Nằm trên chung cư cao tầng, chỉ cần nghe tiếng rao cũng thấy… mùa đi qua. Ở Hà Nội thì mùa hoa thu-đông các cô bán hàng chở bằng xe đạp khiến phố rực rỡ, đẹp lắm. Mà hoa rẻ, nhà giàu hay nghèo đều có thể chưng. Nhà giàu biệt thự thì bình gốm khổng lồ góc phòng chưng hoa sen, hoa hồng, cúc. Nhà nghèo có lọ hoa nhỏ ở bàn thờ ông bà…
Trên Phây giờ là mùa hoa dã quỳ, hoa cúc họa mi, hoa tam giác mạch… Các chàng các nàng chụp hình thỏa thích. Ai ở xứ băng giá sẽ nhìn thấy mà thèm. Là xứ hoa quả, không đâu có nhiều trái cây ngon như ở Việt Nam nhiệt đới nắng gió quanh năm.
Chỉ mỗi tội tham ngu dại, người ta mới đem tẩm ướp hóa chất vào, khiến cho nỗi kinh hoàng bao phủ. Nói mãi cũng vậy mà thôi. Ở các đô thị, giờ người ta toàn vào siêu thị để mua. Đành rằng đồ siêu thị để lâu đông lạnh không thơm ngon nức mũi như ở ngoài chợ, nhưng được cái an toàn.
Đùng một cái, nhiều người đọc báo mới biết, chứ mình nhà không giàu như đại gia thì đâu biết, đâu có nhìn thấy. Rằng có những giới giàu họ ăn dưa lưới Nhật có loại đấu giá lên ngang giá… chiếc xe hơi. Còn nói là “nhà giàu Việt tranh mua”. Chuyện cứ như ở xứ nào đó: Trái Biwa để ăn vặt giá 4 triệu đồng một ký. Biếu sếp cà chua Hoàng gia Nhật giá 1,6 triệu đồng một ký. Lại còn “cà chua thân gỗ” độc lạ 1 triệu đồng một ký…
Nghe vậy thì, “mình là nhà nước, mình đánh thuế cho chết. Cứ kêu dân nghèo khổ nữa đi. Vàng thì vứt dưới gầm giường như khoai lang tới 500 tấn. Mà bảo nộp phí giao thông lại moi ra tờ tiền lẻ tiền xu…” – đó là lời phán trên Phây, chẳng ai… đánh thuế. Nhưng mà thấy… tức. Có phải ai cũng giàu có, ăn loại trái cây “bằng chiếc xe hơi” đâu. Cảnh khổ còn đầy kia kìa, giết chóc, đánh đập con công nhân gửi trẻ… Có cả thằng bé chín tuổi mà sống bảy trăm đêm bên bia mộ của bãi tha ma kìa. Chẳng có mức nào đo hết cái khổ. Nghe mà rùng mình.
Đi dọc các con đường từ nội thành Sài Gòn như Điện Biên Phủ ra vùng ngoại vi quận 2, quận 9 mà xem. Những “chợ trái cây nhà vườn” trên xe lôi đang hấp dẫn người mua. Mà toàn ghi giá “nửa ký” cho có ấn tượng là rẻ. Lẽ ra 16 ngàn một ký chẳng hạn, thì ghi “Bơ sáp 8 ngàn nửa ký”. Và đó là cả một cuộc “diễu binh” của ngon rẻ miệt vườn từ miền Tây, miền Đông, Tây Nguyên. Nải chuối có 20 ngàn đồng. Thanh long cũng thế. Nhãn xuồng 13 ngàn nửa ký. Chôm tróc 8 ngàn. Vú sữa Lò Rèn, bưởi Năm roi, xoài cát Hòa Lộc. Ngoài ra, chưa kể những chợ đầu mối Thủ Đức, Cái Răng, Cao Lãnh, Đồng Tháp… trái cây giá rẻ dồn ứ chợ. Rẻ rề thơm ngon.
Có thể tin là không tẩm ướp hóa chất, vì lượng trái trên xe lôi ít, không ai đi ướp như trong vựa. Mua ăn thấy ngon, thấy lành (bằng chứng là ăn rồi khỏe re, chẳng đau bụng đau dạ gì). Mới thương nông dân mình quá.
Chẳng phải nhà kinh tế hay lãnh đạo, nhưng cứ nghĩ vẩn vơ: Sao không biến đất nước mình thành “nhà máy trái cây” khổng lồ? Sao ở xứ vải thiều không mọc ra các xí nghiệp chế biến vải thiều xuất khẩu, giữ nông dân ở lại nơi quê hương, mà lại cứ bỏ quê lên Sài Gòn, Hà Nội làm nạn nhân của đô thị, ở chui rúc, mua cái xe Tàu chạy loạn cả đường phố?
Nghĩ miên man, không hiểu những người giàu có ăn trái cây cả triệu bạc kia nghĩ gì, chứ rõ ràng là họ ăn… quả lừa. Lừa đâu mà lừa? Họ sẽ nói tiền nào của ấy, thơm ngon không độc. Mà còn lạ nữa, sang chảnh nữa, chứ… ăn chuối bình dân nặng bụng, ra cái gì? Nghèo khổ hoặc “yêu nước” giải cứu hết heo đến dưa hấu rồi ăn của độc. Không có chết ngay đâu. Mà tiềm tàng và chỉ “hiện ra” qua con số tăng vùn vụt ở Bệnh viện Ung bướu. Vậy thì ai mới bị ăn quả lừa đây?
Thời buổi cãi nhau không bao giờ có thắng – thua, nói sao được. Đành rằng anh giàu có ăn quả cao cấp, không ai lừa hết. Nhưng coi lại xem. Nếu trái cây mà bằng giá cái xe hơi hoặc bằng tháng lương, thì rõ ràng là… quả lừa rồi. Lừa giá cả, lừa cảm giác sang chảnh… Rõ ràng ăn quả lừa, còn cãi gì nữa…