Trời rất hay thử thách con người. Nghèo khổ, bệnh tật, các bi kịch của con người nhiều khi chẳng có cách nào hiểu hợp lý hơn là… do ông trời. Trời cho, hoặc là trời bắt tội. Chỉ có hai lý do, đó giải thích vạn vật.
Một bà vợ làm lụng kiếm ăn, về nhà quần quật cơm nước, lo tối mắt tối mũi tiền chợ, tiền nợ, tiền con cái đi học. Còn ông chồng thất nghiệp dở tối ngày say xỉn. Đã vậy thì vợ sẽ lo lắng tức giận kể lể. Chồng lại nói rằng đàn bà hay kêu ca nói nhiều lèm bèm, chịu không nổi, nên thượng cẳng chân hạ cẳng tay.
Nhưng có chuyện anh chồng lo làm, còn vợ lo… ăn quà, nói dối, đánh bạc không? Có chứ. Có cô vợ xài tiền giỏi, kiểu ghiền mua sắm không? Đầy!
Có anh chồng kiếm tiền lo đủ cho vợ con xong, các em chân dài bao quanh – “tiền bao la thì gái bao vây” khiến gia đình xào xáo không? Trong khi đó, có những ông chồng đạp xe quanh phố, rao bán những thứ không thể còn gì rẻ hơn “Bông cải mười ngàn, mười lăm ngàn hai nải chuối cau đây!”.
Nếu kể ra thêm nữa thì lại nói rằng chuyện xã hội, xưa rồi. Bây giờ cặp vợ chồng trẻ đều tốt nghiệp đại học, đi làm công ty, kỹ sư bác sĩ. Sáng cuối tuần, đánh xe chở vợ con (vợ đẹp, ăn mặc model, con thì một trai một gái – đúng công thức chuẩn) đi ăn, vào nhà hàng. Công thức vợ làm quần quật chồng say xỉn dù vẫn còn, nhưng là của tầng lớp dưới, “xưa” rồi nhé, ai chẳng biết, ai chẳng lên án, nói mãi phát nhàm.
Nhưng hình như mãi mãi còn câu chuyện này:
Một người rất gọn gàng sạch sẽ, sống kỷ luật, thì thế nào cũng lấy phải người bừa bãi cẩu thả. Nhìn vào cái bàn làm việc, bụi bám. Cái máy vi tính cũng bụi (thời buổi đời sống đô thị, chỉ có bụi, muỗi, gián, kiến là sẵn có bất cứ lúc nào, ở đâu). Giấy vụn, sách bút, giẻ lau. Trong cái hộc bàn, giở ra thế nào cũng có cái bút hỏng không chịu vứt đi, mấy cái đinh, lẫn lộn namecard của mọi người… Tóm lại là, có thể vứt cả cái hộp đó vào sọt rác, chủ nhân cũng không bao giờ biết mình mất những gì. Tác phong thì khỏi nói. Có khi phải buộc một người máy vào lưng đi theo sau, hễ bày đâu thì con robot ấy dọn ngay cho thì may ra.
Đi vắng đâu về mà dọn nhà thì thôi, đảm bảo bực phát khóc, kèm theo tức giận, coi thường.
Không ai coi đó là chuyện lớn. Một người tiết kiệm thì lấy phải người hoang phí. Mở tủ lạnh ra, nhìn thấy mấy tô thức ăn dở, là muốn quăng đi hết. Khoa học đã nói rồi, thức ăn để qua đêm, sẽ biến từ chất gì thành chất độc gì, cứ gõ “cụ Gúc Gồ” là ra hết. Chẳng phải tự nhiên mà người ta thống kê, nhân loại ngày nay vứt đi gần nửa số thực phẩm sản xuất ra. Thế nên người nhặt rác ở các nước phát triển lấy được cả những đồ hộp còn nguyên bị vứt đi. Người hoang phí bây giờ đầy lý lẽ khoa học. Không tiêu dùng thì làm sao phát triển được sản xuất.
Người hào phóng hay lấy phải kẻ keo kiệt. Bà con anh em nhà chồng xuống chơi, là phục dịch bằng chết, ra về quà cáp, dẫn đi chơi, mua sắm, đãi chuyến du lịch.
Nhưng bà con bên vợ lên, phải mang theo quà quê kìn kìn. Mà thấy vậy là tự nhiên. Xưa các cụ tổng kết rồi, con gái là cái bòn. Lâu ngày, đâm ra sợ và ghét khách nhà chồng.
Đó là chưa kể, người vui vẻ lấy phải kẻ cau có nóng nảy, kẻ quảng giao lấy phải người cô độc. Người thật thà lấy kẻ “cao thủ lắm mưu”. Ghét của nào trời trao của ấy.
Vậy là đúng rồi, ông trời thử thách, luôn trêu ngươi, thế gian được vợ hỏng chồng. Hay là chủ trương của ông ấy “điều tiết cuộc sống”?
Thỉnh thoảng có cặp nào cả hai vợ chồng đều giỏi – thì coi đó là “sản phẩm lỗi” của ông trời. Chắc lúc “đang sản xuất, phân phối” ông ấy… trót ngủ gật.