Khi mặt trời vừa ló dạng ở Vườn quốc gia Nam Kan của Lào cũng là lúc đám vượn mặt đen quý hiếm cất tiếng đánh thức vạn vật. Từ những ngôi nhà ngất ngưởng trên các cây cổ thụ, cách mặt đất chí ít cũng 30m, khách du lịch yêu thích thiên nhiên hoang dã cũng bò ra khỏi tấm mùng chống muỗi, vơ lấy ống nhòm để quan sát rõ hơn những sinh vật đặc hữu của khu bảo tồn này.
Tiếng vượn là chuông báo thức tự nhiên
Nam Kan là Vườn quốc gia được chính phủ Lào chính thức thành lập vào năm 2008. Nó rộng 136.00 hecta, là khu vực trú ẩn của nhiều loài động thực vật quý hiếm. Còn nhà trên cây ở đây thì được bắt đầu được xây dựng sớm hơn, từ năm 2004, là một phần của dự án bảo tồn kết hợp du lịch sinh thái Gibbon Experience. Theo trích dẫn từ gibbonexperience.org, trang chủ của Gibbon Experience thì: “Chúng tôi làm những ngôi nhà trên cây cao nhất thế giới để các bạn có thể trải nghiệm cảm giác như đang bay trên tán rừng và được đánh thức bởi những con vượn”.
Tất nhiên, các kiến trúc nhà trên cây này còn là chiến lược thu hút khách du lịch sinh thái, từ đó tăng thu nhập kinh tế cho một phần cư dân sinh sống xung quanh. Hiện tại, có hàng trăm người Lào đang sinh tồn bằng cách tham gia vào Gibbon Experience. “Đăng ký ở lại nhà trên cây cũng là bảo vệ Vườn quốc gia và duy trì sinh kế của cả một cộng đồng”, gibbonexperience.org khẳng định.
Đúng như cam kết “Làm các nhà trên cây cao nhất thế giới”, Gibbon Experience đã dựng các ngôi nhà bằng gỗ trên những ngọn cây cao nhất của Nam Kan. Họ có tổng cộng 8 ngôi nhà trên cây, ở độ cao 30-40m. Nó đủ để cho những người sợ độ cao chóng mặt muốn xỉu, nhưng lại là “khách sạn” giữa rừng đặc biệt tuyệt vời với những người ưa cảm giác mạnh.
Và cũng đúng như cam kết “Để các bạn được đánh thức bởi những con vượn”, trời chỉ vừa hửng sáng là cả Nam Kan rộn rã tiếng vượn hoang. Nó đủ ồn để các du khách có muốn ngủ nướng thêm cũng khó. Chỉ cần bước ra ngoài lan can và nhìn xuống vạt rừng bên dưới chân là thấy ngay những con vượn đen tuyền đặc hữu đang hối hả chuyền cành, dù rằng chúng bị xếp vào danh sách động vật đặc biệt nguy cấp ở Đông Nam Á.
Trượt Zip-line để di chuyển trong rừng
Vào năm 1996, Jef Reumaux, người sáng lập Gibbon Experience sau này, đã thực hiện một chuyến thám hiểm rừng Nam Kan. Trong lúc lang thang, ông vô tình phát hiện một số con vượn và đưa máy ảnh lên bấm vài tấm. Nào ngờ những con vượn ấy lại chính là vượn đen tuyền đặc hữu của Lào. Chúng thuộc về loài động vật bị đe dọa nghiêm trọng, có nguy cơ tuyệt chủng. Lập tức, Reumaux nhận ra phải có trách nhiệm bảo vệ loài vật này. Ông quy tụ những người đồng chí hướng, quyết tâm lên và thực hiện kế hoạch bảo tồn. Nhưng nhóm của Reumaux ngày đó thiếu cả sức người lẫn tiền bạc. Thế nên, họ mới nảy ra ý tưởng xây dựng mạng lưới Zip-line và nhà trên cây để thu hút du khách tham quan.
Năm 2004, ngôi nhà trên cây đầu tiên khánh thành. Thấy được nhiệt tâm và lợi ích từ ý tưởng của Reumaux, chính quyền địa phương Nam Kan bắt đầu hợp tác. Dự án Gibbon Experience chào đời, khoanh vùng một rừng lá rụng rộng 136.000 hecta làm khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã. Đến năm 2008, khu vực này chính thức được Quốc hội Lào chỉ định là Vườn quốc gia. Ngày nay, Gibbon Experience có đến hơn 120 nhân viên toàn thời gian. Hầu hết họ đều là cư dân từ các làng mạc xung quanh.
Cách nhanh nhất để di chuyển trong Vườn quốc gia Nam Kan là trượt Zip-line. “Chúng tôi có một mạng lưới Zip-line dài tổng cộng 15km”, Yann Gourberry, một nhân viên của Gibbon Experience cho biết. “Nó cho phép đưa du khách di chuyển trong rừng theo cách nhanh nhất”. Mạng lưới Zip-line này cũng nối các ngôi nhà trên cây lại với nhau, mỗi đoạn thường dài tầm 600m hoặc hơn đôi chút, còn tốc độ trượt thì khá là… kinh hoàng. Du khách chỉ có khoảng 50 giây chứ chưa đến 1 phút để kết thúc một chặng. Với người ưa mạo hiểm, nó tất nhiên là 50 giây đầy phấn khích. Còn với người sợ cả vận tốc lẫn độ cao thì chỉ 50 giây ngắn ngủi ấy thôi cũng đủ để xanh mặt.
Dĩ nhiên là Nam Kan vẫn có đường đi bộ phục vụ du khách. Có điều lối đi khá hiểm trở và cũng rất dài. Song nếu không đủ can đảm để đu Zip-line thì cũng chẳng còn cách nào khác và dưới đất cũng có nhiều cảnh sắc đẹp để bù đắp cho những giọt mồ hôi.
Hoang dã nhưng cũng khá tiện nghi
Tất cả các ngôi nhà trên cây ở Nam Kan đều được làm bằng gỗ và có trang bị đèn điện. Trong nhà cũng có giường, màn chống muỗi, bàn ghế, phòng vệ sinh… Nói chung là khá tiện nghi. Có một điều đáng ngạc nhiên ở đây là hầu hết vật liệu làm nhà trên cây đều là gỗ tịch thu từ những kẻ đốn trộm. Trong thực tế, dự án nhà trên cây Gibbon Experience cũng còn là một hoạt động chống nạn phá rừng nữa.
- Xem thêm: “Hành xác” ở Lào
Trên mỗi “khách sạn” ngoài trời giữa bạt ngạt cây lá này cũng có phục vụ thức ăn kiểu Lào. Thức ăn được nấu từ các ngôi làng lân cận và giao cho nhân viên mang tới. Xin cứ yên tâm về độ nóng sốt vì nhân viên giao thức ăn trượt Zip-line. Họ còn phục vụ thêm cả trái cây tươi và đồ ăn nhẹ địa phương.
“Khoảng 2 năm trước, chúng tôi bắt đầu cải tiến cách thức thiết kế nhà trên cây”, Gourmelon cho biết. Về thực chất, chuyện xây nhà trên cây vốn không hề đơn giản. Đầu tiên, Gibbon Experience phải tìm được cây cổ thụ đủ cao và vững chãi. Sau đó, họ lại phải quan sát xem liệu đám vượn hoang có sống ở xung quanh đó không bởi đã hứa là sẽ để du khách được đánh thức nhờ “chuông báo thức tự nhiên” là tiếng vượn kêu. Thế rồi còn phải cân nhắc vị trí, chiều cao. Cao quá cũng không được vì khó đưa nước lên. Thấp quá cũng không ổn bởi sẽ hạn chế tầm nhìn của du khách. Thêm vào đó, trên cây không giống như dưới mặt đất. Thế nên việc đo đạc, tính toán các góc cũng chẳng dễ dàng gì. “Bạn có thể làm một ngôi nhà trên cây tuyệt đẹp, nhưng phải tốn rất nhiều thời gian”, Gourmelon giải thích.
Song bây giờ, nhờ vào công nghệ hiện đại với máy bay không người lái gắn camera 360 độ, việc thiết kế có vẻ dễ dàng hơn. Thông qua phần mềm chỉnh sửa ảnh, mô hình 3D, các kiến trúc sư cũng không phải quá vất vả trong việc phác họa. Tuy nhiên, riêng mặt tiến hành xây dựng thì vẫn lắm công phu như trước. Tùy thuộc vào cấu trúc của một ngôi nhà trên cây mà các thợ phải mất trung bình là 6 tháng để hoàn thành.