Tôi sắp xây nhà, theo mẫu nhà trong quy hoạch thì có thể làm tầng lửng. Nhưng trong gia đình tôi có ý kiến không muốn làm gác lửng, vì cho rằng kiểu này xưa rồi và sử dụng không hiệu quả, lại thấy gác lửng thấp sẽ đè nén bếp bên dưới, sai về phong thủy. Xin nhờ quý báo tư vấn giúp tôi vấn đề này, xin chân thành cảm ơn.
Trần Trúc Nhi (Q.12 , TP.HCM)
Có nhiều cách thay đổi cao độ để tạo không gian đa dạng và tiện lợi hơn cho nhà ở, trong đó cách làm gác lửng có lẽ đã xuất hiện từ xưa và được biến tấu phong phú nhất. Nói làm gác lửng là “kiểu xưa” rồi cũng đúng nhưng chưa đủ, bởi không gian này vẫn có nhiều hữu ích cho đến tận ngày nay. Từ gian gác xép sát dưới mái làm nơi cất giữ lương thực của ngôi nhà truyền thống, gác lửng đã dần được biến đổi để trở thành không gian sinh hoạt phong phú hơn, nhất là trong điều kiện đất chật người đông. Từ chỗ “cái khó ló cái khôn” khi muốn tăng thêm diện tích hữu ích với nhà phố, gác lửng đã nâng cao vai trò làm không gian bổ sung, vừa sử dụng vừa để trang trí trong khoảng thông tầng từ gác lửng nhìn xuống đem lại hiệu quả thị giác khá thú vị. Các căn hộ penthouse hiện nay cũng đều làm dạng gác lửng, như một điểm nhấn khá ấn tượng và giúp chủ nhân được tận hưởng cảm giác ở trong một biệt thự trên cao, thoáng cả về tầm nhìn lẫn không gian thực tế sử dụng.
Về mặt phong thủy, sự xuất hiện khoảng trống thông tầng đi cùng gác lửng phân định nên những vùng cao – vùng thấp tuy rạch ròi mà lại không bị chia cắt, tạo thành sự giao hòa không gian trên dưới tốt hơn là một tầng lầu làm suốt. Từ trên gác lửng, gia chủ có thể quan sát, kiểm soát các luồng di chuyển trong – ngoài. Từ bên dưới nhìn lên, khách hoặc chủ cũng thêm cảm nhận về độ trang trọng và đa dạng của không gian, thay vì chỉ một mặt sàn với hai bức tường kẹp hai bên hun hút theo kiểu “ở ống thì dài” khá đơn điệu trong nhà phố. Việc quản lý kinh doanh hay giao tiếp trong nhà có tầng lửng phía trước sẽ phân khu chính – phụ tốt hơn so với nhà không có gác lửng. Và đây cũng là cách làm nhà kết hợp buôn bán kinh doanh gần như hiệu quả nhất nếu so sánh với các cấu trúc không gian khác không có gác lửng. Có thể thấy rõ điều này qua các showroom xe hơi chẳng hạn, luôn có một khoảng thông tầng cao phía trước và tầng lửng nằm sau để bao quát toàn bộ khu trưng bày. Còn về chuyện “gác lửng đè bếp” thì không hẳn vậy, làm lửng có thể linh động mở thoáng tùy vị trí, chỗ có bếp hay bàn ăn cũng có thể thông tầng cho thoáng, chỗ không cần thì thôi, nên nhiều nhà có gác lửng giúp bếp đẹp hơn, thoáng hơn chứ không phải bị đè nén.
Một số nhà thiếu diện tích cũng thường dùng gác lửng để làm chỗ sinh hoạt gia đình. Khi đó nên lưu ý yếu tố thông thoáng cho không gian này để tránh nội khí bị ngột ngạt tù hãm. Cách làm lệch tầng cũng giúp cho gác lửng được cao hơn mà khoảng trống phía trước (thông tầng) lại không bị dư thừa. Đây cũng là giải pháp tạo thế “nở hậu theo chiều cao” để khi tiếp cận vào nhà luôn thấy có xu hướng nhìn lên, đi lên, không gian thoáng đãng và bề thế hơn.
Về mặt ngũ hành, gác lửng trong nhà phố thuộc Thổ và Kim nhiều hơn, làm không gian tiếp khách và phòng làm việc tốt hơn là phòng ngủ. Dĩ nhiên, gác lửng mà làm rộng và dài quá sẽ thành… gác suốt, thành hẳn một tầng với chiều cao bị thấp thì lại hóa ra “lợi bất cấp hại”. Vì thế cần lưu tâm đến bản tính là không gian bổ sung của gác lửng. Về mặt Trường khí, gác lửng tuy cao hơn tầng trệt nhưng hay bị “đè nén” bởi tầng trên, nên nếu được kề cận giếng trời tức là bổ sung thêm Dương thì sẽ tốt hơn.