Được khai sinh từ thập niên 1980, đến những năm gần đây, kiến trúc xanh đã trở thành một xu hướng phát triển mạnh mẽ của kiến trúc thế giới. Một lý do quan trọng để triết lý về kiến trúc xanh được tôn vinh như vậy là bởi tác động của sự biến đổi khí hậu – ngày càng rộng khắp và ngày càng tăng cường độ – vào đời sống nhân loại. Nên có thể khẳng định, xu hướng này vẫn tiếp tục có vị trí chủ đạo đối với kiến trúc thế giới trong năm 2016 và nhiều năm nữa.
Đã có những nỗ lực của các nhà thiết kế từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á khi đi tìm những giải pháp thể hiện xu hướng kiến trúc xanh trong các công trình, dự án của mình; đặc biệt là với giải pháp lấy cảm hứng từ cây xanh: lồng ghép cây xanh vào kiến trúc, phủ kín công trình bằng cây xanh; đưa cây xanh vào dự án ở mức tối đa có thể; thậm chí có những dự án cực kỳ ấn tượng về cách vận dụng mảng xanh, gần như biến công trình thành một “khu rừng xanh” hay là một cây xanh khổng lồ…
1Ở khu vực Đông Nam Á, rộng ra là cả châu Á, đảo quốc Singapore là một điển hình đáng ca ngợi về kiến trúc xanh với nhiều công trình và dự án được giới chuyên môn ca ngợi, đoạt các giải thưởng kiến trúc cao quý. Tạp chí Architectural Digest số ra tháng 11-2015 đã giới thiệu hai trong số những tác phẩm kiến trúc xanh đặc sắc tại Singapore, đó là Khách sạn Park Royal trên đường Pickering và dự án trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ Marina One.
Khách sạn Park Royal khánh thành đầu năm 2013 và đến năm 2015 đã nhận được giải thưởng về thiết kế của CTBUH (Hội đồng Nhà cao tầng và Môi trường sống đô thị), một tổ chức quốc tế đặt trụ sở tại Chicago, chuyên đánh giá chất lượng các tòa cao ốc trên thế giới. Công trình này còn nhận được Bằng chứng nhận Green Mark Platinum là đánh giá ở mức cao nhất tại Singapore dành cho các kiến trúc xanh; Giải thưởng Solar Pioneer dành cho một trong những khách sạn đầu tiên tại đảo quốc đã đưa vào sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời cho toàn bộ công trình. Park Royal có 367 phòng với 15.000m2 diện tích được dành cho các khu vườn trên cao, các terrace trồng hoa cỏ, thác nước và các mảng xanh theo phương thẳng đứng. Ngay trong khách sạn, khách có thể chứng kiến thu hoạch lúa trên cánh đồng thu nhỏ như đang ở Bali. Nhờ hệ thống tự động kiểm soát nên khách sạn tiết kiệm tối đa năng lượng cũng như nước sử dụng.
2Tọa lạc ở vị trí trung tâm của quận Marina Bay, dự án Marina One là một phức hợp gồm hai tòa tháp 30 tầng được dùng làm văn phòng và trung tâm bán lẻ; hai cao ốc 34 tầng được dùng làm khu căn hộ cao cấp, bốn tầng hầm và một mạng lưới đường đi bộ ngầm dưới mặt đất. Điểm đặc biệt của dự án này là các mảng xanh, cảnh quan thiên nhiên, thác nước, hồ bơi… được “cài đặt” vào toàn bộ không gian. Chính vì vậy mà thiết kế của Marina One đã nhận được sự đánh giá cao về kiến trúc xanh, đơn cử như giải thưởng quốc tế về Bất động sản châu Á – Thái Bình Dương và các giải thưởng trong nước dành cho kiến trúc cao tầng xuất sắc nhất, kiến trúc đa công năng xuất sắc nhất và dự án đa công năng xuất sắc nhất cùng Bằng chứng nhận Green Mark Platinum. Dự án sẽ hoàn thành vào năm 2017.
3Tháp Cây Tuyết Tùng (Tower of Cedar Tree) – một dự án của kiến trúc sư người Ý Stefano Boeri ở Lausanne (Thụy Sĩ) còn được gọi là “Rừng thẳng đứng” (Vertical forest) bởi công trình sắp xây dựng này là một tòa tháp 36 tầng với 18.000 cây xanh, 6.000 bụi thực vật và 100 cây lớn. “Một kiến trúc phải giới thiệu được hệ sinh thái đáng chú ý các loài thực vật ở trung tâm một đô thị châu Âu quan trọng. Với tháp Cây Tuyết Tùng chúng tôi có cơ hội để thực hiện một tòa cao ốc rồi sẽ đóng một vai trò thật thú vị trong cảnh quan thành phố Lausanne”, ông Stefano Boeri phát biểu.
Với thiết kế của tháp Cây Tuyết Tùng, cư dân sống trong cánh rừng theo phương thẳng đứng này được bảo vệ hoàn toàn trước mọi ô nhiễm và bụi bặm, tránh được các loại khí thải độc hại như CO2 trong khi nhận được lượng oxy dồi dào từ các mảng xanh vây quanh họ. Các loại thực vật trồng ở dự án này đều là cây xanh bốn mùa như tùng, bách, đặc biệt là cây tuyết tùng vẫn xanh biếc ngay vào mùa đông tuyết trắng. “Rừng thẳng đứng” rất khác biệt so với các kiến trúc chung quanh và khi hoàn thành sẽ là một điểm nhấn của khu vực chung quanh hồ Geneva.
4Với triết lý “Thiên nhiên là nguồn gốc của mọi sự vật, chúng ta là một phần không thể tách rời của thiên nhiên”, các nhà thiết kế dự án “Cây Trắng” (L’Arbre Blanc) – một chung cư cao tầng tại TP. Montpellier ở phía nam nước Pháp – đã đưa ra một giải pháp thiết kế độc đáo: tòa cao ốc là một thân cây khổng lồ với cành nhánh là những ban công mở ra không gian bên ngoài; khoảng ban công đó còn có những mảng xanh, là chốn riêng của cư dân (mỗi căn hộ có tới ba ban công riêng) và cũng có thể là bar rượu, quán cà phê, nhà hàng hay khu vực dành cho nghệ thuật. “Cây Trắng – không gian của gió” (L’Arbre Blanc – espace de vent) còn hài hòa tuyệt đối với môi trường thiên nhiên chung quanh. Từ căn hộ của mình cư dân có thể ngắm nhìn cảnh quan tuyệt đẹp, từ biển Địa Trung Hải đến dãy núi Saint-Loup Mountain ngoài xa. Kiến trúc sư Manal Rachdi, một trong ba tác giả thiết kế cho biết: “Nếu như những chiếc lá trên cây được sắp xếp một cách tự nhiên để đón nhận tối đa nắng trời thì chúng tôi phải tính toán để sắp xếp sao cho các ban công và bao lơn của chung cư đón cũng như tránh được ánh nắng”.
“Cây Trắng” sẽ hoàn thành vào năm 2018 với 17 tầng, hai tầng dưới là khu vực dịch vụ ẩm thực, văn phòng, gallery…; 15 tầng trên là 110 căn hộ sinh thái. Dù không phủ màu xanh lên công trình như các dự án khác, “Cây Trắng” vẫn là một kiến trúc xanh đúng nghĩa.
5Tạp chí Architectural Digest còn giới thiệu hai dự án kiến trúc xanh ở Việt Nam, đó là khu campus của Trường Đại học FPT và khu chung cư Diamond Lotus đều tại TP. Hồ Chí Minh, do Công ty Võ Trọng Nghĩa Architect thiết kế. Dự án Diamond Lotus gồm ba tòa tháp 22 tầng với 720 căn hộ, được che phủ bởi cây xanh. Nét đặc biệt của dự án này là ba khối nhà được nối liền với nhau bằng hai cây cầu trên tầng cao nhất, tạo thành một khu vườn đầy hoa cỏ trên sân thượng của cả công trình. Mỗi căn hộ ở đây đều có một mảng vườn ngoài ban công trồng tre giúp che chắn nắng, đồng thời là giải pháp giảm tiêu thụ năng lượng cho toàn chung cư.