Ấn tượng mạnh nhất của tôi khi tham quan Getty Museum (Bảo tàng Getty) tại khu ngoại ô Brentwood của thành phố Los Angeles vào tháng 7 qua là không gian rộng thoáng, thuận lợi cho khách tham quan với các hướng dẫn cụ thể bằng tờ rơi. Biện pháp an ninh được siết chặt để chống phá hoại với các nhân viên an ninh to lớn mặc đồ đen đứng quan sát với khuôn mặt thân thiện tại cửa ra vào mỗi phòng và quy định không được bước qua vạch giới hạn khoảng 40cm và chạm tay vào hiện vật. Họ cũng không nhận chụp ảnh giúp bạn, nhưng du khách có thể quay phim và chụp ảnh thoải mái.
Con đẻ của một nhà sưu tầm nghệ thuật
Viện Bảo tàng The J. Paul Getty Museum, thường gọi gọn Getty là một viện bảo tàng nghệ thuật danh tiếng thế giới đặt tại bang California (Mỹ) gồm hai campus riêng biệt: Getty Center và Getty Villa với lượng khách tham quan lên đến hơn 2 triệu người vào năm 2017.
Bảo tàng chính Getty Museum nằm trong Getty Center đặt tại khu ngoại ô Brentwood của thành phố Los Angeles, trên một ngọn đồi phía Tây đèo Sepulveda và Freeway I-405, nơi khách tham quan chỉ có thể lên được bằng tàu điện nội bộ.
Bảo tàng có bộ sưu tập khổng lồ nghệ thuật phương Tây từ thời đại Trung cổ đến đầu thế kỷ 20. Bảo tàng Getty Villa (nơi từng là Getty Museum đầu tiên), nằm tại khu ngoại ô Malibu (California) trưng bày chủ yếu các tác phẩm Hy Lạp cổ, La Mã, Etrusca từ thời kỳ Neolithic đến cuối thời cổ đại.
Năm 1974, tỉ phú J. Paul Getty, một nhà công nghiệp Mỹ gốc Anh có thú đam mê sưu tầm nghệ thuật đã khánh thành bảo tàng đầu tiên tại biệt thự Papyri at Herculaneum được cải tạo lại nằm trong khu đất do ông làm chủ ở thành phố Malibu, California.
Năm 1982, nó trở thành bảo tàng thừa kế giàu nhất thế giới với trị giá 1,2 tỉ USD. Năm 1983, sau suy thoái kinh tế tại Tây Đức lúc đó, Getty mua lại được 144 bản thảo vẽ, chép tay thời Trung cổ từ bộ sưu tập Ludwig Collection của nhà tài phiệt Ludwig đang gặp khó khăn tài chính tại thành phố Aachen, Đức.
Theo nhà phê bình hội hoạ John Russell của tờ The New York Times thì đây là “một trong những bộ sưu tập đầy đủ nhất của một thời kỳ nằm trong tay tư nhân”. Năm 1997, Getty Museum mới khai trương tại Brentwood, Los Angeles, còn bảo tàng ở Malibu đổi tên là Getty Villa được tân tạo và mở cửa lại vào năm 2006.
Cũng vào thời điểm tôi tham quan Getty Museum, bảo tàng cho biết đã mua được bản thảo chép tay Kinh thánh tiếng Hebrew 700 năm tuổi. “Rothschild Pentateuch là bản thảo chép tay tiếng Hebrew thời Trung cổ có giá trị nhất tại Mỹ. Nó là một trong những Kinh thánh tiếng Hebrew quan trọng nhất lịch sử. Đây cũng là một trong những kho báu quý nhất của bộ sưu tập bản thảo cổ nói riêng và Getty Museum nói chung” – ông Timothy Potts, giám đốc Getty Museum nhận định.
- Xem thêm: Những địa danh bí ẩn nhất ở Mỹ
Đầu tháng 7, Getty Museum cho biết nó đã mua được bản thảo Rothschild Pentateuch, một trong những Kinh thánh cổ nhất của người Do Thái còn tồn tại đến hôm nay. Có niên đại 1296, bản thảo là điểm son trong nghệ thuật Do Thái với các bức vẽ thú người lẫn trong thư pháp Hebrew độc đáo.
Từ ngày 7.8.2018 – 3.2.2019. Rothschild Pentateuch được chính thức trưng bày tại Trung tâm Nghệ thuật Getty 3 tôn giáo (Getty Center in Art of Three Faiths): Ngũ kinh (Torah của Do Thái giáo), Kinh thánh (Thiên Chúa giáo) và Qur’an (kinh Koran của Hồi giáo).
Một điều thú vị khác liên quan đến Getty Museum là việc một khách tham quan phát hiện ra con người đã biết dùng laptop trong một bức phù điêu 2.500 tuổi trưng bày ở đây. “Như vậy, nền văn minh cổ đã biết dùng laptop và các công nghệ tiến bộ khác để thông tin” – ông ta đặt câu hỏi sau khi đưa lên mạng video bức phù điêu hiếm này.
Clip ghi lại cảnh một du khách trong khi tham quan bộ sưu tập cổ vật trong bào tàng đã bất ngờ khám phá ra một hình ảnh bất thường mà người thuyết minh của bảo tàng dự đoán đây là “những người bị sửa đổi di truyền”. Sau đó, khách tham quan đi ngang qua một bức phù điêu một phụ nữ với đứa trẻ tay cầm vật gì đó giống như laptop với lỗ cắm USB và điện rất rõ bên cạnh.
Có người xem clip này trên YouTube bị “sốc” và đòi các sử gia phải chỉnh sửa lại sách giáo khoa (!) nhưng cũng có người không bị thuyết phục mà khẳng định đây là chiếc hộp chứa thuốc lá, hoặc một quyển sách hay hộp đựng đồ trang sức. Khu cổ vật của Getty Museum gồm cả bộ sưu tập quí của ngàn năm thứ 6 trước công nguyên.
Những sự kiện khác liên quan đến Getty Museum
Cùng thời điểm tôi tham quan có 2 sự kiện liên quan đến Getty Museum. Sự kiện thứ nhất là Getty từ chối trao lại bức tượng Victorious Youth nổi tiếng. Tháng 7.2018, một toà án tại thành phố Ý Pesaro đã ra phán quyết buộc Getty Museum nên trả lại bức tượng nổi tiếng Victorious Youth về Ý. Đáp lại, Hội J. Paul Getty Trust ra thông báo khẳng định “nước Ý không có quyền pháp lý về văn hoá đối với bức tượng này”.
- Xem thêm: Muôn sắc lễ hội hoa hồng ở Pasadena
Getty dựa vào phán quyết thập niên 1970 cuả hai toà án Ý xác nhận bức tượng này không phải của nước Ý. Nhưng kết luận của toà không thể chấm dứt cuộc tranh luận liên quan đến bức tượng tại Ý và tính hợp pháp của việc bán nó cho Getty. Vụ kiện này cho thấy quyền sở hữu các nghệ phẩm văn hoá vớt được tại những vùng biển quốc tế vẫn còn rất mơ hồ.
Trong khi Getty đồng ý hồi hương về Ý nhiều tác phẩm nghệ thuật trước đó thì Victorious Youth vẫn được giữ lại và là trường hợp ngoại lệ. Victorious Youth còn được gọi là Tượng đồng Getty (Getty Bronze) như một cách để Getty khẳng định quyền sở hữu của nó hay Fano Bronze (tên gọi của phía Ý).
Được biết đến nhiều trong thế giới nghệ thuật và khảo cổ, bức tượng mô tả sự dũng mãnh của một lực sĩ trẻ thời kỳ Hellenistic từ những năm 300-100 trước Công nguyên. Nó có giá trị ở chỗ nó tạo thành bằng kỹ thuật khuân sáp rất ít được sử dụng để đúc tượng đồng lớn cỡ người thật.
Dù tại Hy Lạp vào hai giai đoạn Classical và Hellenistic tượng đúc đồng là bình thường nhưng nhiều bức tượng cổ đã bị nấu chảy hay tái chế lại sau đó. Những bức tượng đồng như Riace Bronzes (460-450 trước Công nguyên) tìm thấy ngoài khơi nước Ý năm 1972 hay Boxer at Rest (323-31 trước Công nguyên) tìm thấy chôn dưới đất tại Rome vào cuối thế kỷ 19 là hiếm hoi và hiện trưng bày trong các bảo tàng Ý.
Rất ít tượng đồng thời kỳ này thuộc quyền sở hữu của nước Mỹ nên Victorious Youth trưng bày tại Getty Museum có sức hút đặc biệt đối với cả du khách lẫn các nhà nghiên cứu. Theo phán quyết mới của toà án cấp thấp, Getty Museum phải kháng cáo lần thứ 3 lên toà án Ý (hai lần trước Getty kháng cáo thành công phán quyết của các toà án cấp cao hơn) về quyền sở hữu bức tượng.
Sự kiện thứ 2: Getty Museum vừa khánh thành cuộc trưng bày 100 năm nhiếp ảnh thời trang (Icons of Style: A Century of Fashion Photography, 1911-2011) với hơn 180 bức ảnh, trang phục và bản vẽ thiết kế. Do Paul Martineau, giám đốc hình ảnh của Getty Museum chủ trì, cuộc trưng bày biên niên sử lại sự tiến hoá của nhiếp ảnh thời trang với những bức ảnh lấy từ bộ sưu tập của những “người khổng lồ” nhiếp ảnh như Richard Avedon, Peter Lindbergh, Helmut Newton và Herb Ritts.
Một mục đích khác của cuộc trưng bày là nói về sự đan xen giữa thời trang, lịch sử và nhiếp ảnh thông qua cái cách mà thế giới thời trang và nhiếp ảnh tương tác với nhau trong suốt 100 năm qua, bắt đầu bằng những bức ảnh chụp vào thời kỳ Đại suy thoái (Great Depression) đến những bức ảnh đương đại.
Khách tham quan được trải nghiệm thú vị đóng góp của nhiếp ảnh qua nhiều thời kỳ, từ sự đơn giản của trang phục thời Thế chiến thứ hai đến sự hào nhoáng của “Thời đại vàng Hollywood” 1950; từ thời trang lập dị của cuộc cách mạng hippy thập niên 1960 đến sự phổ biến của trang phục may sẵn từ thập niên 1970 của các công ty như Anne Klein, Halston, Yves Saint Laurent; từ thời trang cao cấp với sự xuất hiện của các siêu mẫu như Naomi Campbell, Cindy Crawford, Tatjana Patitz, Stephanie Seymour và Christy Turlington vào thập niên 1980 đến sự lên ngôi của siêu mẫu Kate Moss và những người mẫu siêu gầy của thập niên 1990. Cuộc trưng bày sẽ kết thúc vào ngày 21.10.