Mấy ai trong cuộc đời mà chưa trải qua những biến cố, thăng trầm. Thắng – thua tồn tại song song mà con người bắt buộc phải chấp nhận. Cho dù thành công hay thất bại, quan trọng nhất là cái cách mà con người tự tiếp lửa cho mình để đi tiếp hành trình dài, thắng không kiêu, bại không nản.
Một người mẹ quyết định nghỉ việc, lui về nhà làm hậu phương cho chồng và các con. Với một phụ nữ có công việc ổn định ngoài xã hội, có thu nhập thì không phải là điều dễ dàng nếu không có những va chạm mà chị thấy không thể tiếp tục được nữa. Không biết quyết định từ bỏ sự nghiệp có sáng suốt hay không nhưng chị nghĩ đã đến lúc phải dành thời gian cho gia đình. Đầu tiên là sắp xếp lại sinh hoạt sao cho tất cả mọi người cùng thấy thoải mái. Đúng nghĩa, có mẹ ở nhà. Sau đó là “làm mới” nhà cửa. Làm mới ở đây không phải mua sắm mới mà là tổ chức lại sao cho khoa học mà bao nhiêu năm, sáng tất bật ra khỏi nhà, chiều trở về lao vội vào bếp, chị không còn thời gian quan tâm. Ví dụ nhỏ như lau bụi, thay vị trí những bức tranh, chậu cây… Một ngày, chồng đi làm, con đi học về thấy nhà cửa đẹp hơn, tươi mới hơn, một chốn đi về ấm áp, gần gũi, thân thiện, ngọt ngào giúp họ phấn chấn hơn trong cuộc sống.
Ý nghĩa tích cực là đây. Làm sao không chỉ tự mình thấy thoải mái mà còn cho người xung quanh. Người mẹ này không hề thấy mình bị áp lực việc này việc kia mà chỉ là “túc tắc” ngày một chút. Chị thấy như mình vẫn làm việc với thời khóa biểu đúng giờ hành chính là bắt tay vào việc mà lại nhàn rỗi, nhẹ đầu hơn. Thêm nữa, làm ở đây là làm cho mình, hoàn toàn tự nguyện, không ai bắt ép. Quan trọng nhất là tạo cho mọi người trong gia đình có cái nhìn tích cực, lạc quan để cuộc sống nhẹ nhàng. Khoan đề cập vấn đề kinh tế, bởi đó là vấn đề then chốt của mỗi gia đình, nhưng cần thấy rằng, chính cái nhìn lạc quan, cuộc sống nhẹ nhàng đã là cái nền của kinh tế rồi. Con người có phấn chấn mới làm việc tốt, nghĩ ra cơ hội kiếm tiền.
Bất cứ ai trong cuộc đời, ít nhất cũng vài lần tìm đọc những câu châm ngôn về cuộc sống. Lúc thành công đọc để suy ngẫm, khi thất bại đọc để không nản lòng. Giờ đây không khó để tìm những câu châm ngôn hay, có hằng hà sa số trên mạng. Vừa thư giãn lại được nghiền ngẫm. Cũng là tạo cách cảm hứng.
Có người thích vào một quán cà phê, một chỗ ngồi quen thuộc để làm việc. Có thể từ bên trong cửa kính nhìn ra là một khung cảnh lãng mạn hay bức tranh đường phố đông đúc chật chội nhưng tạo được cho họ cảm hứng làm việc, có những ý tưởng sáng tạo…
Có rất nhiều thứ làm nên cảm hứng cho con người. Hai người bạn thân, gặp nhau, nói chuyện; một dòng sông, bãi biển, con đò, vườn hoa… Người hạnh phúc là biết tạo cho mình cảm hứng, loại bỏ những yếu tố tiêu cực; nghe, nhìn, đọc, hành động, hướng suy nghĩ của mình về những điều tích cực. Không những thế, còn biết truyền cảm hứng cho người khác. Một câu chuyện lạc quan gây cười, một hành động nhân ái giữa đời thường bụi bặm, hay trong tình huống đầy rủi ro; một bài phát biểu mà người nghe thấy được con đường đi phía trước có nhiều gam màu sáng.
Cảm hứng là trạng thái tâm lý có cảm xúc hứng thú, tạo điều kiện để trí óc tưởng tượng, sáng tạo và hoạt động có hiệu quả. Con người tự tìm cảm hứng cho mình và truyền cảm hứng cho người khác như: quan tâm, nhiệt tình, làm điều tích cực, động viên, biết lắng nghe… Trong tất cả những hành động đó, quan trọng nhất là phải thành thật, biết mình, biết người, không làm tổn thương ai.
Như ví dụ ở trên, người mẹ có thể vì một thất bại trong xã hội, chấp nhận lui về nhưng bà đã tự tạo cảm hứng cho mình và truyền cảm hứng ấy sang cho chồng và các con. Thái độ sống tích cực đã khiến sự thay đổi lớn nhưng không thành nặng nề mà ngược lại. Bên cạnh đó, chính việc thoải mái của các thành viên trong gia đình đã truyền cảm hứng lại cho bà mẹ, không khí gia đình nhẹ nhàng là vì thế.