Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức [1]… mơ tưởng chuyến ngao du châu Âu, bởi đó là thời khắc lục địa cổ kính trở nên quyến rũ hơn bao giờ hết.
Đồng khí tương cầu, vợ chồng anh bạn thân ở tận nước Đức xa xôi nhắn về rủ cùng nhau làm chuyến đi vòng quanh mấy hồ nước thơ mộng của Thụy Sĩ và Ý, đặc biệt là men theo dãy Alps hùng vĩ để thỏa thuê chiêm ngưỡng đất trời bàng bạc cuối thu.
Theo đúng hẹn, vợ chồng anh bạn lái xe hơi xuyên biên giới, còn chúng tôi bay từ quê nhà sang để ráp nối ở điểm đến đầu tiên là Genève, thành phố đông dân thứ hai của Thụy Sĩ chỉ sau Zurich.
Vừa vào đến khu trung tâm, thành phố khéo tạo ấn tượng ban đầu cho du khách bằng dải lụa nước trắng xóa từ giữa lòng hồ Genève bay vút lên không trung. Ngọn suối phun nhân tạo này chính là biểu tượng của Genève, được thiết kế bởi một máy bơm nước công suất cực mạnh đặt dưới lòng hồ, đẩy khối lượng nước khoảng bảy tấn lên cao gần 150 mét với tốc độ 220 km/giờ.
Là hồ nước ngọt lớn thứ hai tại Trung Âu chỉ sau Balaton của Hungary, hồ Genève tội nghiệp phải chịu cảnh thân này ví xẻ làm đôi, với 60% diện tích thuộc chủ quyền của Thụy Sĩ và 40% thuộc Pháp với tên gọi là hồ Léman. Một biên giới tự nhiên giữa hai quốc gia chạy ngang qua mặt hồ.
Cung cấp nguồn nước cho hồ là sông Rhône uốn lượn chảy qua chia cắt Genève làm đôi, bờ trái là khu vực cổ kính đắm mình trong không gian tĩnh lặng, còn bờ phải là khu vực hiện đại với nhịp sống trẻ trung. Thành phố có tám cây cầu nối hai bờ làm tròn sứ mạng kết nối hai mảng tương phản thành một tổng thể hài hòa, với núi đồi và ao hồ bao bọc làm tăng thêm vẻ đẹp non-xanh-nước-biếc-như-tranh-họa-đồ. Phóng tầm mắt ra xa xa có thể nhìn thấy ngọn Mont Blanc, được mệnh danh là nóc nhà của châu Âu, kiêu hãnh khoe chiều cao 4.808 mét với đỉnh núi quanh năm tuyết phủ trắng xoá ngay cả giữa mùa hè.
Vượt qua khỏi công viên có những tán cây rộng xòe bóng mát trên bãi cỏ xanh mượt mà, chúng tôi tản bộ trên con đường lát đá ven theo bờ hồ, thú vị ngắm đàn thiên nga nhởn nhơ vui đùa. Tia nắng hoàng hôn mơn trớn làn nước long lanh trong giây phút bịn rịn chia tay giữa trời và đất.
Những khung gỗ nhỏ trồng hoa điểm xuyết thêm sắc màu tươi thắm khiến tâm hồn khách nhàn du cảm nhận niềm an lạc. Cũng chính tại nơi này đã từng in dấu chân Sissi, hoàng hậu Elisabeth kiều diễm của đế quốc Áo, người luôn tìm cách thoát khỏi những ràng buộc khắt khe của chốn vương triều bằng những chuyến viễn du để tìm khuây khỏa giữa thiên nhiên.
Nhưng không biết vị nữ hoàng sầu muộn, vào buổi chiều định mệnh ngày 10 tháng 9 năm 1898, khi lang thang một mình bên hồ Genève thơ mộng có tìm thấy được sự bình an trong tâm hồn hay không? Và chẳng biết phiến đá lót đường nào quanh đây đã đỡ tấm thân ngà ngọc, như tấm bảng đồng nhỏ gắn ở lan can bờ hồ nhắc cho hậu thế nhớ rằng hoàng hậu Áo Quốc đã ngã xuống tại chính nơi này và vĩnh viễn ra đi, dưới lưỡi dao oan nghiệt của một kẻ cuồng tín.
Khi thành phố lên đèn cũng là lúc chúng tôi tạm chia tay Genève. Trong dòng xe cộ lũ lượt vượt biên giới sang Pháp mỗi buổi chiều này, có rất nhiều người rời sở làm việc ở Genève nơi có mức lương cao, để về ở tại thành phố nhỏ Annemasse trên đất Pháp nơi giá cả rẻ hơn. Chúng tôi cũng học tập họ, ban ngày chơi vi vút ở Genève nhưng tối trở về ngụ tại khách sạn vùng Annemasse với giá phòng chỉ bằng phân nửa so với bên kia biên giới.
Chương trình ngày hôm sau là dạo chơi phố cổ Genève. Nếu các khu trung tâm thương mại hiện đại ở nhiều nước châu Âu đều na ná nhau, thì khu phố cổ mỗi nơi lại mang một vẻ đặc trưng rất riêng. Tản bộ dọc theo những con đường lát đá quanh co nơi có nhiều cửa hàng cùng quán ăn xinh xắn, vòng qua con đường nhỏ đầy lá rụng uốn quanh, tưởng như đang đi vào một cô thôn nào đó, nhưng lên đến đỉnh con dốc thì thánh đường Saint-Pierre sừng sững hiện ra. Tọa lạc ở trung tâm phố cổ, thánh đường xây dựng từ thế kỷ thứ XIII là một tác phẩm kiến trúc hoàn hảo và uy nghiêm. Ánh sáng nhẹ nhàng lọt vào sảnh lớn của nhà thờ qua những khuôn cửa kính nhỏ trên trần làm mọi vật trở nên lung linh huyền ảo hơn.
- Xem thêm: Interlaken, cửa ngõ thiên đường
Tiếp tục chủ đề thăm hồ và núi, những ngày sau đó “đoàn lữ hành” đánh trọn một vòng hồ Genève, khi thì bon bon trên đường cao tốc, lúc ven theo những con đường sát vách núi men theo chân dãy Alps sừng sững uy nghi. Đây là một quần thể núi non nằm vắt ngang châu Âu với 82 đỉnh tạo thành lá chắn dài 1.200 cây số, băng qua bảy nước gồm Áo, Slovenia, Ý, Thụy Sĩ, Liechtenstein, Đức và Pháp.
Thỉnh thoảng mọi người lại xuống xe để mê mẩn ngắm trời và đất. Quả thật, quanh năm sống ở đô thị san sát nhà cao tầng, sử dụng những tiện nghi hiện đại khiến con người đôi khi như tự phụ về sức mạnh của văn minh. Chỉ đến khi đứng giữa lồng lộng đất trời, mới nhận ra mình chỉ là một sinh vật yếu ớt, chẳng đáng kể so với núi non vững chãi và sông nước bao la.
Vượt qua những ngôi làng Thụy Sĩ hiền hòa nằm rải rác ven hồ, chúng tôi dừng chân ăn trưa ở Lausanne, cách Genève 50 cây số về hướng Đông Bắc. Đây là thành phố được xây dựng trên ba ngọn đồi, với các biệt thự, pháo đài, nhà thờ, ngõ phố đan xen, nhấp nhô ẩn hiện trong những khu rừng. Một đô thị xanh đúng nghĩa với nhiều công viên rộng lớn rực rỡ sắc màu của hoa lá và hương thơm của cỏ cây. Theo thống kê thì mỗi người dân Lausanne có trung bình 26 mét vuông cây xanh, một con số đáng mơ ước đối với cư dân của Sài-Gòn-mịt-mù-khói-bụi.
Rời Lausane, xe lại tiếp tục men theo hồ (giờ phải gọi Léman vì đã vào đất Pháp) để đến Yvoire, một trong những ngôi làng độc đáo nhất của nước này. Không hổ danh là viên minh châu của Léman, ngôi làng bé nhỏ – diện tích chỉ hơn ba cây số vuông với trên 800 cư dân – đã hớp hồn biết bao du khách với cơ man những thảm hoa đủ màu sắc.
Hoa đong đưa trên ngọn đèn đường, khép nép trong lòng thuyền nan, vờn quanh các bờ tường, tung tăng trên thảm cỏ, khoe sắc từ hẻm nhỏ đến quảng trường, từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ trên bậu cửa sổ đến những hàng hiên… Lúc bấy giờ nếu nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn bất chợt xuất hiện ở khúc quanh nào đó, chắc hẳn cũng chẳng ai ngạc nhiên vì đang mơ màng tưởng mình lạc vào chốn thần tiên trong chuyện cổ tích.
Bị quyến rũ bởi phong cảnh hữu tình, mọi người quyết định sẽ cùng nhau dùng bữa tối tại một nhà hàng lãng mạn sát bờ hồ. Tuy nhiên, trái ngược với phong cảnh êm đềm làm dịu lòng người, giá cả các nhà hàng quán ăn ở đây cao ngất ngưởng đã gây choáng cho nhóm du khách “ta ba lô”.
Chặng cuối của chương trình ngao du sơn thủy là hồ Maggiore dọc theo biên giới Ý và Thụy Sĩ. Maggiore là hồ có diện tích lớn thứ hai của Ý với một loạt các điểm du lịch nghỉ mát và là trung tâm của các môn thể thao nước, thuyền buồm, lướt ván, lặn biển…
- Xem thêm: Dạo chơi hồ Boden mùa xuân
Cứ theo bổn cũ soạn lại, ban ngày chúng tôi đi thăm viếng các làng mạc Thụy Sĩ nhưng tối thì quay về một khách sạn ở vùng Belgirade của Ý, khá sang trọng mà giá chỉ phân nửa.
Hằng ngày khách sạn đều có chương trình đưa du khách tham quan miễn phí một số đảo trên hồ Maggiore. Nào là Isola Bella nơi tọa lạc lâu đài Borromeo hoành tráng với khu vườn có những nàng chim công duyên dáng, rồi đến đảo làng chài Pescatori hiền hòa giản dị hoàn toàn tương phản, hay đảo Madre rộng lớn với vườn thực vật thú vị gồm nhiều loại cây đa dạng.
Cũng không thể bỏ lỡ cơ hội tham quan thị trấn cổ kính xinh đẹp Locarno của Thụy Sĩ, ở cách biên giới Ý không xa, nơi có nhà thờ Madonna del Sasso được xây dựng năm 1458 để đánh dấu sự kiện Đức Mẹ Đồng trinh đã hiện ra. Cũng như vùng Lourdes ở Pháp, Fatima ở Bồ Đào Nha hay La Vang ở Việt Nam, hằng năm đông đảo giáo dân từ khắp nơi hành hương đến đây thành kính dâng lên vị thánh nữ các lời nguyện cầu, những kỳ vọng, bao nỗi niềm để tìm sự an ủi và sức mạnh cho hành trình đức tin giữa bao gian lao thử thách cuộc đời.
Ba ngày bên hồ Maggiore trôi qua ngọt ngào. Sau bữa điểm tâm chúng tôi thường bách bộ dọc theo bờ hồ yên tĩnh, dõi theo những cánh buồm căng gió của những người chơi môn lướt ván ngoài khơi xa. Buổi chiều thong dong ngồi ở sân thượng khách sạn ngắm màu thu phai bảng lảng trên các gợn sóng lăn tăn ánh bạc.
Thú vị nhất là các buổi tối dạo chơi ở Stresa, một thị xã nằm ven hồ Maggiore với khoảng 5.000 cư dân. Giống như các làng mạc dọc hồ Maggiore, Stresa có nguồn thu nhập chính là du lịch, thu hút khách thập phương bởi nhịp sống êm ả giữa môi trường thiên nhiên trong lành.
Khi khu phố cổ lên đèn, các vỉa hè lát đá tràn ngập bàn ghế kê san sát mời chào thực khách. Một trong những điểm quyến rũ là quán ăn nhỏ xinh, hàng đêm có người nhạc sĩ đứng tuổi dáng dấp phong trần vừa đệm piano vừa hát những bản nhạc khi sôi động lúc êm dịu trữ tình. Đa phần thực khách của quán là những cư dân hồn hậu trong vùng, bởi vậy nên ca sĩ thường xuyên phải… dừng hát nửa chừng để chào hỏi đôi câu với khách quen vừa bước vào.
- Xem thêm: Mùa đông rực rỡ ở Thụy Sĩ
Trong bầu không khí thân tình, thỉnh thoảng một quý ông hào hứng giành micro biểu diễn một bài ca của thời trai trẻ xa xưa mà nay chỉ còn nhớ một nửa. Vài cặp vợ chồng già tình tứ ôm nhau dìu dặt theo điệu nhạc. Một cậu bé con khoảng sáu tuổi tự tin nhún nhảy những bước hip hop ngẫu hứng, với ngôn ngữ cơ thể đầy biểu cảm cho thấy khả năng cảm thụ âm nhạc rất cao.
Tất cả đều không biết rằng hình ảnh của mình đã khắc sâu vào “bộ nhớ” những người khách phương xa. Thú vị biết bao khi được hòa mình vào cuộc sống đời thường của người bản địa, hấp dẫn hơn nhiều lần đi xem các danh lam thắng cảnh điển hình mà bất kỳ khách du lịch nào cũng có thể tham quan.
[1] Tôi đi học (Thanh Tịnh)