướng mỹ thuật. Elgammal giải thích: “Chúng tôi nuôi máy bằng những tác phẩm thuộc loại thời thượng như: Phục hưng, Baroque, Hiện thực, Ấn tượng… và máy làm sáng tỏ niên đại. Đó là một kỳ công đáng kể có thể làm đảo lộn ý tưởng là tiến bộ của mỹ thuật chỉ dựa vào lý luận của con người”.
Elgammal dám đánh cược: “Aican và các kỹ thuật tương đương có thể tiên đoán các khuynh hướng nghệ thuật sắp tới khi phân tích kỹ thuật và kiểu dáng phổ biến hiện tại. Ít nhất cũng là điều mà Artrendex đang làm. Đó là một công cụ giám sát kinh tế đang được các xí nghiệp sử dụng.
Theo Jessica Davidson, hệ thống này dùng để phân tích hàng trăm ngàn bình luận trên trang mạng xã hội Instagram để phát hiện những ngôi sao đang lên trong các cuộc hội ngộ lớn như Art Basel, hội chợ hằng năm diễn ra tại Bâle, Miami và Hong Kong.
Trang mạng Artendex quả quyết: “Thị trường mỹ thuật ngày nay vào khoảng 64 tỉ USD và những giao dịch đặc biệt tương ứng với các cuộc đầu tư. Vì thế, các công cụ phân tích dữ liệu là rất cần thiết để xác định giá trị mạnh của các tác phẩm.
Jessica Davidson nuôi tham vọng còn lớn hơn với Aican, nhất là trong thương mại. Cô muốn dùng công cụ này cho sưu tập của các công ty, nhất là khách sạn hay tòa nhà văn phòng, muốn treo tranh tại những không gian giao dịch.
Nếu cung cấp cho họ dữ liệu về sở thích của công chúng, Aican và “bạn bè”, nó có thể suy luận ra khuynh hướng trang trí hot nhất trong năm và Artendex có thể sản xuất hàng loạt với giá rẻ cho các phòng khách sạn, phòng khánh tiết và cả những bức tranh treo trên đầu giường của mỗi phòng trong khách sạn. Người ta cũng có thể tưởng tượng ra khuynh hướng đặt hàng dài hạn để tiếp nhận những bức tranh mới.
Một tác phẩm gây nhiều tranh cãi
Ban đầu, nó được đánh giá từ 7.000 đến 10.000 USD, nhưng cuối cùng đã lên đến 432.500 USD trong cuộc bán đấu giá của nhà Christie’s tại New York, ngày 25-10-2018. Tác phẩm đầu tiên do trí thông minh nhân tạo thực hiện được bán đấu giá. Bức Chân dung Edmond de Belamy do một nhóm chuyên gia người Pháp dưới quyền Pierre Fautrel thực hiện. Mấy ngày trước khi bán được nó, báo The New York Times đã mô tả bức tranh như sau: “Nó giống như một ai đó, dùng giẻ lau quét qua một bức tranh sơn dầu của thế kỷ 17”.