Mùa nóng đang bắt đầu khiến không ít gia chủ cảm thấy mệt mỏi khó chịu trong ngôi nhà của mình. Có rất nhiều giải pháp để giải nhiệt cho nhà từ xa đến gần, trong đó các biện pháp phù hợp về vật lý kiến trúc và phong thủy nhiệt đới luôn được ưa chuộng hơn cả.
Việc giải nhiệt cho nhà ở đồng nghĩa với giảm Hỏa (bớt nóng) và tăng Thủy (thêm mát) luôn cần làm theo cả nghĩa đen (bớt nóng nực, ngăn trực xạ) lẫn nghĩa bóng (tạo sự luân chuyển thoải mái của nội khí, giảm các va chạm xung khắc). Ngôi nhà Việt từ truyền thống đến đương đại luôn diễn ra một cuộc song hành thú vị: vừa đón nhận Hỏa, đón nhận ánh sáng mặt trời là nguồn năng lượng không thể thiếu cho sự sống, đồng thời vừa tìm các giải pháp khắc chế Hỏa, giảm bớt những tác động xấu của Hỏa vào nơi cư ngụ.
Mái nhà, chiếc nón kỳ diệu
Như dân gian thường nói câu “nhà dột từ nóc” bởi lẽ mái nhà chịu tác động trực tiếp mưa nắng nhiều nhất, cho nên nhà nóng cũng từ… mái! Dù chọn lựa hình thức mái bằng hay mái dốc thì các vấn đề về kỹ thuật (thoát nước mưa, chống thấm, chống nóng…) và mỹ thuật (hài hòa bao cảnh, hình thức kiến trúc…) luôn song hành với các yếu tố về phong thủy theo nguyên tắc: Hình nào thì Lý ấy, Lý nào thì Khí ấy. Tức là hình dáng bên ngoài của mái nhà tương thích nội dung bên trong, như mái che buồng thang, mái lấy sáng, mái phòng thờ, mái chòi nghỉ… đều có thể nhận thấy hình dạng và công năng từ bên ngoài cũng như cách xử lý phù hợp. Nếu làm mái chỉ vì hình thức thì dễ dẫn đến nhiều phi lý về công năng, sai lệch nội khí, lãng phí vật liệu.
Xưa nay khi làm nhà đến lúc “cất nóc” là xem như công trình hoàn thành cơ bản, bởi phần mái chính là ranh giới trên cùng của không gian sống bên dưới. Trên mái thuần dương, dưới mái thuần âm, ngày nóng đêm lạnh, mưa nhiều gió mạnh… khiến bộ mái đương nhiên giữ vị trí quan trọng, cần được chọn lựa kỹ vật liệu và cách thức xử lý để đảm bảo khả năng ngăn chặn tác động xấu từ bên ngoài vào nhà. Hoàn thiện mái vì thế có chi phí không thua kém hoàn thiện một tầng nhà để ở nếu làm đúng làm đủ, ví dụ chọn mái dốc lợp ngói là kéo theo hệ rui mè xà gồ đủ các lớp, hoặc đổ bê tông dán ngói dầm đà đủ hết, chọn lợp tôn thì nên là loại có lớp cách âm cách nhiệt, rồi phải có đóng tấm trần cách nhiệt nữa. Với nhà chọn cách mái bằng làm sân thượng thì cũng cần lưu ý dùng gạch chuyên chống nóng, làm sàn hai lớp, giàn lam bên trên thế nào… Vật liệu dành chống nóng luôn có nhiều nhất các nhóm tấm lợp, tấm trần. “Chiếc nón” che chở cho cả ngôi nhà vì thế mang ý nghĩa quyết định cho sự tồn tại lâu dài, đến mức những từ “mái đình, mái ấm” cũng đủ ý nghĩa bao trùm hình ảnh biểu tượng về nơi sinh hoạt cộng đồng, hay tổ ấm gia đình.
Mái nhà Việt Nam xưa nay làm kiểu gì thì cũng cần đảm bảo các nguyên tắc về tạo hình để dẫn khí trong phong thủy, đó là: vươn rộng nhẹ nhàng, ngăn bức xạ và mưa tạt, tạo bóng đổ xuống thấp, thoát khí nóng lên cao, có khoảng thông khí dưới gầm mái. Với dạng nhà có mái dốc (thậm chí cả biệt thự cao cấp) hay được gia chủ tận dụng không gian dưới mái, tuy nhiên cần lưu ý bố trí công năng ít dùng thường xuyên như kho hay phòng thờ, do đặc thù nước ta khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, Hỏa vượng, không như các nước phương Tây và phương Bắc là hàn đới lạnh khô, Thủy vượng, mát mẻ hơn nên họ rất hay bố trí phòng ngủ dưới gian áp mái.
Giải nhiệt nhờ cân bằng âm dương, mềm hóa bao cảnh
Sau phần mái chịu mưa nắng, phần tường nhà, kể cả hệ thống cửa bao quanh là khu vực chịu ảnh hưởng nhiệt độ bên ngoài đáng kể, nhất là với các hướng nắng gắt từ nam vòng qua tây bắc (chịu nắng từ trưa đến chiều). Nguyên tắc phong thủy khi bố trí mảng đặc rỗng, đóng mở trên các bề mặt quanh nhà để hợp khí hậu là thuận theo âm dương bù trừ, có chỗ mở cửa, đục rỗng thì phải có chỗ đặc kín để giảm bớt lượng bức xạ xuyên vào.
Nhiều nhận xét cho rằng kiểu nhà biệt thự Pháp xây thời kỳ thuộc địa luôn thấy mát mẻ vì họ làm khoảng thông thủy cao và tường dày. Điều này đúng nhưng chưa đủ, vì nếu để ý thêm, ta sẽ thấy hệ thống hành lang bao quanh và dùng cửa lam chớp giúp nhà (cả Tây lẫn ta) cách nhiệt tốt hơn và thông gió cũng tốt hơn. Việc xoay mặt dài của nhà ra hướng nam cũng là để đưa diện tiếp xúc đầu hồi nhà (cạnh ngắn, mặt tường đặc) về phía tây nắng gắt, giảm bớt bề mặt hấp thu nhiệt.
Bên cạnh đó, nên cần lưu ý đến bao cảnh bên ngoài nhà để tính toán hình dáng, bố trí tường ngoài và trổ cửa cho phù hợp. Những nơi trống trải như cánh đồng, ven sông, ven biển… thì gió mạnh hơn cho nên khối nhà ở những vùng đó cần thiết kế mang tính khí động học mềm mại để gió không tác động trực tiếp vào mặt nhà mà men theo các mảng cong, giảm bớt áp lực gió ngang. Để giảm việc “gió vào nhà trống” thì rất cần những bình phong (thiên nhiên hay nhân tạo) nhằm giúp giảm bớt tốc độ gió, đồng thời tăng thêm khả năng chống bức xạ cho bề mặt nhà.
Giảm Hỏa cho nhà còn là giảm bớt các bề mặt bị “cứng” để thay thế bằng các mặt tiếp xúc “mềm” hơn, thiên nhiên hơn như trồng thảm cỏ trước sân, dùng cây leo, cây bóng mát. Một mảng tường có dây leo xanh luôn mát mẻ hơn là để trơ trọi phẳng lì chói chang. Nếu sử dụng sân thượng thì nên lợp thêm mái nhẹ bên trên kết hợp với vườn trồng cây để cản bớt bức xạ trực tiếp. Dùng kính cũng phải lưu tâm đến hiệu ứng nhà kính, một loại “bẫy” tích nhiệt trong nhà khi đóng kín cửa. Vì thế việc chọn hình thức cho cửa (cửa chớp cản nắng thông gió, cửa dùng kính hộp cách nhiệt, có lớp phản quang…) sẽ quyết định không nhỏ đến nhiệt độ trong nhà.
Giải nhiệt cho nội thất
Như vậy, sau khi đi từ lớp áo bao che bên ngoài và xử lý cảnh quan theo phương hướng, phần còn lại của quá trình giải nhiệt cho nhà ở phụ thuộc vào cách thức bài trí nội thất và sử dụng ánh sáng, chất liệu cụ thể. Do tính chất Mộc sinh Hỏa, nên nếu lạm dụng vật liệu gỗ sậm màu trong nhà nhiều sẽ làm cho cảm giác nóng tăng thêm, nhất là trong nhà phố hẹp. Những ngôi nhà muốn dùng gỗ tự nhiên nhiều có lẽ nên học tập mô hình nhà vườn truyền thống: Mộc bên trong thì phải có Mộc ngoài làm xiêm áo che chở. Mộc nhiều sinh Hỏa thì phải dùng Thủy khắc Hỏa, như bố trí liên hoàn nhà – ao – vườn theo mô hình sinh thái khép kín truyền thống, hoặc đặt hồ cảnh, làm thác nước nhân tạo, hồ thủy sinh, vòi phun sương… trong điều kiện đất đai phố thị chật hẹp.
Việc bố trí ánh sáng hợp lý cũng giảm Hỏa đáng kể cho nhà. Cân bằng âm dương bằng cách ban ngày Dương thịnh cần bổ sung ánh sáng trắng, xanh và ánh sáng khuyếch tán để làm dịu không gian. Việc lạm dụng đèn mắt ếch, đèn pha và đèn chùm thường gây ra những mảng sáng rực rỡ và tăng cảm giác nóng. Có thể kiểm soát cường độ ánh sáng bằng cách dùng chụp đèn, dùng các bề mặt hắt sáng gián tiếp và giấu đèn trong các chi tiết trang trí linh hoạt như vách thạch cao, mảng tủ trang trí… Kinh nghiệm dùng đèn hài hòa là đặt đủ đèn vào các không gian cần thiết, bổ sung nhiều nguồn chiếu sáng gián tiếp qua lại, chứ không phải là bật nhiều đèn cùng một lúc vì sẽ làm nhiệt độ trong nhà tăng cao đáng kể. Ví dụ như hành lang, cầu thang có thể dùng đèn loại cảm ứng (có người đi qua mới sáng), đặt đèn cạnh bậc thang vừa giúp chiếu sáng bước đi vừa giảm bớt đèn trên cao. Phòng làm việc cần đèn bàn có chụp điều chỉnh để tránh chói và tập trung ánh sáng, còn phòng ngủ thì nên thiên về ánh sáng lạnh (xanh biển, tím nhạt) kết hợp chiếu sáng điểm để cân bằng âm dương, tạo tính thư giãn. Trong chiếu sáng khuôn viên sân vườn, nguyên tắc hài hòa âm dương cũng cần tôn trọng, ví dụ như hồ nước dùng ánh sáng mạnh, ấm và đều. Những chỗ nhô cao (như cầu, tường rào, cây thẳng) thì dùng ánh sáng điểm, xen kẽ giữa trực tiếp và gián tiếp, tránh chói lọi quá mức, cũng là giảm Hỏa đáng kể cho nhà.
Cảm giác về sự thoải mái trong nơi ở có nhiều dạng khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là tính tiện nghi và môi sinh (nhiệt độ, gió, độ ẩm, ánh sáng…). Con người luôn phản ứng và biết thích ứng với tác động từ những thay đổi chung quanh mình. Ngôi nhà cũng vậy, nếu bố trí hợp lý thì các điều kiện vi khí hậu trong không gian sống sẽ được biến chuyển tích cực. Dĩ nhiên, luôn có nhiều cách để tạo sự mát mẻ cho ngôi nhà (hoặc cục bộ từng phòng) như dùng hệ thống thông gió cơ khí, điện lạnh… Mỗi nhà mỗi vị trí, mỗi hoàn cảnh, chọn lựa giải pháp nào cho hài hòa môi trường là điều nên làm và trong tầm tay của mỗi người. Quan điểm của kiến trúc bền vững hiện nay không hề xem nhẹ vai trò của hệ thống làm mát nhân tạo, mà chỉ khuyến cáo hãy sử dụng máy điều hòa sao cho tiết kiệm, hiệu quả và dễ chịu nhất.
- Ảnh Xuân Trang