Nhiều người có tính nôn nóng. Nhìn cảnh đi máy bay thì thấy. Trước sau gì cũng lên máy bay, ngồi đúng số ghế vậy mà có người vẫn cứ chen, từ lên xe trung chuyển cho đến lên máy bay.
Máy bay chưa dừng hẳn đã thấy nhiều người lục tục đứng lên lấy hành lý trên ngăn cao xuống, đứng hàng dài trên lối đi.
Mà dù đã dừng hẳn có khi đợi phải đến 15, 20 phút khách mới ra khỏi máy bay. Vậy mà cứ nôn nóng muốn xuống trước.
Chưa kể, khi máy bay còn chạy trên đường băng nhiều người đã mở điện thoại í ới người thân đến đón. Cái lạ nữa là phải nói thật to mới thỏa sự chờ đợi, nôn nóng hay sao ấy!
Vào bệnh viện mới thấy việc nôn nóng trở thành áp lực cho nhiều người bệnh, bệnh ít thành bệnh nhiều.
Đã lấy số rồi thì cứ việc ngồi đợi đến lượt nhưng nhiều người cứ phải đứng ngay quầy tiếp nhận bệnh. Dường như phải nhìn thấy cô nhân viên tiếp nhận mới thoát khỏi tâm trạng chờ đợi?
Lúc này các anh bảo vệ thêm bận rộn. Đưa sổ khám bệnh cho người này, nhận số người kia. Mặc loa phóng thanh kêu gọi trật tự, vãn hồi được một chút đâu lại vào đấy, không lúc nào thấy chỗ các cô nhân viên nhận bệnh không có cảnh chen lấn.
Từ việc nôn nóng thành lộn xộn gây áp lực cho nhiều người, vừa đội ngũ nhân viên lẫn người bệnh. Chưa nói đến kẻ gian lợi dụng lúc ai nấy lo chen, mất cảnh giác.
Chưa hết, ra hàng ghế ngồi chờ lại không chú ý nhìn bảng số điện tử hay nghe gọi tên mà thích nói chuyện với nhau, mà phải nói thật to mới chịu!
Đồng bệnh tương lân là đây. Thổ lộ tâm trạng, mối lo lắng về bệnh tật với người ngồi bên cạnh cũng làm vơi bớt ám ảnh bệnh tật bởi con người cần sự giải tỏa, chia sẻ, động viên.
Thế nhưng, chia sẻ kiểu đó e khó nhận được sự thông cảm của những bệnh nhân quá mệt mỏi, cần yên tĩnh mà tai cứ phải nghe hết chuyện này đến chuyện kia.
- Xem thêm: Kiềm chế cơn giận
Trong siêu thị xếp hàng là ổn? Chưa chắc. Một ông ở đâu lù lù tiến đến nói với cô nhân viên cho ông tính tiền trước vì có việc gấp, ông chỉ có 1, 2 món hàng.
Cô nhân viên ái ngại nhìn người đang chờ đến lượt, ý hỏi, cô bác anh chị có đồng ý không? Người dễ tính gật đầu vui vẻ.
Người khó tính nhưng hiền thì họ chẳng buồn thể hiện ý kiến, muốn làm sao thì làm. Đụng phải bà, ông khó chịu thì bao nhiêu lời hay, ý đẹp, ẩn dụ, nói thẳng được tuôn ra.
Nôn nóng là bản chất của con người. Phải tập kiên nhẫn mới thoát được tâm trạng này khi đến chỗ đông người, phải chờ đợi.
Càng nôn nóng, càng sốt ruột càng tạo thêm áp lực, chẳng ích gì. Trong gia đình, nhiều bậc cha mẹ hay tỏ ý sốt ruột về sự chậm chạp, lề mề của con cái.
“Nhanh như thiên hạ còn chưa ăn ai, lề mề, rề rà như con làm sao ra ngoài đời biết bao chuyện bon chen?”.
Gia đình bé tí mà cũng nhiều thứ sốt ruột lắm. Mỗi thứ một chút, tạo thành áp lực cho nơi đáng lý phải thật bình yên.
“Nghĩ lại, sốt ruột, thúc hối con cái ăn nhanh, dậy mau, học bài đi, tắt máy vi tính… đôi khi phản tác dụng, bởi chính chúng tự biết sắp xếp thế nào là ổn mà tâm lý cha mẹ cứ hay lo”, một chị tâm sự.
Thế nhưng có ngay phản biện: “Không thúc hối chúng có mà xôi hỏng bỏng không”. Đúng – sai còn tùy theo mỗi gia đình, mỗi hoàn cảnh.
Tuy nhiên, có thể thấy chính sự nôn nóng của cha mẹ không chỉ tạo áp lực cho con cái mà đôi khi có tác dụng ngược. Càng hối thúc trẻ, càng làm chúng rối trí, lúng túng, quên thứ này, thứ kia. Hỏng việc!
Điềm tĩnh là thái độ tốt cho bất cứ ai, ở môi trường, hoàn cảnh nào và luôn có hiệu quả. Thế nhưng, làm sao giữ được sự điềm tĩnh ở mọi hoàn cảnh cũng chẳng dễ dàng gì, phải tập để trở thành thói quen hằng ngày trong cuộc sống lắm bon chen!