Thợ mỏ là cái tên đặt cho những người lấy vợ lấy chồng chỉ cốt để bòn rút của cải nhà giàu. Vì những người thợ mỏ chui xuống hầm sâu để khai thác khoáng sản – một nghề cao quý – lại phần nhiều là nam giới, nên người ta hay dùng để gọi những anh chàng. Và thế nên chữ “đào mỏ” thường là ám chỉ chàng nào chịu “hạ chuẩn” lấy cô gái kém cỏi xấu xí nhưng nhà giàu.
“Vừa mới cưới xong, để xem phía nhà người ta thế nào, không lẽ mình cho con gái nguyên cái nhà, còn nhà trai thì sao? Hóa ra con gái mình “đi cưới chồng” à?”.
Một ông bố ngăn cơn nhiệt tình của vợ mình như vậy. Bà vợ thì cứ lăm lăm tính mua cho con gái căn nhà. “Phải đợi xem nhà trai họ tính thế nào đã chứ!”.
Bà vợ chỉ có một mụn con gái duy nhất nên sống theo lý lẽ: “Mình làm lụng là để cho con cái chứ cho ai? Thì bây giờ là lúc con cần, nó lập gia đình cần nhà riêng đó, bây giờ là lúc con cái cần được cho, sao cha mẹ lại băn khoăn?”.
Ông chồng nói từ từ xem nhà trai có bỏ thêm ra lo cho con trai không, hay là thấy nhà gái mau mắn quá nên họ im lặng chờ.
Thật là chẳng ra sao, tại vợ mình cứ sốt sắng nói rằng cưới xong thì cho con cái nhà. Mà con mình có đui què mẻ sứt, xấu xí gì đâu. Cũng học xong đại học chứ đâu phải tệ…
- Xem thêm: Ông đổi đời
Cái kiểu “đào mỏ” đã trở thành nỗi ám ảnh và làm cho hai bên gia đình đều thủ thế. Mà xưa nay cái lệ là nhà trai đi cưới vợ cho con, nhà trai phải lo. Còn con gái chỉ về nhà chồng thôi.
Các cô tân thời bây giờ đâu chịu làm dâu. Cô nào cũng thích độc lập, thích mình sung sướng tự do, không cô nào xót thương cha mẹ chồng, nói gì đến hy vọng các cô hầu bố mẹ chồng. Là vì ở nhà, các cô được bố mẹ đẻ hầu quen rồi.
Thời thế đảo ngược, bây giờ người già lo cho người trẻ, tích cóp lo tương lai cho con, còn con thì chỉ bận rộn phấn đấu thăng tiến và hưởng thụ thôi.
Chẳng thế mà ở Trung Quốc, sau nhiều năm “tất cả vì tương lai con em chúng ta”, bây giờ ngoảnh lại tất cả thanh niên ra thành thị thăng tiến, để lại sau lưng tới 60 triệu người già không ai phụng dưỡng.
Và thế là vội vã sửa đổi pháp luật, đưa việc chăm sóc nuôi dưỡng, dành thời gian cho người già trở thành pháp lệnh. Nhưng có vẻ muộn rồi, đã thành lối sống của cả xã hội mất rồi, sửa đâu có dễ…
Đấy, cứ nghĩ lan man thế mà thêm lo thêm tức. “Cho con gái cả một cái nhà có phải chuyện chơi. Thế sao nhà trai họ không vậy, không lo cho con. Thôi, đúng là đào mỏ rồi chứ còn nghi ngờ gì nữa!”.
Thế mà bà vợ ông không tỉnh ra, mà còn đặt ngược lại: “Cứ nhìn cuộc đời tôi đây, rõ ràng khôn ngoan xinh đẹp, con nhà gia giáo, có học có hành nhé! Bao nhiêu anh theo chứ có phải ế đâu, chính ông hồi đó chứng kiến nhiều người hơn ông một cái đầu! Mà ngày xưa, ông theo đuổi mãi năm năm, tối nào cũng đến ngồi ở phòng khách trò chuyện, bao giờ cũng sắp chín giờ là phải biết thân biết phận ra về. Nề nếp gia đình vậy, khó khăn bao nhiêu mới lấy được nhau chứ đâu có như bây giờ, tìm hiểu yêu nhau ăn ở búa xua chẳng có phép tắc gì, chẳng coi ai ra gì. Chỉ khi nào có việc phải lo cưới xin, nhà cửa thì mới “dùng đến” cha mẹ!”.
- Xem thêm: Xem… đám cưới
Rồi bà vợ than thở: “Ấy vậy mà rồi cũng có thoát bị đào mỏ đâu”. Ông chồng phì cười: “Nhà bà nghèo như thế, tôi cưới bà về không hồi môn, chỉ có gia giáo chặt chẽ khổ sở chứ được cái gì đem về nhà chồng nào?”.
Bà vợ tức giận: “Ngày xưa khác, cả xã hội khổ đều chứ đâu có nhiều bọn trộm cướp như bây giờ, đi làm thì ít mà tìm cách tham nhũng thì nhiều mới vênh vang khoe giàu…”.
Trút xong nỗi bực, bà nhìn đôi bàn tay nổi đầy gân của mình và nói: “Chẳng có tiền cho ông đào mỏ, nhưng ông cũng đã vắt kiệt cuộc đời vợ để hầu hạ, nuôi chồng hầu con, lo lắng đủ điều. Cả cuộc đời đâu có ngày sung sướng”.
Ông chồng cười: “Đó là vinh dự hy sinh cao quý của người phụ nữ. Các bà được tấm huy chương cao quý vậy còn gì”.
“Ờ, được tiếng đấy, nhưng hết cuộc đời rồi, phụ nữ chẳng được sung sướng thì thử hỏi họ có bị đào mỏ đến khánh kiệt không?”. Cả một thế hệ là nạn nhân của đào mỏ tinh vi…