Khi chiếc Airbus A319 chở chúng tôi chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Paro của đất nước Bhutan, dãy Himalaya đang chìm trong màn mưa trắng xóa. Xuống thấp dần, màu xanh của núi đồi trập trùng hiện ra trước mắt, bao bọc hành khách trong cái không khí thanh bình mát rượi. Vừa ra khỏi sân bay, tôi đã thấy anh hướng dẫn viên vẫy tay chào với nụ cười hiền lành.
Xứ sở trọng nữ khinh nam
Những ngày tiếp theo, chúng tôi leo lên các tu viện trên đỉnh đồi, hay đi vào những ngôi làng vắng người, vào những cánh rừng nguyên sinh cây cối dày đặc, hoa rừng đan xen cùng tiếng chim líu lo. Anh hướng dẫn viên có tên Karma thong thả kể chúng tôi nghe những câu chuyện, những phong tục, những niềm tin của người dân nơi đây.
Khi anh hỏi chúng tôi có biết tại sao trước đây phụ nữ Bhutan không được đến trường? Hầu hết mọi người nghĩ rằng các nước châu Á thường trọng nam khinh nữ nên việc trước đây nữ giới không được đến trường là lẽ đương nhiên. Nhưng câu trả lời từ Karma lại hoàn toàn ngược lại: “Trước đây phụ nữ Bhutan không “bị” đến trường vì tục trọng nữ khinh nam”. Rồi anh giải thích thêm: “Trong triều đại của vua Ugyen Wangchuck (1907-1926), nhà vua bắt đầu phát triển giáo dục kiểu phương Tây ở Bhutan nhưng không thành công, hầu hết người dân không chịu đến trường.
Cho đến triều đại Jigme Dorji Wangchuck thì nhà vua đã mạnh tay hơn: phải “bắt cóc” trẻ em tới trường, nhưng hồi đó Bhutan hoàn toàn phụ thuộc vào nông nghiệp, người phụ nữ nắm giữ tài chính và quản lý gia đình, họ là những người rất quan trọng nên nhà vua chỉ cho lệnh “bắt cóc” bé trai thôi chứ không dám động đến bé gái. Theo lời kể của hướng dẫn viên, hồi đó nhà nào có trẻ con bị bắt đi học là cả nhà ôm nhau khóc, sau này khi người dân ý thức được việc quan trọng của giáo dục thì cả bé trai và bé gái đều được đưa đến trường.
Trên đường đi đến tu viện Cherri, giữa cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, anh Karma lại kể chuyện tình yêu hồi thiếu niên của anh. Trước đây trong những dịp lễ hội nơi mà cánh con trai và con gái gặp nhau, nếu hai người có cảm tình với nhau, cô gái sẽ cho chàng trai địa chỉ nhà và ngay tối hôm ấy người con trai sẽ đến nhà cô gái rồi trèo qua cửa sổ nơi căn phòng của cô gái nếu cô bật tín hiệu đèn xanh, sau đó hai người có thể trò chuyện thâu đêm. Karma cũng từng gặp một cô gái xinh đẹp và đã được cô cho địa chỉ nhà.
Đêm ấy anh đến nhà cô trong niềm hân hoan, vừa thập thò sợ ba mẹ cô gái phát hiện, vừa tin tưởng rằng mình sẽ được cô ấy mở cửa sổ. Nhưng khi anh vừa chuẩn bị leo tường thì cô gái đã dội một xô nước vào người anh. Karma ướt lướt thướt trở về, lòng tự hỏi rằng tại sao sáng nay cô gái còn mỉm cười ý nhị và cho anh địa chỉ mà tối nay lại cư xử như thế, nhưng câu hỏi ấy chưa bao giờ có câu trả lời vì anh không bao giờ tìm gặp cô lần nữa.
Đến tu viện Cherri, cái yên bình trầm ấm lan tỏa nhẹ nhàng khiến chúng tôi bỗng muốn ngồi yên trong khu chánh điện để cảm nhận không gian trầm lắng, tiếng chuông văng vẳng trong veo như ở một nơi nào xa thẳm vọng về. Tiếp tục hành trình, trên con dốc thoai thoải chúng tôi gặp một đoàn cắm trại với những cô gái đang ngồi trên bãi cỏ thảnh thơi trò chuyện, còn các chàng trai, người thì đang nhóm bếp, người thì đang làm cá, người thì đang vo gạo… tất bật trong một khu lều dựng tạm. Tôi dừng lại đi vào gian bếp hỏi xem họ đang làm gì và các cô gái ngoài kia là ai, các chàng trai thay nhau trả lời: “Chúng tôi thích được phục vụ người phụ nữ của chúng tôi”.
Thì ra đây là cách biến thể của tục “trọng nữ khinh nam”, hiện nay nhiều bộ tộc ở Bhutan vẫn còn duy trì chế độ mẫu hệ. Nói vui vậy thôi chứ thật sự không phải là “khinh” nam mà là nơi đây phụ nữ rất được coi trọng. Trong gia đình phụ nữ là trụ cột quản lý gia đình. Phụ nữ còn được nhà nước bảo vệ (nếu người chồng bị người vợ kiện về việc bạo hành thì có thể bị phạt tù mà không cần chờ kết quả từ bác sĩ).
Tối hôm ấy chị Nga, một phụ nữ Việt đã làm dâu đất nước này hơn mười năm kể rằng ở Bhutan, khi một em bé được sinh ra, gia đình sẽ đem bé đến chùa làm lễ ban phước và xin tên họ. Sư thầy sẽ đưa vài ba cái tên để gia đình chọn. Kết quả là anh em trong cùng một nhà thường không cùng họ nhưng hàng xóm của nhau thì có thể… trùng cả họ lẫn tên. Chính vì vậy mà thông thường thì ai cũng có một biệt danh đi kèm. Như anh Tenzin nơi tôi book tour được gọi là Tenzin “đầu bự”, một Tenzin khác thì được gọi là Tenzin “mũi to”, Tenzin khác nữa thì Tenzin “mắt bé”… Cứ thế, mọi người gọi nhau bằng những cái biệt danh dễ thương ấy.
Người dân thuần đạo Phật nhưng không ăn chay
Bhutan là quốc gia duy nhất trên thế giới có nền Phật giáo Kim cương thừa vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Quốc giáo của đất nước này là Truyền thừa Phật giáo Đại thừa – Kim cương thừa Drukpa. Nhưng không phải vì thế mà cho rằng tất cả người dân nước này đều thích ăn chay. Ngược lại, họ ăn nhiều thịt, nhất là các loại bò (hay trâu Jak) và gia cầm. Còn thức uống thì ngoài trà, người dân Bhutan cũng uống nhiều rượu gạo và bia nữa.
Những ngày rong ruổi sau đó, chúng tôi phát hiện ra rằng, các ngôi nhà, hay tu viện, đến văn phòng chính phủ hay chung cư ở đây đều được xây gần như cùng một kiểu kiến trúc Dzong là lối kiến trúc pháo đài tu viện đặc thù của những quốc gia cùng dãy Himalaya mà tiêu biểu nhất chính là ở Bhutan. Dzong vừa là nơi đặt cơ quan quyền lực, cơ quan hành chính và cai trị của đất nước Bhutan, vừa là trụ sở của tăng đoàn.
Những căn nhà dân cũng mang đường nét, họa tiết, màu sắc đặc trưng theo lối kỷ hà theo lối kiến trúc nửa pháo đài, nửa lâu đài ở Dzong. Được biết rằng chính phủ không cấm người dân xây nhà theo kiểu hiện đại hay bất cứ kiểu nào mà họ muốn. Nhưng nếu một gia đình xây nhà không theo lối kiến trúc cổ Bhutan thì sẽ phải đóng phí 30% trên tổng chi phí xây dựng nhà. Mà việc xây dựng ở đây toàn bằng tay, hầu như rất ít máy móc nên rất mất thời gian và chi phí. Khoản tiền 30% đóng thêm cũng không nhỏ nên hầu hết người dân lựa chọn xây nhà theo kiểu truyền thống.
Thu nhập bình quân tính theo đầu người ở Bhutan chỉ hơn 1.800 USD/năm, sản phẩm trong nước được sản xuất thủ công và phần lớn hàng hóa phải nhập khẩu từ Ấn Độ hoặc Nepal. Cả nước chỉ có một tờ báo của chính phủ và vài tờ báo khác mới xuất hiện gần đây, một đài truyền hình thuộc sở hữu nhà nước. Người dân thì không dùng điện thoại, gần như đến tận năm 1999 mới có sóng vô tuyến truyền hình. Hiện nay thì mạng internet đã có nhưng không ổn định và phí rất cao…
Vậy tại sao người dân vẫn hạnh phúc?
Bởi hạnh phúc là một khái niệm khó có thể gán vào một định nghĩa chung. Mỗi người có quan niệm, định nghĩa về hạnh phúc của riêng mình. Quan niệm đó tùy thuộc vào lăng kính cá nhân của từng người.
Khi không còn đưa ra cái công thức chung về hạnh phúc cũng là lúc ta chạm được vào cái hạnh phúc của riêng mình.