Thực tế xây dựng cho thấy vật liệu, ý tưởng cho trần nhà luôn ít hơn cho sàn nhà về chủng loại (gạch, đá, gỗ, thảm…) lẫn mẫu mã. Các ảnh hưởng của trần nhà về mặt phong thủy không như hệ thống cửa, bếp hay bố trí đồ đạc nội thất. Trần nhà ít tác động về xúc giác, không va chạm trực tiếp với người sử dụng, mà chủ yếu ở thụ cảm từ xa về thị giác (màu sắc, ánh sáng) cũng như cảm nhận về không gian và tâm lý. Vì thế, phong thủy cho trần nhà ở hiện nay chủ yếu tập trung vào cách tạo hình, màu sắc và phối hợp chiếu sáng.
Trước kia với cấu trúc nhà dân gian nền trệt mái dốc, khi lợp mái xong là kết thúc công trình, thì trần nhà chính là cấu trúc đỡ mái, nên cách lợp mái, khoảng thả đòn tay… được tính toán kỹ để không tác động xấu xuống không gian bên dưới về thẩm mỹ cũng như tâm lý. Sang thời kỳ đầu của nhà có sàn gác, nhà mái bằng…, trần nhà chủ yếu vẫn là hệ kết cấu đỡ sàn, có cộng thêm yếu tố trang trí như viền quanh, giật cấp, và phong thủy của dạng trần cổ điển này đề cao tính cân đối, tránh để dầm xà băng qua đầu giường ngủ, bàn làm việc.
Với sự phát triển công nghệ vật liệu và hệ thống kỹ thuật đi trên trần như hiện nay, mỗi nhà có khá nhiều sáng tạo kiểu trần riêng biệt, đa dạng: từ tạo khối lạ mắt cho đến phối hợp cùng kính màu, tấm kim loại, thậm chí để lộ đường ống kỹ thuật… Sự phong phú về nội thất hiện đại có thể chấp nhận về mặt phong thủy, song cần lưu ý các điểm cơ bản để giảm hung tăng cát.
Hình nào thế nấy
Tạo hình cho trần cần tuân theo tính chất không gian bên dưới, trên nguyên tắc hình – thế tương hòa hoặc tương phản. Tương hòa là xử lý hình dáng, đường nét… của trần đồng bộ với không gian sử dụng. Ví dụ phòng nghe nhạc có vách tường và sàn mềm mại thì trần cũng tạo hình gợn sóng, uốn lượn. Khi phong cách nội thất của nhà là cổ điển thì trần cũng hòa hợp với hệ thống gờ chỉ, hoa văn cân xứng. Cách làm này phù hợp với nội khí từng không gian, ít đột biến và tạo thống nhất về thẩm mỹ. Còn theo cách tương phản thì lấy sự đối lập làm cơ sở, ví dụ: mặt bằng sử dụng là phòng khách vuông vức nhưng trần bên trên có thể làm khoét lõm bo tròn, hoặc vát góc mạnh mẽ tạo nên điểm nhấn khác biệt. Hoặc sàn nhà lát gạch bóng nhưng trần nhà có thể làm bằng hệ thống lam gỗ.
Hiện nay các vật liệu thế hệ mới như tấm thạch cao chuyên dụng, lam gỗ và nhựa giả gỗ… khá phong phú, nhờ vậy dễ tạo hình và chọn lựa phong cách cho trần hơn. Việc để lộ kết cấu hoặc che phủ dầm đà là chọn lựa tùy thuộc không gian. Nếu dầm đà phần thô không gọn sẽ “lộ” ra kết cấu và tạo cảm giác phức tạp, đè nặng. Dùng tấm trần che kết cấu phối hợp với đèn chiếu sáng hợp lý sẽ đem lại hiệu quả thẩm mỹ tốt hơn, đồng thời tránh được vấn đề dầm đà chia cắt không gian.
Màu sắc và tương quan
Đa số trần thường có màu sáng nhạt hơn màu tường hoặc sàn, nhưng không phải tất cả đều vậy, vấn đề nằm ở tương quan màu sắc với nhau. Một không gian khá cao nếu cần tạo sự ấm cúng thì có thể sơn trần đậm màu hơn tường. Một không gian thấp và hẹp nếu muốn tạo cảm giác thoáng rộng thì nên dùng màu sáng và không có ranh giới rõ rệt giữa trần với tường (không làm viền phào chạy quanh, đặt đèn hắt sát góc, sơn cùng màu…). Với văn phòng làm việc hay xưởng, có thể để lộ lớp sàn bê tông rồi sơn trực tiếp lên, tạo phong cách mộc mạc.
Trong nhà ở hiện đại, có một không gian được chăm chút về trần trang âm, trang trí – đó là phòng sinh hoạt chung, nơi giải trí, xem phim, hát karaoke. Nên lưu ý sử dụng các tông màu sẫm, bề mặt ít phản quang cho tường và trần nhà trong phòng giải trí để mang lại những sự tương phản tạo hiệu quả sân khấu, không làm mất tập trung lúc nghe nhìn. Những gam màu tối như màu đen và lân cận đen cũng là hành Thủy, hành đặc trưng cho thính giác và các loại sóng lan truyền (như sóng âm, sóng ánh sáng).
Có thể vận dụng vào nhà ở các kinh nghiệm dùng màu cho trần nhà theo khoa học phong thủy với ba nguyên tắc sau:
1. Màu sắc theo vật liệu, chú ý bề mặt: sự hài hòa màu sắc đi cùng việc giữ được tính chất của vật liệu sẽ giúp bề mặt nội – ngoại thất công trình “dễ thở” hơn là bề mặt phủ lớp “phấn son” quá nhiều. Đôi lúc những màu sáng tươi trên mặt láng bóng gặp ánh sáng phản chiếu có thể gây chói mắt hơn là các màu sậm trên các tấm trần có bề mặt xốp gai, có lỗ rỗng. Các tấm trần có khe hở đúng mức cũng giúp đối lưu nhiệt tốt hơn trong nội thất, ví dụ một số trần dạng lam gỗ, hay tấm thạch cao có khoan lỗ.
2. Màu sắc theo tự nhiên: những ngôi nhà truyền thống sử dụng vật liệu có nguồn gốc thuộc Thổ và Mộc giữ được vẻ gần gũi và dịu mát, như mảng trần (cũng là mặt dưới lớp lợp mái) của nhà dân gian luôn thấy thân thiện, mát mẻ, trang trọng. Các bảng màu mô phỏng theo thiên nhiên gần đây đã được nhiều hãng sơn nghiên cứu và những màu “chiết xuất” từ tự nhiên như xanh cốm, vàng kiwi, hồng phớt tím, nâu đất… vẫn rất được người Á Đông ưa chuộng hơn là màu kiểu “công nghiệp” rực rỡ.
3. Màu sắc theo công năng và đối tượng: bếp là nơi “bốc hỏa” nhất trong nhà, nên cần dùng những màu nhẹ nhàng, ít gay gắt trên tường và trần để đem lại hứng khởi cho việc bếp núc và giảm cảm giác nóng. Màu trắng (có sắc xanh hay xám) và gam màu trung tính (neutral) gần đây thường được ưa dùng vì sự dịu nhẹ, hợp cho phòng làm việc và nơi tiếp khách, sinh hoạt gia đình. Phòng ngủ cần tĩnh lặng nên tông màu dịu và thư giãn (xanh ngọc, xanh dương, trắng phớt tím, vàng kem…) sẽ chiếm ưu thế. Những cặp màu tương phản, màu đột biến rực rỡ thì thích hợp với phòng trẻ em hoặc phòng giải trí hơn.
Ánh sáng theo ngũ hành
Với những gia chủ thích “chơi ánh sáng” thì kiểu trần không quan trọng bằng kiểu đèn, chính xác hơn là cách thức chiếu sáng trên trần phải đẹp và hài hòa với cấu trúc trần và các thành phần khác như tường, đồ đạc nội thất của phòng. Xu hướng làm trần phổ biến hiện nay ngày càng phẳng lặng, giản đơn, ít lồi lõm, nhằm làm phông nền thuận lợi cho hệ thống đèn thể hiện tốt hơn, đồng thời giúp dễ thay đổi kiểu đèn khi có những mẫu mới xuất hiện mà không phụ thuộc vào kiểu dáng trần.
Thuyết ngũ hành diễn giải mối quan hệ vật chất cho hệ thống không gian trong các quan hệ vừa tương hỗ vừa đối lập nhau, tác động qua lại. Khi ứng dụng ngũ hành vào ánh sáng cho nội thất, nên căn cứ theo nguyên tắc chọn lựa hợp mệnh và hợp tính chất ngũ hành của không gian cụ thể. Ngoại trừ một số phòng ốc dùng hành Hỏa (đèn màu đỏ, cam) như phòng thờ, góc tâm linh, và dùng hành Thủy, Mộc (ánh sáng xanh tím, xanh biển hay xanh lá cây) như sân vườn và phòng giải trí, còn lại đa số không gian sinh hoạt cơ bản trong nhà ở thường dùng ánh sáng trắng (hành Kim) và ánh sáng vàng (thuộc Thổ).
Theo tính chất ngũ hành của chức năng thì càng thiên về bố trí nhiều máy móc, thiết bị, cần nhìn rõ chi tiết, nơi học tập, làm việc, bếp núc… thì cần tăng yếu tố Kim (ánh sáng trắng, rõ, trực tiếp, sáng theo vị trí, trần đơn giản và có độ phản quang). Còn đối với tính năng thư giãn, mờ ảo, hoài niệm, quây quần ấm cúng, nơi chuyển tiếp trong ngoài… thì yếu tố Thổ chiếm ưu thế hơn (ánh sáng vàng, gián tiếp, dẫn dắt theo tuyến, trần tạo hình phong phú và có xử lý gia giảm cường độ sáng).
Cho dù theo phong cách chiếu sáng nào thì trần ngôi nhà để không phải trần quán cà phê hay karaoke, không nên tù mù huyền ảo hay chớp tắt lòe loẹt. Có ý tưởng, bố cục giản dị và đảm bảo chiếu sáng hợp phong thủy cho đúng công năng sử dụng sẽ giúp trần nhà bạn có thể “tuy không cao, nhưng ai cũng ngước nhìn” đấy!
- Ảnh Xuân Trang