Với mong muốn đưa nội thất Đan Mạch đến gần hơn với thị trường Việt Nam, ông Dario Reicherl đã có một thời gian tìm hiểu rất lâu trước khi quyết định ra mắt thương hiệu Fritz Hansen tại Việt Nam.
____________
Đây là một quyết định đầy thử thách khi thị trường nội thất Việt Nam ngày càng sôi động. Nhưng cũng chính vì thế mà “House of Fritz Hansen Saigon” lại tạo nên những tò mò nhất định cho giới mộ điệu.
Có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực nội thất, Dario Reicherl hiện đang là CEO của thương hiệu nội thất lừng danh mang tên Fritz Hansen đến từ Đan Mạch.
Đây là thương hiệu có hơn 147 năm hình thành và phát triển, do đó chất lượng và kiểu dáng mang tính bất diệt là điều tiên quyết mà Fritz Hansen luôn hướng đến.
Dario Reicherl có khoảng 14 năm đồng hành cùng các thương hiệu nội thất tại Ý và Đan Mạch. Sau khoảng thời gian hơn sáu năm gắn bó cùng thương hiệu Fritz Hansen và vẫn đang tiếp tục là CEO khu vực châu Á của thương hiệu này, Dario đã có cái nhìn đầy khác biệt chỉ sau hai lần đến Việt Nam. Do đó, ông cũng đã đúc kết những nhận xét vô cùng khách quan về thiết kế nội thất.
______
Ông nghĩ đâu là điểm khác biệt giữa nội thất Ý và Đan Mạch?
Để truyền tải mọi điểm khác biệt thì một buổi nói chuyện không thể nào tóm gọn được. Tuy nhiên, bản thân tôi là một người mang dòng máu Ý – Đức cùng 14 năm kinh nghiệm làm việc cho các thương hiệu nội thất từ Ý đến Đan Mạch thì tôi có thể kết luận là chúng giống như “ngày” và “đêm”.
Các nhà thiết kế tại Ý luôn muốn có sự bổ sung, thêm thật nhiều chi tiết để trông sản phẩm hào nhoáng nhất có thể.
Ngược lại, các thiết kế đến từ Đan Mạch lại chọn cách giản lược và bỏ đi những điểm không cần thiết, đưa yếu tố thoải mái lên hàng đầu. Thiết kế từ Ý thì thiên về sự phô trương.
Trong khi đó, nội thất Đan Mạch lại hướng đến những giá trị duy mỹ tồn tại lâu bền, kéo dài hàng trăm năm và hơn thế nữa. Màu sắc có thể thay đổi để phù hợp thị hiếu, văn hoá nhưng tính trường tồn thì luôn được giữ mãi ở Fritz Hansen.
“Thiết kế nội thất CỦA Đan Mạch hướng đến những giá trị duy mỹ tồn tại lâu bền, kéo dài hàng trăm năm và hơn thế nữa”.
______
Tại sao đến tận bây giờ, Fritz Hansen mới đến Việt Nam? Và ông nghĩ sao về xu hướng nội thất tại Việt Nam?
Xu hướng nội thất tại Việt Nam đã có những chuyển biến đầy ngoạn mục chỉ sau vài năm. Cách đây sáu năm, tôi đã đến Việt Nam và thấy tràn ngập các kiểu cách nội thất đến từ Ý.
Nhưng khi trở lại lần nữa, tôi thực sự thấy nét văn hóa Tây phương cùng phong cách Scandinavian đã được hình thành và bắt đầu phát triển mạnh.
Hơn bao giờ hết, đây có lẽ chính là thời điểm đầy thử thách nhưng cũng vô cùng hợp lý để Fritz Hansen đặt chân vào thị trường nội thất Việt Nam.
______
Theo ông, điều gì đã làm nên những chiếc ghế vô cùng tuyệt vời và mang tính biểu tượng của Fritz Hansen?
Thiết kế biểu tượng có nghĩa là phải được yêu thích trong ít nhất 20 năm. Và những tuyệt tác như Egg, Swan hay Drop đều đã được sáng tạo từ cách đây hơn 60 năm nhưng đến nay vẫn được yêu thích.
Mỗi thiết kế đều được thực hiện cho mỗi khu vực, không gian khác nhau. Khi ấy, sản phẩm của Fritz Hansen không chỉ đơn thuần là nội thất mà còn là thứ không thể thiếu trong một kết cấu vĩ đại.
Mặc dù lấy cảm hứng từ tự nhiên nhưng mỗi thiết kế đều đòi hỏi sự miệt mài tìm hiểu, nghiên cứu và rất nhiều thời gian để chế tác.
Tất cả đều phục vụ cho việc đảm bảo giá trị cao cấp của thiết kế. Rất nhiều chiếc ghế hàng nhái theo các mẫu biểu tượng như Egg hay Swan nhưng chỉ có duy nhất sản phẩm chất lượng từ Fritz Hansen mới đủ khả năng tồn tại dù là sau 50 năm sử dụng.
______
Vì sao ông lại gọi đây là “Ngôi nhà của Fritz Hansen”?
“Ngôi nhà của Fritz Hansen” là ý tưởng khởi nguồn từ 2016 và được hình thành đầu tiên tại Bangkok vào năm 2017.
Tôi thấy rằng showroom nội thất thật sự rất nhàm chán. Chúng tôi dựa trên nét văn hóa bản địa hòa quyện cùng Tây phương để mang đến trải nghiệm khác biệt so với showroom. Nó giống như là căn nhà thực sự vậy. Bản thân khách hàng luôn tìm kiếm trải nghiệm và việc đặt chân vào một ngôi nhà thực sự đã là một trải nghiệm.
Mỗi ngôi nhà ở TP. Hồ Chí Minh, Bangkok, Jakarta… hay tại Hàn Quốc đều khác nhau bởi có tính bản địa. Fritz Hansen muốn mang đến không gian cảm hứng, thư giãn và để rũ bỏ mọi ưu tư.
“Showroom nội thất thật sự rất nhàm chán. Chúng tôi dựa trên nét văn hóa bản địa hòa quyện cùng Tây phương để mang đến trải nghiệm khác biệt so với showroom. Nó giống như là căn nhà thực sự vậy”.
______
Hành trình tìm kiếm ngôi nhà này diễn ra như thế nào?
Sau ba lần đến TP. Hồ Chí Minh, tôi đã đi xem rất nhiều căn nhà khác nhau. Vì nếu chọn sai địa điểm thì hoạt động của doanh nghiệp cũng không thể nào hiệu quả. Quận 1 thì rất thông thường để tạo ra một showroom nhưng nó lại quá nhộn nhịp.
Fritz Hansen cần một nơi yên tĩnh, ấm cúng và riêng tư mà lại không được cách xa trung tâm thành phố vì khách hàng sẽ rất ngại ghé thăm nếu vị trí quá xa.
“House of Fritz Hansen Saigon” chinh phục tôi hoàn toàn. Một biệt thự trắng nằm dưới nền trời trong xanh cùng với lối kiến trúc thuộc địa đầy sức hút. Ngay cả đồng nghiệp của tôi tại Đan Mạch và Nhật Bản cũng đều trầm trồ.
______
Vậy “House of Fritz Hansen Saigon” có gì đặc biệt?
Có thể nói, “House of Fritz Hansen Saigon” gần đúng nhất với ý niệm về một “ngôi nhà” thực thụ mà tôi đã đề cập. Đây cũng là ngôi nhà lớn nhất của Fritz Hansen trên toàn châu Á.
Không gian ở đây khiến tôi vô cùng yêu thích. Ngay cả ngày khai trương thương hiệu, tôi đã dành đến 8 tiếng tại “House of Fritz Hansen Saigon” chỉ để ngắm nhìn căn nhà và tiếp khách.
Đó là lần đầu tiên trong đời tôi dành nhiều thời gian cho một sự kiện đến như vậy. Không phải vì tôi đang ra sức kinh doanh mà tôi có cảm giác như mình đang ghé thăm nhà của một người bạn vậy. Sự vui vẻ, hưng phấn khiến thời gian trôi rất nhanh!
______
Cảm ơn ông về những chia sẻ đầy thú vị!