Tôi rất băn khoăn về một vấn đề, đó là làm sao để nhà mình luôn có chút thiên nhiên tươi tắn dù ở điều kiện nhà ống nhỏ hẹp? Về phong thủy, có đúng là không phải bản mệnh ai cũng dùng được cây xanh, và chẳng lẽ chỉ có người ở biệt thự nhà đất rộng rãi mới có quyền hưởng thụ thiên nhiên? Đôi lời tâm tư, mong được cùng quý báo chia sẻ…
Đỗ Thị Anh Thư (Quận Tân Bình, TP.HCM)
Thực tế tuy cung mệnh và sở thích khác nhau song đa phần người ta đều ít nhiều muốn có một góc thiên nhiên dù nhỏ trong không gian sống của mình. Một số gia chủ có suy nghĩ: nhà mình trong phố thị chen chúc thì rất khó làm vườn tược cây cối, ước gì có dịp ở ngoại ô rộng rãi thoải mái! Những mặc định an phận đó khiến ngôi nhà ống hay căn hộ chung cư vốn eo hẹp về diện tích lại càng thêm thiếu vắng bóng dáng thiên nhiên. Thực ra, chỉ cần chút lưu tâm và chăm chút, mỗi không gian dù rộng hay hẹp đều có thể lại gần hơn với thiên nhiên. Tùy theo đặc tính không gian của mỗi nhà và cá tính, gu thẩm mỹ của gia chủ mà xử lý. Hoặc phức tạp như tạo một khoảng vườn treo hay dòng suối nhỏ, hoặc đơn giản chỉ là một bồn hoa, một bể cá cảnh. Dù dưới dạng nào thì gia chủ và người thiết kế nên chủ động chuẩn bị ngay từ phần thô ban đầu vì những thành phần này đều phải tính toán kích thước, chuẩn bị khung xương, đường ống điện, nước cấp và thoát, tránh tình trạng bất tiện khi sử dụng về sau. Ví dụ muốn làm hồ cá trong nhà thì phải tính toán ánh sáng, độ nông sâu, thiết bị lọc nước… cho phù hợp. Nếu không thì nên chuyển hướng sang dạng thức trang trí khác ít phải chăm sóc nhiều hơn, ví dụ hồ khô rải sỏi, hay bể cá treo tường.
Cũng đừng xem yếu tố thiên nhiên chỉ là trang trí theo ý thích riêng trong nhà ở, mà phải hiểu đó là một thành phần của bố cục tổng thể, như cha ông ta ngày xưa đặt hồ bán nguyệt trước sân, xếp hòn non bộ góc vườn, trồng cây cảnh ngoài hiên… đều tính toán trước sau, vị trí cẩn thận. Đặt đúng chỗ sẽ giúp cải thiện đáng kể nội thất nhà ở, hóa giải các “góc chết”, gia tăng sinh khí. Về mặt phong thủy, tính chất các mảng thiên nhiên trong nhà vốn thuộc hành Thủy, Mộc và Thổ, do vậy cần tìm chỗ bố trí tương ứng có khả năng Tương Sinh Ngũ Hành như khu vực giữa nhà (thuộc Thổ), giếng trời đón nắng hướng Đông (thuộc Mộc, tốt cho cây cối). Nếu trồng cây về hướng Tây để che mát nhà, cần chọn các loại cây có lá dày, chịu nắng. Trồng cây trong nhà ở phải chú ý không nên trồng các loại cây có gai nhọn, cây leo gây xói mòn tường, cây thu hút côn trùng… gây bất lợi trong sử dụng. Trồng cây bên cửa sổ, phải xem khung cửa sổ là một khung tranh ba chiều, trong nhà nhìn ra thưởng ngoạn được cảnh quan tốt.
Khi không gian và màu sắc trong nhà ngả về tối, sẫm màu (thiên về tĩnh, nhiều tính âm) thì nên chọn hoa lá có màu sáng để cân bằng. Ngược lại, nếu nhà thừa ánh sáng, chói chang quá thì phải dùng cây lá có màu sẫm, ken dày để giảm bớt khí Dương. Tương tự như vậy đối với các mảng đá trang trí, hồ cá cảnh vốn hay dùng vật liệu mang tính thiên nhiên thô mộc, cần phải hình dung trước để tránh tình trạng lạm dụng, khiến nội thất trở nên tối tăm xù xì và ẩm thấp. Chỉ cần khéo chọn loại sỏi đá hay cây trang trí, nội thất ngôi nhà sẽ trở nên sống động và tươi tắn hơn, gián tiếp đem lại không khí gia đình đầm ấm, kết nối tốt hơn các thành viên cùng cư ngụ, điều mà nhiều công trình “hoành tráng” nếu không khéo tiết chế sẽ không thể làm được, tốn kém và vô độ, khó có điểm dừng đúng mực.