Cha mẹ nào cũng muốn con mình sẽ thành công, nhưng có nhiều con đường dẫn đến thành công. Tự điển định nghĩa “thành công nghĩa là đạt được kết quả như mong muốn hoặc hy vọng”. Tỉ phú, nhà đầu tư Warren Buffett cho rằng một người được xem là thành công khi những người mà họ quan tâm thật sự yêu thương họ. Trong khi đó Dale Carnegie, tác giả quyển Đắc nhân tâm quan niệm rằng thành công là cân bằng giữa công việc và niềm đam mê.
Dù là theo quan niệm nào đi nữa thì những người thành công có chung một đặc điểm là: Họ tin vào chính mình. Bước đầu tiên để tiến đến thành công là “dừng an phận” và bắt đầu vươn tới những khả năng có thể xảy ra. Nếu muốn con của bạn thực hiện bước đi đầu tiên để theo đuổi điều mình chọn lựa, hãy bắt đầu trao cho con những món quà vô giá.
Tinh thần độc lập
Việc của cha mẹ là đặt ra những nguyên tắc và hướng dẫn cho con. Nhưng, áp đặt quá nhiều nguyên tắc là điều không nên. Sự hài lòng cá nhân phần lớn xuất phát từ quyền tự quyết và sự độc lập. Chúng ta chỉ thực sự để tâm làm điều gì đó khi cảm thấy rằng mình có trách nhiệm, quyền hạn và đó là điều đúng đắn nên làm chứ không chỉ vì ai đó bảo chúng ta phải làm như thế. Phụ huynh cần tạo điều kiện để trẻ chuyển thái độ từ “phải” sang “muốn” và như thế các nhiệm vụ sẽ trở nên có ý nghĩa hơn, là cơ hội để trẻ trải nghiệm, biểu hiện kỹ năng và tài năng. Nếu muốn con của bạn một ngày nào đó có thể làm được những việc ý nghĩa thì hãy “mở màn câu chuyện” ngay từ bây giờ.
Khen ngợi đúng lúc
Ai cũng có thể làm được điều gì đó tốt đẹp và họ xứng đáng được khen ngợi và biết ơn. Hãy cố gắng nhìn ra những điểm tốt ở con – đó không chỉ là những điểm tốt giống cha mẹ – trước khi chính trẻ nhận ra điều đó. Cha mẹ cần mang lại chút xúc tác để giúp con đạt đến tiềm năng thực sự. Vài lời nói thể hiện sự nhìn nhận của cha mẹ, đặc biệt là khi nó được bày tỏ công khai, có thể là “cú hích” mà trẻ cần đến.
Kiên nhẫn với con
Muốn cho ai đó thấy rằng bạn thực sự quan tâm thì hãy kiên nhẫn với họ. Thể hiện sự kiên nhẫn là cách tuyệt vời để trẻ hiểu rằng bạn thật sự tin tưởng con mình, không chỉ có hôm nay mà trong cả cuộc đời trẻ.
- Xem thêm: Cha mẹ với giáo dục trí tuệ cảm xúc
Hãy yêu cầu con giúp đỡ
Nghe có vẻ hơi lạ vì yêu cầu giúp đỡ không phải là một món quà mà là một đòi hỏi. Nhưng hãy nghĩ theo cách này: Khi bạn yêu cầu con giúp đỡ thì bạn cũng thể hiện rằng mình tôn trọng kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của con. Bạn cho thấy rằng mình tin tưởng con. Và đó là cách giúp con xây dựng lòng tự trọng và giá trị bản thân khi nhận được một trong những món quà lớn nhất: Biết rằng mình đã góp phần làm nên sự khác biệt trong cuộc đời của người khác và ở đây chính là cha mẹ của mình.
Tha thứ là một món quà
Khi con phạm một lỗi lầm lớn thì bạn rất dễ nhìn con qua lăng kính của sai lầm đó. Thế nhưng, một sai lầm hay yếu điểm chỉ là một phần của con người đó. Người cha người mẹ tuyệt vời sẽ giữ bình tĩnh và nghĩ xa hơn giây phút đó. Tha thứ là điều tuyệt diệu, nhưng quên được thì còn tuyệt vời hơn nữa.
Con cần sự riêng tư
Đó là con của bạn. Bạn có quyền được biết thông tin, nhưng không phải là tất cả mọi thứ. Không phải lúc nào bạn cũng cần phải biết… để mà quan tâm. Nhưng bạn nên có mặt khi con muốn và cần chia sẻ. Hãy giúp con bảo vệ sự riêng tư khỏi cái nhìn săm soi của người ngoài… và chính cha mẹ cũng cần tôn trọng sự riêng tư của con.
- Xem thêm: Kiên nhẫn với con cái
Đề ra những mong đợi cao
Tất cả chúng ta đều không hoàn hảo và đều mong muốn mình sẽ trở nên tốt hơn. Hãy nghĩ về thời điểm mà ai đó nói với bạn một điều bạn không hề muốn nghe nhưng lại cần phải nghe. Và bạn không bao giờ quên được điều họ nói vì nó đã làm thay đổi cuộc đời bạn. Tại sao bạn lại không làm điều tương tự cho con của mình?
Giúp con xây dựng tư duy cầu tiến
Theo nghiên cứu về sự thành đạt và thành công của nhà tâm lý học Carol Dweck, mọi người có xu hướng đón nhận một trong hai cách tiếp cận sau đây về tài năng:
– Tư duy bảo thủ: Tin rằng sự thông minh, khả năng và kỹ năng là bẩm sinh và gần như không thể thay đổi. Họ hay nói những câu đại loại như “Tôi không thông minh” hoặc “Tôi không nuốt nổi môn toán”.
– Tư duy cầu tiến: Tin rằng trí thông minh, khả năng và kỹ năng có thể phát triển từ nỗ lực. Người có tư duy cầu tiến thường nói “Thêm chút thời gian nữa thì tôi sẽ đạt được mục tiêu” hoặc “Được rồi, tôi sẽ thử lần nữa”.
- Xem thêm: 5 cách dạy con cần học của người Nhật
Sự khác nhau trong quan điểm có thể được hình thành từ cách khen ngợi mà chúng ta đón nhận từ khi còn là trẻ nhỏ. Chẳng hạn, “Con làm toán nhanh quá. Con thông minh quá! Tuyệt quá, con được loại giỏi mà không phải học gì nhiều!”. Những lời khen này nghe có vẻ rất tuyệt nhưng ẩn bên trong đó là các thông điệp khác. “Nếu tôi không làm toán nhanh như thế… thì tôi không được thông minh lắm”. Kết quả của những thông điệp như thế là một tư duy bảo thủ.
Và khi chúng ta gặp khó khăn, thử thách, chúng ta sẽ cảm thấy tuyệt vọng vì nghĩ rằng mình không đủ tốt, đủ giỏi. Khi nghĩ thế, chúng ta ngừng cố gắng. Nếu bạn khen ngợi trẻ chỉ vì thành tựu hoặc chỉ trích trẻ vì những thất bại ngắn hạn, bạn đã tạo nên một môi trường tư duy bảo thủ. Dần dà, trẻ sẽ thấy mọi lỗi lầm là một thất bại, thiếu kết quả tức thời cũng là thất bại. Trẻ sẽ mất động lực và ngừng cố gắng.
Thay vào đó, hãy tập trung khen ngợi nỗ lực và hành động. “Bài tập rất khó nhưng con đã cố gắng hoàn thành”. Bạn cũng khen ngợi kết quả nhưng là kết quả dựa trên nền tảng của nỗ lực mà không vội giả định về một tài năng hay kỹ năng bẩm sinh. Bằng cách đó, bạn tạo nên một môi trường mà trẻ cảm thấy chuyện gì cũng là có thể và chúng phải không ngừng cố gắng. Hãy giúp trẻ hình thành tư duy cầu tiến. Như thế, trẻ sẽ lớn lên với tâm lý thoải mái hơn vì một thất bại hiện tại dường như chỉ là một bước nữa để tiến đến thành công.