CNN đưa lên trang nhất hôm nay, 16-10, vụ Úc trục xuất khách du lịch Việt vì mang trong hành lý vào nước này 10kg thực phẩm bị cấm, trong đó có cả thịt lợn sống. Vài ngày trước đó, ba người Việt bị cảnh sát Nhật bắt giữ khi cố gắng mang 10kg thịt chó vào Nhật qua sân bay Kansai…
Thật thà mà nói, bản thân mình (và một số bạn bè, người thân) khi đi nước ngoài cũng rất hay cố gắng mang theo đồ ăn, như kiểu phòng thân. Cái này xuất phát từ hai chuyện thực tế phổ biến với người Việt khi ra khỏi nhà: một là khó làm quen với đồ ăn khác khẩu vị, và hai là… sợ tốn tiền.
Mình và một đồng nghiệp đã từng méo xệch cả mặt trong phòng ăn sáng ở một khách sạn năm sao sang trọng hàng đầu thủ đô Vienna nước Áo, rồi bảo nhau giá kể có một bát mì tôm thì hay quá!
- Xem thêm: Nếp ăn qua chuyện cái tô
Người khác qua Nhật thì cả bữa tiệc không dám đụng đũa vào một lát sashimi thần thánh. Cứ như vậy, ra khỏi biên giới cái, không cơm đùm cơm gói thì là mắc ngay bệnh “thương nhớ Việt Nam”, tới đâu cũng lao vào nhà hàng Việt Nam, gặp bạn nào phương xa cũng mời đi ăn phở (dù ở nhà nửa năm chả buồn đụng bát).
Chả bù bọn Tây ấy, hồn nhiên uống bia với xiên que vỉa hè “ngã tư quốc tế” Hà Nội hay lăn xả vào hàng Chả cá Lã Vọng sực nức mắm tôm, phỏng vấn đứa nào cũng bảo thích món ăn Việt Nam quá, phở, nem, gỏi cuốn ngon ngon.
Giời ạ, đến cái ăn mà còn chả hội nhập được, thì nhục quá ! Vậy là quyết tâm đưa ẩm thực địa phương vào danh sách những mục tiêu khám phá, để rồi nhanh chóng hiểu ra rằng đấy là một thế giới đa dạng, mới mẻ và hấp dẫn.
Một vài kinh nghiệm của mình để khám phá thế giới ấy một cách thú vị, chất lượng cao và lại rất kinh tế là:
– Mua bánh mì buổi sáng ở tiệm bánh địa phương thay vì mua trong siêu thị, sẽ cho bạn biết bánh mì Tây ngon như thế nào và bạn sẽ không thể bỏ qua nó trong bữa sáng nhẹ nhàng nhưng đủ năng lượng với bơ, mứt (hoặc mật ong), phô mai, trứng lòng đào và cà phê nóng.
– Dành một bữa trong ngày để thưởng thức món ăn bản địa được phục vụ tại các nhà hàng địa phương. Vì ẩm thực chính là văn hóa. Không chỉ món ăn mà cách phục vụ và decor nhà hàng cũng đáng để trải nghiệm lắm.
- Xem thêm: Lịch sử phía sau những món ăn nổi tiếng
– Tránh các nhà hàng ở khu vực quảng trường trung tâm thành phố thường dành cho khách du lịch, chất lượng món ăn đã kém, giá lại cao.
Thay vì thế, hãy tìm tới nhà hàng trên những con phố nhỏ hơn, nơi dân địa phương thường lui tới (có thể check trên wikitravel hoặc Google map).
Không ngại ngần những nhà hàng nhỏ sang trọng, hoặc restaurant trong hotel bốn sao. Chúng không đắt hơn những nhà hàng khu vực trung tâm, mà món ăn và chất lượng phục vụ thì cao cấp hơn hẳn.
– Bữa còn lại trong ngày, mình đi siêu thị (quá nhiều loại siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi gần khu vực nhà thuê, sử dụng Google map tìm ra ngay) và nấu ăn tại nhà (khi thuê chỗ ở, nên tìm chỗ có bếp – rất phổ biến trên booking hay bnb).
Đồ ăn ở Tây bán tại các siêu thị nhiều thứ rẻ ngang, thậm chí rẻ hơn cả Việt Nam. Và như thế một bữa thịnh soạn tự nấu bằng đồ địa phương theo khẩu vị của mình có chi phí chỉ bằng 1/3 đến 1/5 ở nhà hàng. Bữa này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn giúp nuôi dưỡng khả năng khám phá dài dài (nếu cả ngày ăn nhà hàng thì sẽ rất nhanh chán).
Bọn mình thường hay ăn tối kiểu này, để có thể uống (rượu, bia) thoải mái, trừ những buổi tối có đi xem biểu diễn. Đặc biệt ở Tây thì hãy thoải mái với rượu vang, vì chúng rất ngon và rất rẻ.
Giờ thì đi Tây khỏi cần mì gói, chỉ cần mang… thẻ (visa, master) là khỏe re.
* Quê hương của Chopin trong chuyến đi vừa rồi là một khám phá… ẩm thực của mình.
Thưởng thức bữa trưa tại nhà hàng khách sạn bốn sao ở cố đô Krakow với ba món tuyệt ngon: xúp tôm hùm, gan gà tây (ngon y gan ngỗng vậy) và pasta – giật mình khi thanh toán bill: 490K VNĐ. Mình vô đây còn thấy… rung rinh vì duy nhất bàn mình là khách châu Á!
Và đặc biệt là việc khám phá sự quyến rũ chết người của món Tartare – tức thịt bò sống – tại Warszawa. Mình đã phải xơi liên tục món này trong ba ngày giời ở Ba Lan!!! và thú nhận rằng nó gây nghiện không kém gì Basashi – thịt ngựa sống Nhật Bản.
Tartare ở TP.HCM mình đã từng thử ở Nhà hàng IDECAF. Nhưng thật sự chỉ tới Warszawa, mới cảm nhận được sự quyến rũ này. Tartare cũng bán trong các siêu thị ở Ba Lan. Tuy nhiên, vị thơm ngon phụ thuộc vào nghệ thuật pha trộn gia vị ăn kèm và ướp tẩm.
Nên, một lần nữa lưu ý chỉ nên thưởng thức món này ở nhà hàng địa phương được đánh giá cao, chớ gọi ở nhà hàng du lịch khu trung tâm, thì hại món Tartare lắm.