Khi mức độ đô thị hóa đã đạt trên 70 – 80% diện tích, sự quá tải về hạ tầng đang khiến Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh phải tính đến kế hoạch phát triển không gian mới. Theo xu hướng của thế giới, việc xây dựng và khai thác không gian ngầm ở hai thành phố lớn nhất nước đang bắt đầu được quan tâm.
Không gian ngầm ở Hà Nội mang tính cục bộ
Ngày nay, không gian ngầm của đô thị là những tổ hợp trung tâm thương mại, những công trình đa chức năng, thậm chí là nơi làm việc. Tại các nước, quy hoạch hệ thống đô thị ngầm gần như hình thành song song với việc phát triển các tuyến metro ngầm. Chẳng hạn, TP. Montreal (Canada) có đô thị ngầm Reso với hệ thống đường ngầm dài 32km, kết nối khoảng 80% các khu văn phòng và 35% các khu thương mại ở trung tâm thành phố.
Tại Việt Nam, Hà Nội đã có một số công trình không gian ngầm được triển khai như hệ thống cống ngầm, đường hầm cho người đi bộ, bãi đỗ xe ngầm hay các trung tâm thương mại ngầm với quy mô lớn như Royal City, Vincom Mega Mall Times City… Tuy nhiên, trên thực tế các không gian ngầm này hầu hết mới mang tính cục bộ, chỉ khai thác nhằm phục vụ cho riêng dự án đó, chưa có sự liên kết tổng thể cả khu vực hay một đô thị. Do không có kết nối và thiếu sự đồng bộ, nhiều công trình ngầm tại Hà Nội chưa phát huy tác dụng, điển hình là các hầm cho người đi bộ sang bên kia đường. Mặc dù được đầu tư hàng triệu USD nhưng hiệu quả của hệ thống này gần như bằng không khi rất ít người qua lại.
Từ đầu năm 2016, Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội đã giao Viện Quy hoạch – Xây dựng Hà Nội nghiên cứu lập quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP. Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Tuấn Hải, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, xây dựng không gian ngầm đáp ứng được hai khía cạnh quan trọng trong phát triển bền vững đô thị: dịch vụ đáp ứng yêu cầu của cuộc sống ngày càng cao và sử dụng tiết kiệm tài nguyên đất tại đô thị. Tuy nhiên, các không gian ngầm phải gắn bó mật thiết với kết cấu không gian mặt đất để cung cấp và bổ sung cơ sở vật chất cho hệ thống dịch vụ còn thiếu, đồng thời góp phần giải quyết vấn đề giao thông và bảo vệ môi trường cảnh quan đô thị.
- Xem thêm: Các dự án đường sắt gặp vướng mắc
Khi tất cả các yêu cầu về quy hoạch, kết nối liên hoàn, tương thích được đảm bảo, việc không gian ngầm đi vào hoạt động ổn định không chỉ cải thiện áp lực đô thị, mà còn giúp thị trường bất động sản có thêm một mảng sản phẩm mới. Tuy nhiên, hiện nay, cơ chế, chính sách về phát triển hạ tầng ngầm chưa được rõ ràng nên nhà đầu tư vẫn chưa thực sự quan tâm. Bên cạnh đó, việc phát triển hệ thống hạ tầng ngầm đòi hỏi phải có nguồn tài chính lớn nên cũng là rào cản trong đầu tư phát triển.
Theo phân tích của một số chuyên gia, kinh phí để đầu tư một bãi đậu xe ngầm thông thường sẽ cao gấp 3-4 lần so với đầu tư bãi xe trên mặt đất; thời gian hoàn vốn trung bình cho một dự án thường mất từ 50-70 năm. Vì vậy, nếu nhà đầu tư không được tính một mức thu phí phù hợp thì nguy cơ chôn vốn, thua lỗ là rất lớn.
Không gian ngầm tại TP. Hồ Chí Minh nên bám theo các tuyến metro
Tại TP. Hồ Chí Minh, khu vực trung tâm cũng có nhiều không gian ngầm với tổng diện tích xây dựng hầm hơn 11ha, hầu hết sử dụng cho mục đích thương mại hoặc đậu xe. Ở tuyến metro Số 1 đang được xây dựng cũng có nhiều đoạn đi ngầm dưới lòng đất với tổng chiều dài khoảng 2,6km.
Tuy nhiên, việc tận dụng các không gian ngầm nói trên vẫn mang tính chất riêng lẻ. Theo đề xuất của Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM, trước mắt, thực hiện quy hoạch không gian ngầm cho tuyến metro số 1, 2, 3a, 3b, 4, 5, 6. Các tuyến này có chung ga ngầm trung tâm Bến Thành (quận 1) với diện tích 45.000m2.
Ngoài ra, Sở Quy hoạch – Kiến trúc cũng đề xuất triển khai quy hoạch không gian ngầm tại khu trung tâm hiện hữu 930ha sẽ là nơi có nhiều công trình cao ốc, nhà cao tầng, có giá trị sử dụng đất rất cao và khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, quy mô 657ha); đồng thời tập trung vào các khu vực trọng điểm xung quanh nhà ga metro, các không gian công cộng lớn, các tuyến giao thông chính… Dự kiến đến năm 2019, Sở này sẽ hoàn chỉnh quy hoạch phát triển không gian ngầm thành phố với ưu tiên tập trung phát triển không gian ngầm khu trung tâm thành phố (vùng lõi 930 hécta) và khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đây là mô hình mẫu sau đó sẽ nhân rộng ra các khu vực khác của thành phố.
Theo KTS Võ Kim Cương, yếu tố khống chế không gian ngầm chính là các quy hoạch tuyến, cụ thể đối với thành phố là các tuyến metro. Vì thế, việc lập quy hoạch nên bám theo các tuyến metro, sau đó mới chia lớp không gian để quản lý (chẳng hạn từ mặt đất xuống bao nhiêu mét thì được xây dựng và xây dựng những công trình nào…).
Theo các chuyên gia, một khi thiếu cơ sở dữ liệu chung về quản lý các công trình ngầm hiện hữu sẽ rất khó để thành phố lập quy hoạch xây dựng không gian ngầm đầy đủ và hoàn chỉnh. Bài toán đặt ra hiện nay là tìm đơn vị làm đầu mối tập hợp đầy đủ dữ liệu để dễ quản lý chung, đồng bộ toàn bộ hạ tầng kỹ thuật ngầm như đường dây điện, viễn thông, cấp nước, thoát nước… để từ đó phục vụ cho việc lập quy hoạch phát triển không gian ngầm nói chung. Việc phát triển công trình ngầm thuận lợi hay không tùy vào dữ liệu. Khó khăn của việc xây dựng công trình ngầm ở TP. Hồ Chí Minh là không biết dưới đất có gì nên việc đấu thầu rất rủi ro, ai cũng ngại làm.
KTS Võ Kim Cương cho biết, việc xây dựng cơ sở dữ liệu GIS (Geographic Information System – Hệ thông tin địa lý) đã bắt đầu cách đây khoảng 20 năm nhưng ước vọng xây dựng trung tâm thông tin GIS của thành phố vẫn chưa thực hiện được. Hiện rất cần những quy chế, chính sách quản lý thông tin dữ liệu.