Dù nhà văn Trung Quốc Trương Hiền Lượng viết tác phẩm có tên ấy (Một nửa đàn ông là đàn bà) nói về vấn đề gì của nước ông, nhưng ngẫu nhiên lại trúng phóc với… tình hình nhiều nhà ở tận khu phố tôi.
Muốn vận dụng kiểu gì cũng ổn. Ví dụ nói những ông mang… tính đàn bà. Khi mắng chồng như vậy, các bà chẳng tự ái gì. Chẳng khác nào nói “ông xấu tính… giống tôi”. Người hay đưa chuyện, lắm lời, hẹp hòi, đố kỵ, hay dỗi, ăn vặt… cứ coi những đức tính “quý hóa” ấy đặc trưng cho giới nữ. Giá mà ai nói họ vậy (mà rơi vào 8-3 hay 20-10) thì chỉ có mềm xương. Phải tự các nàng khi tức chồng nói chồng như vậy mới chẳng bị gì cả.
Mà thời nay, cứ thử vào một lớp học ở một trường đại học nào đó mà xem, cẩn thận kẻo nhầm. Thể nào cũng có vài anh chàng tóc tém, quần áo rất ngầu, lên trình bày trên bảng tay chân khua cũng rất ngầu, nhưng lúc nhìn bảng tên thì là… Nguyễn Thị Kim Ly, hay Nguyễn Thị Vân Hương, là chuyện thường.
Một vị khách ngoại giao nước ngoài nào đó làm chức lớn, trẻ măng, đẹp trai lồng lộng, đi ăn… bún chả trên phố Hà Nội, ăn bánh mì uống nước mía, cà phê vỉa hè Sài Gòn chẳng hạn là gây bão mạng ngay. Soi rất kỹ, và có người nói: “Cẩn thận, đi vớ đỏ kìa, coi chừng…”. Lại còn có người viết bằng tiếng Anh (cho kín đáo, lịch sự), rằng He is handsome but useless! Là vì bây giờ người ta tôn trọng giới tính, không kỳ thị. Thiếu gì nước mà ở đó người đồng tính lấy nhau ầm ầm. Cho nên phải “bình luận kín đáo sang trọng bằng… tiếng Anh”. Mà có khi đó là… mốt. Trong giới showbiz người ta đồn có nhiều lắm, mà cũng có cả người “không phải vậy cũng làm ra vậy” cho… độc đáo. Chẳng biết thực hư thế nào. Cứ quý hóa, cứ tạm hiểu như cái tên sách của Trương Hiền Lượng vậy cho lành. Có gì cứ đổ hết tại ông nhà văn nói. Không phải tôi.
Nhưng chuyện trong bếp núc các gia đình thì không chỉ có vậy. Đàn ông luôn coi bếp núc là việc của phụ nữ. Ngay cả các quý ông thường vào bếp cũng vẫn nghĩ vậy. Không phải các ông chồng lớn tuổi, mà bây giờ “trai đẹp” cũng vào bếp, đón con, còn rửa chén lau nhà, đổ rác thì không có ai thống kê, chứ đã… kính chuyển sang cho nam giới từ lâu rồi. Cho đó là những… việc vặt, chỉ cần “sức lực trâu bò” chứ không cần… trình độ. Các ông không làm thì trong nhà còn biết làm gì?
Ở phố nào cũng có, chung cư nào cũng có, những “trai đẹp đã trưởng thành” – Anh văn vi tính có dư, làm gì chứ chuyên viên, kỹ sư, bác sĩ, trưởng phó phòng, công ty này nọ, có đầy. Học hành đỗ đạt, thành công, vợ đẹp con khôn, nhà đẹp xe đẹp, sáng Chủ nhật đưa vợ con ăn sáng, lâu lâu đưa tất cả đi du lịch. Cũng thấy đầy.
Mà chính những “đàn ông” đó đã… một nửa là đàn bà rồi.
Cũng phải… giữ gìn sắc đẹp, thời trang, nước hoa mỹ phẩm. Người ta nói, tiêu chuẩn con trai bây giờ khắc nghiệt lắm. Không tin sang Trung Quốc xem, trai phải cao lớn. Thế là nhiều anh bỏ tiền làm thẩm mỹ… kéo chân cho dài ra. Đau đớn và tốn kém. Rồi trai Hàn thì không được mắt một mí. Da đen thì không được “cao to đen hôi”. Trai Ý mới khổ. Làm gì có cửa mà quần jeans áo pull long nhong ngoài đường. Phải thời trang, thành ra trai Ý diện nhất thế giới. Muốn mặc tự do thoải mái không cần diện, “cả nước” kể cả giáo sư này nọ quần shorts áo thun rộng, giày thể thao… đi khắp thế giới, thì chỉ có… sang Mỹ.
Đó, thấy khổ chưa, làm con trai, đàn ông có gì sướng? Làm đủ mọi việc, đi chợ nấu ăn, Mỹ đó. Lúc nào trên phim cũng thấy cả nhà họ cuống cuồng cho con kịp ra xe đưa rước, vợ chồng lái xe đường dài đi làm… Làm mọi việc tùy hoàn cảnh, đâu còn công việc gì là của phụ nữ nữa đâu. Loại đàn ông hết giờ làm mà không về nhà, bê tha nhậu nhẹt quán xá lụp xụp xứ ta chỉ có… thất nghiệp, làm thuê làm mướn nghèo khổ thôi. Còn đàn ông sang chảnh có học, bây giờ họ làm việc nhà dữ lắm. Coi như một phẩm chất trách nhiệm. Xấu hổ? Lạc hậu rồi.
Thế chẳng đúng như ông nhà văn nói là gì, một nửa đàn ông là đàn bà. Ông viết mấy chục năm trước (không cần biết ông nói chuyện gì), chỉ biết cái tựa sách… bói hay vậy, như thần!