Một chuyến đi tuyệt vời – đó là lời nhận xét của một anh bạn trong phái đoàn cùng gia đình đi Mù Cang Chải với chúng tôi. Nhưng không chỉ riêng anh, đó cũng là cảm nhận của hơn 30 người từ Sài Gòn, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Thái Nguyên và Hạ Long cùng đến Mù Cang Chải dự Triển lãm Nghệ thuật Cảnh quan Mây pha lê ở xã La Pán Tẩn vào ngày 19-5 vừa qua.
Trong suốt hành trình dài, đôi khi chúng tôi tự hỏi điều gì đã khiến nhiều người bỏ thời gian, công việc, tiền bạc và vượt bao nhiêu dặm đường để đến nơi này. Chẳng hạn đoàn từ Vũng Tàu đã phải khởi hành lúc 3 giờ sáng để tới phi trường Tân Sơn Nhất cho kịp chuyến bay ra Hà Nội, ngồi xe thêm bảy tiếng đồng hồ, trên đường đi có lúc dừng lại nghỉ giải khát hay chụp hình lưu niệm dưới chân đèo Khau Phạ.
Mù Cang Chải là một huyện miền núi vùng Tây Bắc của tỉnh Yên Bái trong dãy Hoàng Liên Sơn nên núi non hùng vĩ, đồi dốc quanh co hiểm trở, lại nhiều thung lũng nên có lắm ruộng bậc thang đẹp tựa tranh vẽ. Đường lên Mù Cang Chải qua nhiều địa danh như thị xã Nghĩa Lộ trù phú, rồi thung lũng Tú Lệ trước khi vượt đèo Khau Phạ – một trong tứ đại danh đèo vùng Tây Bắc – và cuối cùng đến tận 7 giờ 30 tối đoàn chúng tôi mới đến nơi. Tại đây, nghệ sĩ Andy Cao đón chúng tôi rồi cùng nhau đến bản Thái Mù Cang Chải ăn tối và sinh hoạt giao lưu với Hội Kiến trúc sư Yên Bái, cũng như nổi lửa và nhảy múa theo điệu dân ca của người dân tộc. Khi trở lại khách sạn Ecolodge Mù Cang Chải thì đã quá nửa khuya.
Sáng hôm sau khi bình minh vừa ló dạng, chúng tôi được dịp ngắm nhìn cảnh sinh hoạt của người dân tộc lùa gà ra vườn và dắt trâu ra đồng. Những tia nắng ban mai, chiếu sáng từng góc cạnh của các ngọn đồi. Mọi người lần lượt rời phòng, trầm trồ trước cảnh quan tuyệt mỹ, quên cả chuyện cà phê, ăn sáng mà chỉ lo mải mê chụp hình.
Ngồi trên xe để đến địa điểm dự lễ khai mạc “Triển lãm Nghệ thuật Cảnh quan Mây pha lê”, lòng chúng tôi vẫn vương vấn chút lo âu sau một đêm trằn trọc. Thế nhưng khi xe dừng lại tại chân đồi Mâm Xôi thì ai nấy đều phấn khởi vui mừng khi nhìn thấy từng đoàn người đang lũ lượt kéo đến. Đường lên đồi đầy kín cả người. Trong giây phút đó, chúng tôi nhìn thấy ánh mắt toại nguyện trên khuôn mặt của hai nghệ sĩ Andy Cao và Xavier Perrot như thầm nói rằng: “Ước mơ của chúng tôi đã thành hiện thực”. Đây là kiệt tác đầu tiên theo xu hướng nghệ thuật cộng đồng đã được đôi vợ chồng nghệ sĩ lừng danh Christo Vladimirov Javacheff và Jeanne-Claude khởi xướng từ những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước.
“Mây pha lê” là một công trình nghệ thuật sắp đặt cảnh quan và ánh sáng của hai nghệ sĩ Andy Cao và Xavier Perrot đã được thực hiện nhiều nơi trên thế giới mà đặc biệt là tại trụ sở của Tập đoàn Swarovski ở Áo. Triển lãm nghệ thuật cảnh quan này diễn ra lần đầu tiên tại nước ta do Hội Kiến trúc sư Việt Nam phối hợp với các tác giả và UBND huyện Mù Cang Chải tổ chức, được lắp dựng trên đồi Mâm Xôi, nằm trong địa phận xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Đây là khu vực có ruộng bậc thang nổi tiếng được xếp hạng trong những ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới.
Có một điều khác đáng nói hơn, đó là sự hân hoan, vui mừng trên từng khuôn mặt của người dân tộc, bởi ba tuần trước đây chúng tôi đã từng đến nơi này nên nhận rõ được sự tương phản trong cử chỉ và ánh mắt của họ.
Sau khi chiêm ngưỡng đám mây pha lê, Andy Xavier ân cần chào tạm biệt như muốn bày tỏ lòng cảm kích với mọi người đã trải qua chặng đường rất dài để dừng chân tại đây chỉ hơn một tiếng rưỡi đồng hồ, cùng chiêm ngưỡng thành quả và chia sẻ niềm vui với Andy và Xavier. Còn chúng tôi thì trực chỉ lên đường xuống Hà Nội rồi về Sài Gòn.
Suốt hành trình từ Mù Cang Chải về Nghĩa Lộ hơn hai tiếng rưỡi, chúng tôi vẫn còn lâng lâng với dư âm của từng cung bậc cảm xúc đang dâng trào và lắng đọng. Trong lúc chờ đợi bữa cơm-canh-cà-mắm ở quán ăn tại Nghĩa Lộ, chúng tôi tranh thủ hỏi han để biết thêm cảm nghĩ của từng người.
Một chị trong đoàn kể lại lời tâm tình của các em chạy xe ôm người dân tộc tên Lù: “Cô biết không, ngày hôm qua khi hai cầu vồng hiện ra trên bầu trời, phản chiếu vào đám mây pha lê đã cho chúng con thấy được những nét đẹp huyền diệu của đất trời”. Một em xe ôm khác thì hào hứng kể: “Trước đó lúc trời sắp mưa, những đám mây đang trôi trên bầu trời dường như hạ thấp xuống gần đồi Mâm Xôi hơn, làm chúng con có cảm giác như mây trên trời quyện với mây của pha lê. Rồi sau đó những giọt mưa lại quyện vào các hạt pha lê trước khi rơi xuống đất, trông đẹp vô cùng cô ơi. Cũng như khi gió về tạo ra những âm thanh nghe như bản nhạc du dương của rừng núi, rất thú vị”.
Một chị khác trong đoàn thuật lại chuyện một thiếu nữ người dân tộc nói đại ý như sau: “Con nghe hai anh Andy và Xavier nói rằng sẽ không để đám mây ở đây lâu, phải không cô? Tuy nhiên, đối với chúng con cho dù một tuần hay một tháng thì nó đã là rất vui rồi. Nó đã thành một câu chuyện hay, thú vị để chúng con kể lại cho con cháu nghe và sẽ lưu truyền lại nhiều đời về sau rằng: Có hai anh chàng nghệ sĩ nổi tiếng ở nước ngoài đã đến đây cống hiến cho quê hương chúng con tác phẩm kỳ vĩ mây pha lê”.
Đoàn đi chiêm ngưỡng Mây pha lê lần này có đến 11 anh chị em kiến trúc sư và nhà thiết kế. Ai cũng cho rằng đây là một dự án tuyệt vời, đồng thời rất ngưỡng mộ tấm lòng của hai tác giả Andy và Xavier đã tặng cho người dân ở Mù Cang Chải món quà đầy ý nghĩa.
Một điểm mà mọi người đều nhận ra từ sự kiện này là hiệu quả kinh tế rất thiết thực, tạo thêm công ăn việc làm cho bà con nơi đây, từ việc phụ với Andy và Xavier, đơm kết mấy chục ngàn hạt pha lê với nhau làm mây, hưởng một phần nào đó từ vé bán tham quan, tiền chạy xe ôm. Rồi thì khách sạn, phòng trọ, homestay, ăn uống, bán mũ nón, đồ tặng phẩm của người dân tộc cho du khách, hay cho mướn trang phục để chụp hình lưu niệm…
Sự hình thành đồi mâm xôi và ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải đã có hơn 600 năm qua. Nét đẹp này không phải từ thiên nhiên mà là do bàn tay của con người với biết bao thế hệ gầy dựng. Thú vị là hai nghệ sĩ nước ngoài đã nhận ra và biết tận dụng lịch sử ngàn đời đó và khơi gợi lại mỹ quan qua sự kết hợp giữa sự sang trọng của pha lê và với cái đẹp bình dị, đơn giản và mộc mạc của ruộng lúa mà KTS Hà Thanh chia sẻ “Andy và Xavier đã đem pha lê ra đồng ruộng” một câu nói rất hay, có giá trị cho nhiều phương diện.
Hai chuyến đi Mù Cang Chải vừa qua đã phần nào cho chúng tôi ngộ ra nhiều điều từ việc hiểu rõ bao khó khăn khi thực hiện một dự án nghệ thuật cộng đồng, bởi vì tác phẩm của nghệ thuật cộng đồng luôn nhận được sự hoan nghênh lẫn tranh cãi mà hầu như ai cũng có quyền có tiếng nói. Việc đưa mây pha lê ra đồng ruộng ở Mù Cang Chải còn có thêm một ý nghĩ về kinh tế cho người dân bản xứ nên có thể nói đó là “Nghệ thuật vị Nhân sinh”. Sau cùng, việc không để đám mây pha lê lâu tại Mù Cang Chải lại là dịp để chúng ta cùng suy nghĩ về một triết lý “Không trường tồn nhưng vĩnh cữu”. Bởi mai đây, khi đám mây pha lê không còn ở trên đồi Mâm Xôi nữa thì những ký ức và những hình ảnh của công trình này vẫn còn lưu giữ lại trên từng vật thể, trong sách vở, tài liệu, trong computer hay trên internet,… – Trăm năm nước đổ Mâm Xôi/ Ngàn năm ký ức một đồi pha lê.