Trong bức tranh có tên Phong cảnh tuyết ở Argenteuil, Claude Monet vẽ năm 1875, mô tả thị trấn ở vùng ngoại vi phía đông bắc của Paris được phủ một tấm chăn khổng lồ của tuyết trắng vào mùa đông, chỉ còn vài khóm cây trụi lá và xa xa là ngọn tháp nhà thờ. Thế nhưng tác phẩm này được tờ Guardian (Anh) xếp vào Top 10 những bức tranh kể chuyện Giáng sinh xuất sắc nhất, bên cạnh tranh của nhiều bậc thầy hội họa châu Âu cổ điển và Phục hưng mà phần lớn nói về sự tích Chúa Hài đồng ra đời trong máng cỏ ở Bethlehem. Lễ Giáng sinh được thể hiện rất đa dạng trong tác phẩm của các họa sĩ phương Tây lừng danh.
Một trong những tranh Giáng sinh hết sức thú vị là bức Ông già Noel được Picasso vẽ năm 1960: chỉ bằng vài nét cọ nhiều màu sắc tươi vui, nhà danh họa đã tạo nên hình ảnh thân thuộc và trào phúng của nhân vật tiêu biểu nhất mùa Noel. Ông còn có bức Santa Claus, tranh in lithograph, khổ 73,7 x 53,3cm, những bản in đầu tiên năm 1957 được bán đấu giá, còn những bản in sau này được bán trên eBay, tiếp tục thu hút người mua vào dịp Giáng sinh hằng năm. Cùng thời với Picasso, các tên tuổi lớn như Matisse, Chagall, Gauguin, Miro… đều có tranh đề tài Giáng sinh, đặc biệt là loạt tranh kính màu lộng lẫy của Matisse, lấy cảm hứng từ vì sao dẫn lối đưa đường cho ba vua tìm đến hang Bethlehem trong đêm Chúa sinh ra đời. Cũng là hình ảnh Chúa trong lòng Đức Mẹ, một con chiên phủ phục bên máng cỏ và Chúa thọ nạn trên thập giá nhưng Marc Chagall đã để lại cho đời một tuyệt tác Giáng sinh theo cách nhìn lạ thường của ông. Trong khi đó, tranh Giáng sinh an lành của Joan Miro là một khúc hoan ca của màu sắc, được thể hiện bằng ngôn ngữ của một bậc thầy trào lưu Siêu thực.
Paul Gauguin, nhà tiền phong của phong trào hội họa Tượng trưng Pháp đã vẽ bức Chúc phúc đêm Giáng sinh rất lạ lùng. Tranh cho thấy một đêm mùa đông ở Bretagne (miền Bắc nước Pháp), vùng đất mà Gauguin đã đến nghỉ vào mùa hè năm 1886, thế nhưng các hình ảnh trong tranh được ông tổng hợp từ nhiều nguồn cảm hứng khác nhau. Tháp chuông nhà thờ và túp nhà nông thôn tuyết phủ là các kiến trúc ở Pont-Aven, một địa danh của Bretagne nhưng nón trùm đầu của hai phụ nữ lại của một địa phương khác. Hai con bò được họa sĩ lấy mẫu từ kiến trúc hầm mộ Ai Cập, trong khi các bức tượng thần ở rìa phải của tranh được Gauhuin chọn từ ảnh chụp một thân cột ở Java (Indonesia). Bức tranh này chỉ được tìm thấy trong xưởng vẽ của họa sĩ sau ngày Gauguin qua đời, cho thấy những ký ức về vùng Bretagne vẫn đậm nét trong ông dù Gauguin đã rời Pont-Aven từ nhiều năm trước để ra đảo Tahiti sống và vẽ. Gần gũi với Gauguin, Vincent van Gogh không trực tiếp vẽ tranh Giáng sinh thế nhưng bức Đêm đầy sao của ông vẫn được coi là một biểu trưng khác của đêm Noel.
Họa sĩ Thụy Điển Carl Larsson (1853-1919) rất đa năng: ông vẽ với nhiều chất liệu và còn làm tranh tường, tranh in. Tác phẩm lớn nhất, xuất sắc nhất của ông là Hiến tế giữa mùa đông được trưng bày như một bảo vật của Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia Thụy Điển. Carl Larsson có một loạt tranh in chủ đề Giáng sinh, tất cả đều mô tả không khí vui vẻ, đầm ấm ngày lễ trọng trong các gia đình người dân bình thường. Cho dù không phải là giáo dân Công giáo, gần như ai cũng từng nghe những giai điệu tuyệt vời của bài Silent night (Đêm thinh lặng hay Đêm Thánh vô cùng), một trong những ca khúc Giáng sinh nổi tiếng nhất với lời do linh mục Josef Mohr viết bằng tiếng Đức và giai điệu do nghệ sĩ organ Franz Xaver Gruber sáng tác năm 1818. Bức Đêm thinh lặng của họa sĩ Đan Mạch Viggo Johansen (1851-1935) có lẽ lấy cảm hứng từ ca khúc cùng tên và là một tác phẩm hội họa thể hiện rõ nét nhất không khí Giáng sinh trong một gia đình đang quây quần bên cây thông Noel.
Với các tên tuổi của hội họa châu Âu các thế kỷ trước đó như Pieter Bruegel “Cha”, Fra Angelico, Botticelli, Gerard van Honthorst, Giorgione, Hugo van der Goes, Federico Barrocci…, tranh vẽ Giáng sinh của họ cũng là tranh tôn giáo, tất cả đều nhằm vinh danh ngày Chúa giáng trần, đem ơn phước đến cho mọi người.
Còn phải kể đến những mẫu thiệp Giáng sinh từ tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng và được nhà Hallmark in vào cuối thập niên 1940, sau khi Thế chiến II kết thúc. Tranh của Pablo Picasso, Paul Cezanne, Paul Gauguin, Vincent Van Gogh và Georgia O’Keeffe in thiệp Giáng sinh Hallmark luôn được chọn mua để gửi tặng người thân thay cho lời chúc “Giáng sinh an lành”. Đặc biệt, vào năm 1959 “ông vua Siêu thực” Salvador Dali đã nhận lời vẽ 10 mẫu thiệp Giáng sinh cho nhà Hallmark và được ứng trước 15.000 USD.
Thế nhưng các mẫu được vẽ với ngôn ngữ Siêu thực của Dali xem ra không hợp với thiệp chúc mừng Giáng sinh nên phần lớn không được sử dụng, chỉ có hai mẫu được in. Nếu ai còn giữ được tấm thiệp Giáng sinh do Dali vẽ mẫu, giờ đây nó là một khoản tiền không nhỏ!