Mới bước vào học kỳ I của năm học chưa được bao lâu mà trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đầy thông tin về mùa thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Trong các gia đình có con đi thi đại học không chỉ bản thân các học sinh băn khoăn trong vấn đề chọn nghề, chọn trường, mà cha mẹ họ cũng lên cơn sốt!
Chọn trường nào cho con, hướng con theo ngành nào, sở thích của con cái là gì, sở thích có phù hợp với sức học không và chỉ tiêu tuyển sinh của trường ra sao, sau khi tốt nghiệp có dễ kiếm việc làm không là vấn đề gây lo lắng cho không ít phụ huynh.
Nếu là phụ huynh có con đi thi đại học, bạn hãy nghiền ngẫm một chút về triết lý mua xe hơi dưới đây của một chuyên gia giáo dục: “Khi mua một chiếc xe hơi, trước hết bạn phải thăm dò thị trường, tham khảo các đại lý và còn phải đòi cho lái thử xe nữa. Bạn nên tìm hiểu mọi bộ phận của chiếc xe và nếu sau một thời gian sử dụng không ưng ý thì bán lại ra sao”. Điều đó cũng giống như động thái mà các bậc cha mẹ cần làm khi chọn lựa trường đại học cho con mình.
Tìm hiểu kỹ trường con mình sẽ thi, ngành nghề con sẽ học, mức phí tổn… và quan trọng là con mình có thật sự yêu thích ngành nghề đã chọn hay không là trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái và đối với cả xã hội vì xét cho cùng, mọi khoản đầu tư tài chính cho thế hệ tiếp nối là có lợi chung cho đất nước.
Do đó, sẽ không thừa nếu bạn tham khảo những tin tức trên báo chí, trên internet và nghiên cứu cả những tư vấn mà các chuyên gia giáo dục trả lời. Chính những hỏi đáp đó sẽ giúp bạn nhận ra nhiều điều.
Một phụ huynh có con năm nay mới học lớp 10, nhưng đã bắt đầu cho cháu tham dự các ngày hội tuyển sinh do một tờ báo tổ chức. Chị nói: “Có thể đến năm cháu thi sẽ chỉ còn một kỳ thi nhưng tôi muốn tập cho cháu biết không khí mùa thi đại học, đồng thời cho cháu có cái nhìn tổng thể về ngành nghề sẽ chọn trong tương lai. Tại ngày hội tuyển sinh này, cháu có cơ hội biết nhiều trường đại học qua cách tiếp cận trực tiếp và qua các tờ rơi. Đó cũng là cách giúp cháu thấy mình lớn hơn, có trách nhiệm hơn”. Rõ ràng, tâm lý của phụ huynh trong vấn đề tương lai của con cái như vậy có tác dụng hướng dẫn con tự phát huy năng lực tiềm ẩn một cách thiết thực nhất.
Tuy nhiên, điều khó khăn mà nhiều người gặp phải (học sinh và cha mẹ) là họ không thể so sánh được các trường đại học với nhau, xem nơi nào thích hợp nhất, kể cả về học lực của con lẫn tài chính của cha mẹ.
Đã có nhiều học sinh cảm thấy nản ngay từ đầu năm học dù đậu vào trường với điểm số rất cao. Hết một học kỳ, các em mới có sự so sánh giữa ngành mình học và ngành bạn bè đang theo học. Nhiều em do không lường trước năng lực của mình, chạy theo bạn bè thi vào một trường không phù hợp với năng lực. Vì sợ thua kém bạn bè nên các em đó phải gồng mình cố gắng, cuối cùng nhiều em phải bỏ dở việc học hành vì không theo nổi. Cũng có em ì ạch theo đuổi cho hết bốn năm học, nhưng khi ra trường không thể xin được việc làm vì tấm bằng chỉ trung bình và quan trọng là em không thích hợp với công việc theo ngành nghề đã học. Rồi có những trường hợp tốt nghiệp ra trường, đi làm lương cao, vậy mà vẫn bỏ việc, đi học lại một ngành khác.
Cha mẹ là người hiểu rõ con cái mình nhất, biết năng lực con như thế nào, tính tình cũng như sức chịu đựng của chúng ra sao… nên điều quan trọng nhất là không nên ép con cái học theo ngành nghề như ý muốn của cha mẹ. Đã có rất nhiều trường hợp vì muốn làm vui lòng cha mẹ mà các sinh viên phải liên tục đối diện với sự căng thẳng.
Một điều quan trọng nữa là nếu con thi rớt và không có nguyện vọng thi lại năm sau thì cha mẹ cũng nên vui vẻ chấp nhận cho con vào học trường cao đẳng hay trung cấp. Thực tế cho thấy việc đào tạo liên thông có vẻ thành công hơn việc đi thẳng vào đại học vì đối với nhiều em, bắt đầu cuộc chạy đường dài với vận tốc vừa sức, quen từ từ, tích lũy dần sức bền cùng sự dẻo dai thì cuối cùng cũng vượt qua được mọi trở ngại.
Một bà mẹ kể chuyện rằng khi đứa con hai lần thi đều không đủ điểm vào đại học đã chọn cao đẳng vì cháu không muốn thi lần nữa. Chị buồn lắm, nhưng phải chấp nhận một thực tế là sức con mình đến đó. Giờ đây, con chị đã tốt nghiệp cao đẳng và thi đậu liên thông đại học. Cô gái đã bày tỏ suy nghĩ của mình như sau: “Mẹ ơi, năm ấy con chỉ thiếu có nửa điểm để vào đại học, nhưng đó là may mắn vì chương trình đại học căng lắm, con khó theo nổi bốn năm. Con thấy học cao đẳng là vừa sức, chương trình liên thông cũng không nặng”. Bà mẹ thở phào nhẹ nhõm vì thấy mình đã quyết định đúng.