“Nếu muốn thành công, bạn cần làm việc siêng năng và hãy vui chơi, nhưng trên hết bạn cần lắng nghe và đừng nói nhiều quá”, đó là lời tỉ phú ngành truyền thông Patrick Drahi – người đã chào đời vào tháng 8-1963 trong một gia đình Do Thái sinh sống ở Casablanca, thủ đô Ma-rốc, sau này là chủ nhân của nhà đấu giá hàng đầu thế giới Sotheby’s.
Patrick Drahi đến Pháp năm 1978 khi mới 15 tuổi nhưng nay ở tuổi 55 ông được tạp chí Forbes xếp thứ 9 trong số những người giàu nhất nước Pháp với tài sản lên đến 9,1 tỉ USD. Ngày 16-6-2019, Patrick Drahi đã trở thành chủ nhân của nhà đấu giá hàng đầu thế giới Sotheby’s sau một thương vụ trị giá 3,7 tỉ USD – lớn nhất trong lịch sử thị trường nghệ thuật thế giới.
Thừa hưởng gien của bố mẹ đều là giáo viên dạy toán, sau khi sang Pháp Patrick Drahi thi đỗ vào Ecole Polytechnique – trường đại học công nghệ số 1 ở Pháp. Tốt nghiệp, ông làm việc ngay trong lĩnh vực sợi cáp quang (fibre optics) và khởi đầu là tại Tập đoàn Philips, sau đó đến một công ty con của tập đoàn viễn thông đa quốc gia Liberty Global (được thành lập vào năm 2005, có trụ sở tại London, Amsterdam và Denver; hiện là nhà cung cấp dịch vụ internet băng thông rộng lớn nhất bên ngoài Hoa Kỳ) trước khi ra riêng, tự xây dựng sự nghiệp luôn thăng tiến của mình.
Ông trùm lĩnh vực viễn thông và truyền thông đại chúng
Sau khi mua lại vài công ty cáp quang và điều hành mạng di động gặp khó khăn để tồn tại, Patrick Drahi gia nhập nhóm các đại gia lĩnh vực này vào năm 2014 khi đánh bại Tập đoàn Bouygues sừng sỏ để sở hữu SFR – công ty viễn thông lớn thứ hai tại Pháp chuyên cung cấp dịch vụ điện thoại, video, dữ liệu và viễn thông internet và dịch vụ chuyên nghiệp cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Những năm kế tiếp, Patrick Drahi đã mở lối đi ngoạn mục vào thị trường viễn thông tại Mỹ khi thâu tóm Công ty cáp quang Suddenlink vào năm 2015, sau đó đến Công ty Cablevision năm 2016 và vào tháng 4-2019 là Cheddar, một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực video thương mại. Thông qua Công ty Altice mà ông là người đứng đầu, Patrick Drahi sở hữu 75% cổ phiếu của Numericable, nhà điều hành điện tử viễn thông lớn nhất tại Pháp đồng thời là chủ nhân nhật báo Liberation, kênh tin tức 24 giờ BFM và mạng lưới tin tức quốc tế i24 của Israel (ngoài quốc tịch Pháp, Patrick Drahi có quốc tịch Israel và Bồ Đào Nha).
Giới tài chính công nghệ viễn thông đặt cho Patrick Drahi biệt danh “sát thủ trả giá” (cost killer) bởi vào năm 2017 ông đã thâu tóm được Altice – công ty viễn thông và truyền thông đại chúng đa quốc gia có trụ sở tại Hà Lan, nhưng với khoản nợ chồng chất lên đến 50 tỉ euro khiến giá cổ phiếu có lúc rơi tự do. Nhưng dưới sự lèo lái của Patrick Drahi nó đã trở thành công ty viễn thông lớn thứ hai ở Pháp, sau Orange, có vốn hóa thị trường là 13,7 tỉ euro, tính đến tháng 12-2017.
- Xem thêm: “Indiana Jones của thế giới mỹ thuật”
Nhà sưu tập giấu mặt
Sở thích sưu tập tác phẩm mỹ thuật của Patrick Drahi đi cùng với vận may và tài sản khổng lồ của ông. ArtPrice – công ty dữ liệu online tại Pháp chuyên về mua bán tác phẩm mỹ thuật xếp Patrick Drahi ở vị trí 252 trong số những nhà sưu tập lớn nhất toàn cầu. Tuy nhiên, theo Thierry Ehrmann, CEO của ArtPrice: “Ông ấy là một nhà sưu tập ưu tú và rất kín tiếng…, đặc biệt thích nghệ thuật đương đại”, đồng thời trong bộ sưu tập của ông có vài tác phẩm “khá đặc sắc” của Marc Chagall.
Một nguồn tin thân cận với Patrick Drahi tiết lộ rằng nhà tỉ phú có “kiến thức bách khoa về nhạc cổ điển, đặc biệt là về hội họa”. Và theo Tad Smith, CEO của Sotheby’s thì Patrick Drahi “biết rõ họ (các họa sĩ mà ông yêu thích) vẽ vào thời gian nào cũng như tác phẩm của họ có mặt ở bảo tàng mỹ thuật nào”.
Sau thương vụ mua Sotheby’s của nhà tỉ phú Pháp, ông Domenico De Sole – chủ tịch hội đồng các giám đốc lĩnh vực của nhà đấu giá đã phát biểu: “Hội đồng chúng tôi nồng nhiệt ủng hộ đề nghị mua Sotheby’s của ông Drahi, qua đó sẽ mang đến một khoản lời đáng kể ở thị trường cho các cổ đông của Sotheby’s.
Thế là sau hơn 30 năm tồn tại với tư cách một công ty công khai tại thị trường, nói cách khác là một công ty có chứng khoán có thể mua-bán trên thị trường (publicly traded company), nhà đấu giá hàng đầu thế giới Sotheby’s nay đã thành công ty riêng của một chủ nhân. Và như vậy, cả hai công ty đấu giá lớn nhất thế giới đều thuộc quyền kiểm soát của hai tỉ phú người Pháp. Năm 1988, nhà Christie’s đã được mua với giá 1,2 tỉ bởi Công ty Artemis, một công ty làm chủ cổ phần của các công ty khác (holding company) mà chủ nhân là tỉ phú François-Henri Pinault (chồng của nữ diễn viên Salma Hayek).
Về phần mình, tỉ phú Drahi phát biểu: “Tôi tiến hành việc đầu tư này cho gia đình tôi với một tầm nhìn lâu dài. Với tư cách chủ nhân Sotheby’s trong thời gian tới, tôi rất tự tin vào công việc điều hành công ty và vì vậy, không có bất kỳ can thiệp nào vào chiến lược của công ty. Công việc điều hành với đội ngũ tài trí cùng những tài năng của Sotheby’s khắp thế giới sẽ tiếp tục với sự hỗ trợ của tôi”.
- Xem thêm: Christie’s bán cổ vật cướp bóc
Giao dịch ngầm sẽ gia tăng
Tương tự như các kiệt tác của Van Gogh, Picasso và Rothko trở thành tài sản riêng của các đại gia, câu chuyện nhà đấu giá hàng đầu thế giới Sotheby’s rơi vào tay một tỉ phú sẽ định hình lại thị trường mỹ thuật thế giới. Theo hãng tin Bloomberg, việc tỉ phú Patrick Drahi mua nhà Sotheby’s chắc chắn sẽ khiến thị trường chìm sâu hơn vào bóng tối qua các giao dịch ngầm, bí mật. Với tư cách công ty tư nhân, Sotheby’s không bị buộc phải công khai kết quả kinh doanh hằng quý, từ đó có lợi thế cạnh tranh với đại kình địch Christie’s của tỉ phú François Pinault.
Theo Evan Beard, một giám đốc chuyên về dịch vụ nghệ thuật tại Bank of America Corp., các báo cáo hằng quý cung cấp một “chứng khoán chủ đạo minh bạch” cho thị trường tác phẩm nghệ thuật để làm rõ lợi nhuận, tiền thưởng cho các giám đốc, chiến lược của công ty, khoản tiền đầu tư và phản ứng của thị trường trước các tác động kinh tế và chính trị.
Thế nhưng “nay thì tất cả đều là bí mật; rõ ràng là một sự tuột dốc”. Còn Franck Prazan, chủ nhân gallery Applicat-Prazan ở Paris, nguyên Giám đốc điều hành của nhà Christie’s Paris vào thời điểm François Pinault mua công ty đấu giá này, cho rằng “khi Sotheby’s không còn là một publicly traded company nữa, chắc chắn lợi nhuận của nó sẽ không ổn định”.