Không chỉ là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi, ngôi nhà còn có chức năng giải trí và phát triển sự sáng tạo cá nhân thông qua không gian thư giãn. Về mặt phong thủy, xử lý nội thất đúng phương vị, ngũ hành của không gian phòng giải trí gia đình sẽ tạo cho chủ nhân sự hưng phấn tích cực, đồng thời kết nối tình thân trong gia đình nhờ các hoạt động giải trí tại nhà.
Giải trí tại nhà: có bao nhiêu dạng?
Theo khoa học phương Tây, trong mỗi cá nhân đều tồn tại (theo tỷ lệ khác nhau) các dạng thông minh như logic tính toán, vận động, ngôn ngữ, âm nhạc, giao tiếp… (*) và do đó hoạt động giải trí tại nhà cũng sẽ đa dạng tùy theo dạng thông minh phù hợp, sở thích, năng lực, góp phần hoàn thiện sự phát triển của mỗi người. Từ tám dạng trí thông minh cơ bản, có thể kể ra nhiều hoạt động giải trí tại nhà như ca hát, xem phim, đọc sách, sưu tập…, cần có không gian tương ứng, phù hợp với lứa tuổi và hình thức giải trí.
Còn với Dịch lý phương Đông, thuyết Ngũ hành xác định tính chất không gian giải trí tương ứng với thiên hướng của các thành viên gia đình, hành nào mang tính chủ đạo, hành trung hòa, hành tương sinh, hành khắc chế… để có bài trí, lựa chọn không gian sao cho tăng Cát giảm Hung tốt nhất.
Các hoạt động giải trí tại nhà được phân ra làm hai dạng cơ bản theo tính chất Âm Dương, tĩnh động, và mức tương phối – tương đối giữa các chủ thể. Tương phối là kiểu giải trí này có thể phối hợp với hoạt động giải trí khác tùy mức độ Âm hay Dương làm chủ đạo. Ví dụ hoạt động đọc sách sẽ mang tính Âm, tĩnh lặng hơn việc chơi cờ. Còn hoạt động ca hát như karaoke gia đình là Dương, nhưng mức độ phối hợp giữa các thành viên tham gia sẽ không “vui” bằng chơi nhạc cụ theo kiểu các thành viên quây quần với nhau thành một ban nhạc, đòi hỏi có năng khiếu nhiều hơn, và trang âm cho phòng ốc, thiết bị âm thanh cũng phức tạp hơn.
Xét theo tính chất giải trí thì nhóm xem tivi, đọc sách, nghe nhạc, sưu tập tem… mang tính Âm và tĩnh tại trong giao tiếp hơn là nhóm chơi đàn, hát karaoke, sưu tập mô hình xe lửa hoặc đồ chơi kỹ thuật… mang tính Dương, năng động hơn. Nhóm nào nhiều máy móc, thiết bị, âm thanh, hình ảnh động thì sẽ gắn nhiều với hành Kim, Hỏa. Còn nhóm nào có nhiều sự riêng tư, non bộ hoa kiểng hay sách vở thì yếu tố hành Thủy và Mộc gia tăng. Hành Thổ thường mang tính chất trung hòa, kết nối tốt các hành khác, chính là hành chủ đạo cho không gian sinh hoạt – giải trí tại nhà. Khái niệm ngũ hành trong giải trí mang tính tương đối vì có người sôi động vui vẻ giao tiếp nhiều thì Dương hơn, mang tính Hỏa và Kim hơn, còn những người trầm tĩnh tận hưởng bản nhạc hòa tấu hay đọc cuốn sách, viết thư pháp, sưu tầm đồng hồ… sẽ Thủy và Mộc hơn.
Không gian đa năng, đủ và đúng
Chính vì sự đa dạng về giải trí tương ứng mức độ Âm Dương, Ngũ hành theo nhóm đối tượng cụ thể nên theo khoa học phương Tây sẽ hình thành dạng phòng đa chức năng giúp gia đình quây quần sinh hoạt, giải trí tại nhà một cách linh hoạt, thậm chí kết hợp thêm chức năng làm thư viện hoặc phòng học tùy hoàn cảnh mỗi nhà. Điều này khá trùng hợp với quan niệm Dịch lý phương Đông xem trọng yếu tố hài hòa, tránh thiên lệch thuần Âm hay thuần Dương quá đều không tốt. Có thể thấy không gian dưới mái đình truyền thống Việt là không gian đa năng gắn liền với đủ dạng sinh hoạt của cộng đồng, tùy theo tiết khí (mùa) hay thời điểm trong ngày mà thay đổi cho phù hợp. Thời hiện đại công nghệ phát triển, nhiều hoạt động giải trí được tích hợp vào thiết bị thông minh như tivi, laptop, điện thoại nên diện tích cho không gian giải trí ngày càng nhỏ gọn hơn, tuy vậy vẫn cần tuân thủ các nguyên tắc phong thủy cơ bản sau:
– Đủ: Giải trí riêng tư hiện nay khá dễ dàng, mọi lúc mọi nơi, nên chỉ cần tính toán phòng sinh hoạt chung tùy theo số người tối đa trong gia đình (có thể tính thêm bạn bè thân thiết) sao cho diện tích – không gian đảm bảo đủ chỗ cho các hoạt động có tập trung nhiều người như xem phim, nghe nhạc, hát karaoke. Cách bố trí theo hành Thổ (trung hòa, kết nối tốt) sẽ thiên về mặt bằng vuông vức hoặc chữ nhật, tránh ngóc ngách góc cạnh hoặc phòng méo khó sử dụng.
– Đúng: Khi xem xét la bàn phong thủy Bát trạch, vị trí không gian giải trí thuộc Dương, nằm tại các cung tốt với gia đạo xét theo tuổi mệnh trạch gia đình nếu thiên về nhóm nào (đông tứ mệnh hay tây tứ mệnh) thì phòng sinh hoạt gia đình – giải trí sẽ về hướng thuộc đông tứ trạch hay tây tứ trạch tương ứng. Còn nếu xét chi tiết hơn trên la bàn 24 sơn vị thuộc hệ sao Phúc Đức thì phòng giải trí gia đình nên tọa lạc tại các cung Thân Hôn, Hoan Lạc, Vượng Trang, Hưng Phước… để tốt hơn cho gia đạo. Dĩ nhiên vẫn phải ưu tiên trước các cung tốt cho cửa chính (môn), bếp (táo) và phòng ngủ chủ nhân cũng như bàn thờ gia tiên. Có thể dùng la bàn để xác định vị trí chủ nhân nên ngồi ở vùng nào trong không gian giải trí nhằm có tọa hướng tốt. Vị trí tọa và hướng đúng sẽ xác định tương ứng chỗ gắn tivi, loa, ghế sofa và các trang trí tương ứng. Cần tránh ngồi nhìn vào phòng vệ sinh, hoặc xoay lưng ra cửa đi, mà nên có được “chỗ dựa” bằng cách bố trí có tường ngăn, đặt tủ kệ, giá sách, chậu cây phù hợp.
Chất liệu, màu sắc thư giãn, hợp đặc tính giải trí
Khác với không gian chung toàn nhà hoặc một số phòng riêng có thể chọn màu hợp mệnh, tính chất phong thủy không gian giải trí thiên về kích hoạt sáng tạo, thư giãn nhẹ nhàng nên có thể sử dụng chất liệu, màu sắc khác biệt và mang một số đặc thù riêng. Sự phong phú và tươi vui tạo cảm giác hưng phấn, kích thích các giác quan cũng là một cách thư giãn tích cực. Đối với người làm việc văn phòng nhiều, thường xuyên tiếp xúc với giấy tờ, máy vi tính, ngồi máy lạnh… thì góc giải trí tại nhà cần mang tính thiên nhiên nhiều hơn, có thể vay mượn khung cảnh thiên nhiên bên ngoài đưa vào, dùng màu sắc mạnh và tươi tắn hơn là những màu sắc đơn điệu quen gặp tại chỗ làm việc hằng ngày.
Không gian phòng nghe nhạc, xem phim hoặc karaoke cũng nên mang tính sáng tạo và vui vẻ tạo sự thư giãn tích cực. Nhóm màu thuộc hành Hỏa (cam, đỏ) và Thổ (vàng, nâu) nên dùng với sự gia giảm tùy đối tượng và hướng ánh sáng tác động. Cần lưu tâm đến cả “phần cứng” lẫn “phần mềm” của không gian. Phần cứng chính là màu tường, màu trần và màu sàn. Còn phần mềm là màu của bàn ghế, thảm, rèm, màu đèn và màu vật dụng trang trí như tranh ảnh, bình hoa… Những màu sắc hợp với tính chất giải trí của phòng là nhóm ba màu liên hoàn trong đó màu chủ đạo là hành của hình thức giải trí. Ví dụ phòng karaoke, nghe nhạc, xem phim tụ tập nhiều người thuộc Kim thì nhóm màu trắng lấp lánh (Kim) đi cùng vàng và đen, xanh biển (bộ ba Thổ – Kim – Thủy) là hài hòa ngũ hành. Còn với phòng đọc sách, nghe nhạc hi-end (tĩnh lặng, chuẩn âm thanh cao) thuộc Mộc, thì bộ ba Thủy – Mộc – Hỏa chiếm đa số, tức là màu gỗ làm chủ đạo, điểm xuyết các màu đen hoặc đỏ.
Ngoài ra, màu sắc phòng giải trí còn gắn liền với chất liệu, trong đó nhóm chất liệu thô mộc và xốp rỗng chiếm tỷ lệ cao để đảm bảo chất lượng âm thanh tốt. Ví dụ phòng karaoke, xem phim và nghe nhạc luôn cần làm vách bằng chất liệu xốp như gạch rỗng, đá ong, gỗ tận dụng… chứ không để tường gạch sơn nước nhẵn nhụi để giúp giảm hiện tượng dội âm tần số thấp, giúp tiêu âm hiệu quả. Các loại giấy dán tường cao cấp, rèm vải dày, trần và vách bọc gỗ, bọc vải… cũng gia tăng tính Mộc, cho không gian giải trí tại nhà sự ấm áp, gần gũi và chất lượng nghe – nhìn tốt hơn là các chất liệu phẳng bình thường.
(*) Tiến sĩ Howard Gardner – nhà tâm lý học, Đại học Harvard – năm 1983 đã công bố các nghiên cứu về sự đa dạng của trí thông minh (Theory of Multiple Intelligences) làm nền tảng cho sinh trắc học, giáo dục và hướng nghiệp hiện đại.
- Ảnh Xuân Trang