Đến hẹn lại lên! Tháng Mười năm nào cũng vậy – khi màu lá trong công viên gần nhà chuyển sang lốm đốm vàng, chúng tôi kéo nhau lên núi ngắm mùa thu. Lúc này, hàng trăm cung đường trong dải Appalachian đều đã rực màu lá vàng lá đỏ. Appalachian chạy song song với bờ Đông nước Mỹ, dài khoảng 3.500km, gồm hàng trăm rặng núi rộng từ 94km đến 480km. Thời buổi công nghệ, muốn biết cung đường nào nhiều lá vàng nhất đã có webcam truyền trực tiếp hình ảnh từ các khu rừng. Du khách tùy theo sở thích mà chọn chỗ rong chơi.
Cung đường đi trên những đỉnh núi
Cao nguyên Shenandoah, khu rừng quốc gia cách Washington DC chỉ khoảng 120km với trục đường chính xuyên qua có tên Skyline Drive. Skyline Drive chạy theo sóng lưng của Blue Ridge – một dãy núi thuộc dải Appalachian và uốn lượn qua nhiều đỉnh núi cao trên dưới 1.000 mét. Khi chưa vào thu, nhìn từ xa đoạn núi này có màu xanh dương rất đặc biệt do cây cối trên núi nhả ra một loại hóa chất gì đó vào bầu khí quyển. Xe vào đến Skyline phải ghé cổng để mua vé và lấy bản đồ. Những người đi cắm trại ngoài việc mua vé còn được cho biết khu cắm trại nào còn chỗ trống để đăng ký dựng lều nghỉ qua đêm. Vé vào Skyline xe nhà mỗi chiếc chỉ 10 USD.
Qua khỏi cổng rừng, xe chạy chậm chậm theo con đường tráng nhựa nhỏ có cảnh vật xinh đẹp, vòng vèo lên núi cao. Có khi đường chạy giữa hai vách núi, có khi một bên là núi, bên là đèo hay thung lũng hoặc đồng bằng, nhà cửa làng nằm xa tít bên dưới. Cái nhìn từ Skyline đều là để nhìn ra xa và nhìn xuống, vì vậy các điểm dừng ngắm cảnh trên đường được gọi là overlook. Skyline có đến 75 cái overlook. Shenandoah National Park mỗi mùa mỗi vẻ nhưng mùa thu rực rỡ nhất khi những cánh rừng mênh mông dưới thung lũng chuyển sang sắc vàng, nâu, tím, da cam…
Xe lúc thì men theo sườn núi, lúc thì cheo leo trên đỉnh núi. Mọi người ngạc nhiên thích thú nhìn ngắm các loại cây mọc trên đá hai bên đường. Núi toàn là đá từng khối từng tảng thật lớn, dù có chút ít khe hở nhưng hầu như không có đất, vậy mà cây vẫn có thể sống được. Người Mỹ sang thật! Làm hẳn con đường chạy trên đỉnh núi chỉ để ngắm trời mây cây lá. Dọc theo chiều dài 170km, cảnh sắc hai bên Skyline Drive khá đa dạng, nhiều khi chỉ sau một khúc quanh là phong cảnh đã thay đổi hoàn toàn. Nơi nào tập trung nhiều cây sồi thì rừng có màu nâu xám trầm mặc. Ngược lại, nơi nào có nhiều cây sồi trắng (loại cây sồi có vỏ cây màu sáng) thì nhìn hai bên đường chỉ thấy một màu đỏ nổi bật. Còn các loại cây phong sẽ mang đến một màu cam rực rỡ, lấn át tất cả màu lá khác. Ánh sáng mặt trời mùa thu quả là rất lý tưởng cho sự biểu diễn của màu sắc núi rừng. Trong một ngày quang đãng, dưới vòm trời xanh, ánh nắng lấp lánh hơn cả pha lê. Vào buổi sáng sớm và chiều muộn, ánh nắng càng huyền ảo đặc biệt vì có góc độ dễ xuyên thấu qua cành lá, tạo ra màu sắc quyến rũ.
Quá trưa, xe dừng ở Skyland Resort, nơi đây nổi tiếng có kem dâu đen ngon nhất trong vùng. Dâu đen (black berry) màu đen, nhưng làm thành kem thì có màu tím đậm. Kem dâu đen trong khu di tích lịch sử Marby Mill gần đó cũng rất ngon. Marby Mill khá thú vị với khu nhà máy xay xát chạy bằng năng lượng của dòng suối xây khoảng hơn 100 năm về trước. Phần lớn điểm dừng chân ở đây đều được trang bị bàn ghế, nơi nướng thịt, vòi nước máy để du khách có dịp vừa thưởng thức các món ăn nhẹ vừa chuyện trò hay đi bách bộ trong khu vực dưới tàng cây bóng mát, gió nhẹ hiu hiu. Ai thích sống với thiên nhiên hưởng thụ trăng trong gió mát thì cùng gia đình chăng lều ở qua đêm, đốt lửa trại, đi xe đạp trong khu vực ấn định từng nhóm nhỏ…
Bên ngoài những “Cửa sổ địa đàng”
Những ai đã ngắm rừng thu nước Mỹ nhiều lần sẽ phân biệt được màu vàng tươi óng ả của lá mại châu với màu vàng úa của lá giẻ gai hay lá tần bi. Chúng tôi cũng nhanh chóng nhận ra màu đỏ tía của lá cây poison cumac, loài cây được mệnh danh là món trang sức cho núi rừng. Nhờ có màu đỏ tía đậm sắc của cây này, cảnh mùa thu Shenandoah mới bật lên được vẻ lộng lẫy. Một loài cây khác là mountain ash có lá và quả màu vàng mơ vào nửa đầu mùa thu rồi chuyển thành màu đỏ trong nửa cuối của mùa cũng khá phổ biến. Khi đông đến hạt mountain ash và hạt của cây sồi sẽ là thức ăn dinh dưỡng cho các loài động vật sống trên núi như quạ, sóc chuột (chipmunk), gấu và nai. Một vài khách du lịch đi cùng với chúng tôi nhận xét đúng là mùa thu Bắc Mỹ đẹp hơn mùa thu châu Âu cũng nhờ cây rừng nguyên sinh còn đa dạng.
Dọc theo hai bên đường, thỉnh thoảng nằm giữa những hàng cây dày ken lại có các khe hở được gọi là “cửa sổ địa đàng” để cho du khách nhìn ngắm thung lũng bao la phía dưới. Nhìn từ xa, những dòng sông, thác nước dưới ánh mặt trời trông như dòng thủy ngân lấp lánh giữa một miền núi non đỏ vàng bất tận. Shenandoah có rất nhiều đường mòn cho người đi bộ (hiking). Muốn đi hiking trên dải Appalachian thì phải đi xuống núi trước rồi leo lên lúc về. Trên những đường mòn này có nhiều thác nước và suối đá rất nên thơ. Chiều tối hôm đó chúng tôi cắm trại ở Big Meadows, một bãi cỏ rộng đến hai chục cây số vuông. Mùa xuân và hè ở đây ngập tràn hoa dại. Mùa này thì chỉ có cỏ úa, gió lộng và mây giăng trên trời. Dù vậy cảnh sắc không đến nỗi ảm đạm nhờ bầy sóc chuột vẫn tất bật chạy qua chạy lại tìm các loại hạt để tích trữ cho mùa đông. Một gia đình chim xanh (Eastern blue bird) tìm được vũng nước đọng trên tảng đá liền cùng nhau tắm táp vui chơi. Màu cánh chim óng ánh như ngọc lam nổi bật trên màu trời và màu vàng thu của cỏ cây trông thật đẹp mắt.
Ngày hôm sau, xe đi hết Skyline Drive khi trời còn khá sáng. Chúng tôi sẵn đà nên tiến vào Blue Ridge Parkway, một trong những xa lộ đẹp nhất nước Mỹ (Parkway nghĩa là xa lộ đi ngang các vùng nhiều cây cối). Blue Ridge Parkway có 26 đường hầm xuyên qua núi, đi ngang nhiều sông, rạch, hẻm núi với 168 cây cầu và sáu cầu vượt ngang đường. Hai bên Blue Ridge Parkway cây cối rất đa dạng, cảnh rừng thay đổi liên tục trong suốt 755km chiều dài vì điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng khác nhau. Dù chỉ đi được một phần tư cung đường này, chúng tôi cũng được chiêm ngưỡng nhiều điều kỳ thú của thiên nhiên Bắc Mỹ. Ấn tượng nhất là một ngọn núi có hai mảng màu rõ rệt. Trong khi bên tay phải núi đã nhuốm màu vàng thu thì bên tay trái, cả một mảng sườn núi vẫn còn xanh ngắt. Lằn ranh giữa hai mảng màu là vách đá chạy dài từ chân núi lên đỉnh núi. Có lẽ vách đá đã chắn gió hay che ánh sáng mặt trời nên tạo ra được hiện tượng này. Bên trong núi, dưới những vách đá này, là hệ thống hang động Seneca nổi tiếng ngoạn mục của vùng West Virginia.
Điểm cuối của Blue Ridge Parkway lại là một khu rừng quốc gia cỡ lớn của nước Mỹ. Nói vậy để người đọc có thể hình dung phần nào về mức độ mênh mông của vùng rừng núi Appalachian. Nhiều người ở Mỹ mấy chục năm, năm nào cũng vào núi ngắm thu, vậy mà chuyến đi nào cũng thấy được nhiều thứ mới mẻ để về kể lại!