Bên cạnh các bộ phim nghẹt thở về cướp nhà băng bằng vũ khí hay trộm các kho tàng, kho chứa vàng và tiền bằng các phương tiện kỹ thuật hiện đại, các nhà làm phim Hollywood còn thực hiện nhiều bộ phim ăn khách, cực kỳ hấp dẫn về đề tài trộm cắp các tác phẩm hội họa quý giá trong các bảo tàng mỹ thuật. Mới đây nhất, trong bộ phim Ocean’s 8 (tên phim tại Việt Nam là Băng cướp thế kỷ: Đẳng cấp quý cô) có cảnh một vụ trộm được tiến hành tại một bảo tàng mỹ thuật nổi tiếng ở New York, có điều kẻ trộm không lấy đi bức tranh nào mà chỉ lấy một chiếc vòng kim cương tuyệt mỹ.
Được quay ngay trong Bảo tàng Metropolitan, bảo tàng mỹ thuật lớn nhất nước Mỹ (có trên 7 triệu khách tham quan trong năm 2017, đứng thứ ba trong số các bảo tàng đông người xem nhất thế giới, bộ sưu tập khổng lồ của bảo tàng có tới hơn 5 triệu hiện vật các loại) nên Ocean’s 8 không thiếu hình ảnh tác phẩm của nhiều bậc thầy hội họa. Sau mười ngày thực hiện các cảnh quay tại the Met (viết tắt của Metropolitan), ông Gary Ross – đạo diễn và là đồng tác giả kịch bản phim cho biết: “Thật là hồi hộp khi quay tại the Met, để có thể bấm máy trong bảo tàng mỗi ngày, ở mọi nơi bạn nhìn thấy… Có nghĩa là chỗ đó có một tranh Cézanne, chỗ kia có một tranh Miró… Tôi đã có một cảnh quay với một trong những tác phẩm ưa thích nhất từ trước tới nay: tranh của Winslow Homer”. Cũng không thiếu một bức tự họa của Vincent van Gogh, một số tranh của Modigliani. Một số cảnh được quay trong gian trưng bày tác phẩm hoành tráng Washington vượt sông Delaware của họa sĩ Mỹ Emanuel Leutze.
Dù các vụ trộm cắp tranh trong phim chỉ là hư cấu, không phải ai cũng đồng tình với việc sử dụng hình ảnh tác phẩm của các tên tuổi lớn như Leonardo da Vinci, Rembrandt, Francisco Goya, Claude Monet… để đưa vào phim. Họ không chấp nhận cảnh khán giả vừa nhai bắp rang bơ vừa xem tranh dù là trên màn bạc. Nhưng đã có một sự kết hợp giữa văn hóa đại chúng (phim Hollywood) với nghệ thuật hàn lâm tại các thánh đường nghệ thuật như the Met. Tranh Claude Monet đã trở thành một nhánh mới của văn hóa đại chúng khi được “thủ vai” bên cạnh những tên tuổi như Pierce Brosnan và Rene Russo trong bộ phim The Thomas Crown affair (Tay trộm hoàn hảo – 1999), hoặc ngôi sao thượng thặng Audrey Hepburn dường như đã giúp cho nhà điêu khắc Ý thời Phục hưng Benvenuto Cellini gần gũi hơn với khán giả điện ảnh đương thời trong phim How to steal a million (Cách nào đánh cắp một triệu đô – 1966). Sau đây là vài bộ phim về đề tài tranh quý bị trộm cắp.
Cách nào đánh cắp một triệu đô: Dù không nổi tiếng bằng vài phim trước đó có Audrey Hepburn đóng vai chính như Bữa điểm tâm ở Tiffany, Kỳ nghỉ lãng mạn và Yểu điệu thục nữ, phim này cho thấy tài năng diễn xuất của Audrey Hepburn khi vào vai Nicole – một kẻ trộm nghệ thuật thế hệ thứ ba. Ông nội của Nicole đã làm giả một bức tượng Venus của Benvenuto Cellini, còn tượng thật thì cha của cô (cũng là một tay chuyên làm giả tranh Van Gogh và nhiều tên tuổi khác) cho một bảo tàng ở Paris mượn để trưng bày. Rồi Nicole nhờ Simon Dermott (Peter O’Toole đóng), một tay chuyên trộm mèo vào ban đêm, giúp cô trộm bức tượng Venus giả trước khi chủ nhân bức tượng phát hiện. Bất ngờ là Nicole và Simon yêu nhau…
Đạo chích Hudson Hawk (1991): Trong phim này Bruce Willis hóa thân thành một tên đạo chích nổi danh ở New Jersey có biệt danh là Hudson Hawk, kẻ vừa mới mãn hạn tù 10 năm đang mong được trở về với cuộc sống hoàn lương. Thế nhưng không lâu sau khi ra tù, Hudson Hawk bị ép buộc bởi những đối tác làm ăn và bạn giang hồ cũ phải đánh cắp ba tác phẩm của nhà danh họa thời Phục hưng Leonardo da Vinci, một trong số đó là mẫu phác thảo một công trình điêu khắc hoành tráng ở Milan mà sinh thời da Vinci chưa bao giờ đúc đồng bức tượng này.
Mr. Bean (1997): Trong phim này Mr. Bean (Rowan Atkinson) được phân công đi bảo vệ bức tranh Mẹ của Whistler (họa sĩ người Anh James Abbott McNeill Whistler vẽ tranh năm 1871, bức tranh hiện thuộc sở hữu của Bảo tàng Orsay ở Paris) khi tác phẩm này được Bảo tàng quốc gia London cho một bảo tàng mỹ thuật ở Los Angeles mượn để triển lãm. Thật ra đây là cách sếp của Bean trừng phạt ông vì tội ngủ gục trong khi làm bảo vệ tại bảo tàng London.
Tay trộm hoàn hảo: Được làm lại từ một phim cùng tên, thực hiện năm 1968 nhưng nội dung là một vụ trộm ngân hàng, bộ phim năm 1999 nói về tỉ phú Thomas Crown ở Manhattan (Pierce Brosnan đóng), người luôn mong muốn được sống trong khu trưng bày các tác phẩm hội họa thời kỳ Ấn tượng của Bảo tàng Metropolitan vào mỗi sáng để điểm tâm với món bánh croissant ưa thích và ngắm nhìn tranh Claude Monet vẽ những đống rơm. Cuối cùng, Thomas Crown quyết định trộm bức Hoàng hôn trên đảo San Giorgio Maggiore của Monet. Dù ông ta là kẻ cuối cùng rời phòng tranh ở the Met nhưng cảnh sát không hề nghi ngờ một tỉ phú; thế rồi Thomas Crown trở thành đối tượng tình nghi của nữ thám tử Catherine Banning (Rene Russo)… Trong phim, còn có hình ảnh bức Le Fils de l’homme – một kiệt tác của họa sĩ siêu thực René Magritte xuất hiện trong các cảnh cao trào.
Gài bẫy (Entrapment – 1999): Khi bức Nàng Bathsheba với bức thư của vua David, một tác phẩm của Rembrandt bị trộm lấy đi từ một cao ốc văn phòng ở khu Manhattan của New York (thật ra tranh thuộc sở hữu của Bảo tàng Louvre ở Paris) thì tay đạo chích chuyên nghiệp Robert MacDougal (Sean Connery đóng) là kẻ bị tình nghi. Nhà điều tra của hãng bảo hiểm là Virginia Baker (Catherine Zeta-Jones) đã giả làm một kẻ trộm đến tìm MacDougal đề nghị hợp tác cùng thực hiện một vụ trộm khác. Vụ gài bẫy trộm cắp dẫn tới một quan hệ tình ái giữa hai kẻ đang cố gài bẫy lẫn nhau…
Bức tranh đẫm máu (The maiden heist – 2009): Ba nhân viên bảo vệ thâm niên của Bảo tàng Mỹ thuật Boston (Morgan Freeman, Christopher Walken, William H. Macy thủ diễn) mỗi người có một sự say mê riêng với những tác phẩm được trưng bày thường xuyên trong bảo tàng: người thích một bức tượng đồng đàn ông khỏa thân, hai người kia thích các bức tranh thế kỷ XIX vẽ các chân dung thiếu phụ cô đơn. Một ngày nọ, biết tin bảo tàng quyết định loại các tác phẩm mà họ ưa thích ra khỏi bộ sưu tập và bán cho một bảo tàng ở Đan Mạch; thế là cả ba quyết định sẽ đánh cắp những gì mà họ đã tìm hiểu và bảo vệ trong nhiều thập niên.
Mê cung ký ức (Trance – 2013): Nếu như trong một số bộ phim đề tài trộm cắp tranh tại bảo tàng có nhân vật trung tâm thường là các nhân viên bảo vệ, những người biết rõ nhất vị trí tác phẩm muốn đánh cắp cũng như cách tháo chạy sau khi thực hiện phi vụ, thì trong Mê cung ký ức nhân vật chính là Simon (James McAvoy đóng) – một nhân viên nhà đấu giá, người lập mưu lấy trộm bức Phù thủy trên trời của họa sĩ Tây Ban Nha Francisco Goya (trong thực tế, tác phẩm này hiện trưng bày tại Bảo tàng Prado ở Madrid). Vấn đề là Simon bị một toán cướp do Frank (Vincent Cassel) cầm đầu nện một cú vào đầu sau khi đã cất giấu bức tranh khiến quên tất cả vụ cướp và bức tranh của Goya. Trong khi Frank chỉ có được cái khung tranh. Elizabeth – chuyên gia về thôi miên (Rosario Dawson) được Frank nhờ đánh thức ký ức ngủ quên trong đầu Simon…