Sachiko Tomoyama, một hướng dẫn viên Nhật chuyên dẫn tour Việt cho các vị khách đồng hương chia sẻ rằng trước khi tiễn khách ra sân bay, cô thường dẫn khách ghé vào chợ Bình Tây để mua… phin cà phê.
Đó là món quà lưu niệm đặc trưng cho văn hóa và ẩm thực Việt Nam. Có lẽ qua nhiều thông tin du lịch, cà phê và cách thưởng thức cà phê Việt đã trở thành một ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách.
Ly “đen” đậm đà
Theo Sachiko, người Nhật không “hảo” cà phê, nhưng thưởng thức một ly cà phê đen đậm kiểu Việt Nam lại có điểm gì đó khá tương đồng với cách thức uống trà Nhật: cầu kỳ và nguyên chất!
Cà phê Việt thường được thưởng thức qua phin (gốc là từ fin (filtre) trong tiếng Pháp) – một sự du nhập văn hóa từ thời Pháp thuộc. Hạt cà phê được xay nhỏ, nén trong phin trước khi cho nước sôi vào.
Cà phê đen đậm, đặc sánh được chắt lọc từng giọt, từng giọt qua phin, xuống ly, như một cách để chiêm nghiệm cuộc sống thật chậm.
Thường thì để “hứng” được một tách cà phê đủ dùng, người uống phải kiên nhẫn ngồi chờ từ 10 đến 15 phút, rồi tùy theo “gu” mà cho đường, khuấy đều.
Đó là cà phê đen nóng. Hoặc cũng có thể dùng một “ly nâu” – tiếng lóng để gọi cà phê pha với sữa đặc có đường.
Vị đắng đậm của cà phê được trung hòa bằng chất ngọt béo thơm của sữa đặc, cũng là một hương vị mà rất ít dòng cà phê nước ngoài (vốn được pha cùng sữa tươi) có được.
- Xem thêm: Muôn nẻo cà phê
Ở Việt Nam, nếu buổi sáng bắt gặp một người thưởng thức một ly cà phê sữa đá mà không cần ăn sáng thì cũng chẳng có gì lạ.
Riêng ở miền Nam còn có món bạc xỉu (nói nôm na là sữa-cà phê), thích hợp cho nữ giới vì lượng sữa chiếm đến 2/3, ngọt ngào mà không nặng caffein. Một loại khác, phổ biến và đậm chất Việt hơn, là ly đen đá.
Người uống sẽ rót cà phê từ tách nóng ấy sang một ly cao chứa đầy đá viên, khuấy thật đều. Chất sảng khoái đến từ cảm giác mát lạnh của đá viên, rất hợp lý trong thời tiết nóng ẩm của Việt Nam.
Cà phê đá vì vậy mà được ưa chuộng đến độ hiện diện trong thực đơn của những thương hiệu “cà phê nhà giàu” như Highland, Gloria Jeans… với tên gọi đặc biệt: cà phê kiểu Việt Nam!
Phong cách “ẩm” độc đáo của người Việt
Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu như người Âu thích cà phê nhẹ, chua nhiều thì người Việt lại thích cà phê đậm, đắng, thơm mùi hạt cà phê rang đến nức mũi.
Thực chất, cà phê Việt nếu nói về cách thức pha chế thì chưa hẳn đậm đặc bằng cà phê Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo kiểu Thổ, cà phê được xay mịn, sau đó cho cùng với đường và nước vào một loại ấm mỏng hình chóp gọi là ibrik rồi đun lên.
Khi hỗn hợp sôi và lớp bọt dâng cao, người ta nhấc ibrik ra khỏi bếp, vẫn tiếp tục khuấy đều đếu khi cà phê nguội, rồi lại đun sôi liu riu.
Quy trình đó cứ lặp đi lặp lại ba lần cho đến lúc hỗn hợp cà phê đặc quánh, lớp bột lắng xuống đáy thành một lớp dày.
Người Việt Nam không uống cà phê còn nguyên bột, nhưng bù lại, hương phải thơm đậm, vị phải đắng chát và điểm cả vị béo của bơ.
Ở Việt Nam, hai giống cà phê chính là Arabica và Robusta. Ngoài ra còn có một dòng Moka thuộc giống Bourbon đuộc trồng tương đối hạn chế tại Cầu Đất, Lâm Đồng.
Thường thì bí quyết tạo cà phê ngon tùy thuộc vào sự phối trộn các loại cà phê với nhau theo công thức riêng của từng nhà sản xuất. Kế đến là cách thức rang trên lửa với thời gian thích hợp.
Người Việt thường thích độ đậm đà của cà phê rang hai lần, từ lần rang đầu đến lần sau chỉ cách nhau vài giây và kết thúc trước khi hạt im tiếng nổ lách tách (nếu không, cà phê sẽ khét).
Để tăng độ béo thơm, người chế biến có thể cho thêm bơ vào trong quá trình rang hạt. Nhưng ly cà phê muốn ngon thì phụ liệu chỉ được phép dừng ở đó!
Mọi sự tăng cường quá đà bằng những hóa chất để cà phê sóng sánh bọt, hương thơm ngào ngạt, béo ngậy… sẽ giết chết khẩu vị của người thưởng thức.
Cà phê đã trở thành một loại thức uống tinh tế (và tinh túy) của ẩm thực Việt. Sự du nhập của hàng loạt phong cách cà phê Ý, Pháp, Đức, Hà Lan, Ireland, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa bao giờ khiến ly “đen” mất đi vị thế của mình.
Nhưng có lẽ đã đến lúc cần quan tâm hơn đến việc “xuất khẩu” cả phong cách cà phê Việt ra thị trường thế giới, hơn là để những chiếc phin cà phê độc đáo chỉ được biết đến như những món quà du lịch.
Trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3 (diễn ra từ ngày 10 đến 15/3/2011), người tham dự có đã có dịp nhìn ngắm chiếc phin pha cà phê lập kỷ lục “lớn nhất Việt Nam”. Chiếc phin có đường kính 2m, cao 5m và dự kiến mỗi lần pha sẽ đủ cho khoảng 300 khách thưởng thức. Đây được xem như một biểu tượng cho phong cách cà phê Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới.