Bên cạnh việc từng bước tham gia vào kết cấu kiến trúc, các loại vật liệu nhẹ đang ngày càng chiếm lĩnh trong nhóm vật liệu xây dựng hoàn thiện nội thất. Từ tường panel 3D lõi xốp cho đến các hệ tường làm bằng tấm thạch cao, tấm cứng calcium silicate đều có những ưu điểm dễ thấy so với tường gạch truyền thống.
Ưu điểm đầu tiên của nhóm vật liệu nhẹ nằm ở chính tên gọi. Nếu như tường gạch dày 110mm nặng khoảng 180kg/m2, thì các hệ tường thạch cao kèm khung và bông cách nhiệt cùng độ dày chỉ nặng khoảng 23kg/m2. Điều này có nghĩa là tải trọng công trình sẽ được giảm đáng kể, tiết kiệm chi phí cho móng và các hệ kết cấu công trình.
Sử dụng tường thạch cao còn thể hiện tính tích cực ở khía cạnh môi trường. Với vai trò là một giải pháp thay thế, các vật liệu mới khắc phục tình trạng khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên đất sẵn có, đồng thời, năng lượng tiêu thụ, khí thải ra môi trường trong quá trình sản xuất… cũng ít hơn rất nhiều (so với gạch nung truyền thống và xi măng). Những quy trình sản xuất và quy chuẩn chất lượng hiện đại đang ngày một nghiêm ngặt hơn về tiêu chí thân thiện với môi trường. Hệ quả tất yếu từ điều này là hầu hết sản phẩm sản xuất ra đều phải đảm bảo các thông số môi trường cho phép.
Tường nhẹ – một lựa chọn mới
Theo nhà sản xuất Vĩnh Tường – Gyproc, tường thạch cao không chỉ đảm nhiệm vai trò ngăn chia không gian, mà còn mang đến nhiều chức năng khác. Kết cấu đơn giản, dễ thi công, rút ngắn thời gian thi công một cách ấn tượng, hệ tường này còn được tăng cường tính năng chống ẩm, cách âm, chống cháy… Tường thạch cao có thể uốn cong theo ý đồ thiết kế và dễ dàng trang trí thêm hoặc treo các vật dụng trong gia đình. Mỗi điểm treo với vít chuyên dụng có thể chịu lực an toàn lên đến gần 20kg đối với tường thạch cao dùng tấm 12,5mm (khả năng chịu lực an toàn nhỏ hơn 3 lần so với ngưỡng chịu lực tối đa).
Cho một không gian thân thiện với cuộc sống
Ô nhiễm âm thanh đã được chỉ ra là một trong những vấn nạn mới phát và ngày càng có chiều hướng leo thang trong đời sống đô thị nước ta, đặc biệt là ở Hà Nội và TP.HCM. Dù Việt Nam đã có những quy định cụ thể về cường độ âm thanh tối đa cho phép ở từng loại công trình, nhưng thực tế khó có thể tuân thủ hoàn toàn. Cường độ tối đa cho phép ở các khu vực chung cư, nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề… từ 6g đến 21g là 70dB (đề-xi-ben), từ 21g đến 6g là 55dB, tuy nhiên không gian lý tưởng để ngủ ngon từ 25dB – 30dB. Trong khi đó, tiếng ồn lên đến 85dB khi tiếp xúc lâu dài có thể gây giảm thính lực, mệt mỏi, khó thở; và khoảng 140dB sẽ gây tổn thương thính lực tức thời khi tiếp xúc.
Tuy nhiên, những yếu tố “vô hình” như tiếng ồn thường bị bỏ qua hoặc giải quyết không đúng mức trong khâu thiết kế. Các gia chủ cũng ít khi lưu tâm đến vấn đề này và không ý thức về tác động cũng “vô hình” mà rất tiêu cực lên đời sống thường nhật. Ở khía cạnh này, một ưu điểm khác của tường kết cấu từ vật liệu thạch cao so với tường gạch truyền thống được thể hiện khá rõ nét: khả năng cách âm.
Ví dụ, hệ tường thạch cao Gypwall DW4 với hai lớp tấm thạch cao Gyproc tiêu chuẩn cho mỗi mặt, khung xương Vĩnh Tường và bông thủy tinh có thể cách âm được 50dB, chắc chắn sẽ đảm bảo âm thanh truyền qua luôn nằm trong ngưỡng cho phép, góp phần nâng tầm chất lượng không gian sống cho người sử dụng.
Việc cải tiến trong công nghệ sản xuất còn tăng cường thêm nhiều tính năng hữu dụng cho các loại tường nhẹ như tường panel 3D hay tường thạch cao, cụ thể là cách nhiệt và chống ẩm. Định kiến về tấm thạch cao “không ưa” nơi nhiều hơi ẩm đã hoàn toàn bị đẩy lùi. Các loại tấm thạch cao chống ẩm, chống cháy lan, thậm chí có loại tấm có thể tích hợp song song hai tính năng trên đang được sử dụng ngày một nhiều. Đây là một lựa chọn rất đáng cân nhắc cho các gia chủ trước quyết định xây dựng tổ ấm của mình.
- Tân Vũ