Đến với vùng đất cao nguyên xinh đẹp Lâm Đồng vốn nổi tiếng với khí hậu ôn hòa, mát mẻ du khách không chỉ bị quyến rũ bởi cảnh sắc ngàn hoa mà còn bị hấp dẫn bởi những nương trà, café xanh bát ngát cùng với những món ăn, các loại trái cây mang hương vị đặc trưng của xứ sở cao nguyên. Trong đó, có loài trái cây giải khát với hương vị quyến rũ, làm lưu luyến lòng người đó chính là chanh dây.
Ngược dòng lịch sử, chanh dây là loại dây leo có nguồn gốc từ Brazil, được di thực sang Úc và châu Âu thế kỷ thứ XIX và có lẽ theo chân người Pháp đến vùng cao nguyên Lâm Viên khoảng đầu thế kỷ XX. Hiện nay, chanh dây được trồng rải rác trên toàn tỉnh Lâm Đồng như: Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà… Chính yếu tố khí hậu mát mẻ với nhiệt độ bình quân 18 – 20oC, cao độ trung bình từ 800 – 1.000m, đã làm cho “kẻ ngoại đạo” này có khả năng ra hoa và đậu quả quanh năm, cho năng suất rất cao.
Chính sự ưu ái đặc biệt đó, người ta dùng nhiều mỹ từ để gọi tên chanh dây như: lạc tiên, cây mác mác, bách hương quả, chanh sôđa, trái mê ly… nhưng người dân nơi đây vẫn thường gọi nó bằng một cái tên dân dã là trái mác mác. Đây là loại cây dây leo trái tròn, lớn gấp đôi trái pinh-pông, vỏ màu xanh khi chín màu vàng lợt, ruột trái có vị chua thanh hơi giống chanh nên có tên gọi là “chanh dây”. Dọc trên con đường quốc lộ 20 từ trung tâm thị xã Bảo Lộc đến Đức Trọng vào sâu khoảng 10km, ngoài chè, cà phê, dâu tằm, sầu riêng… là những loại cây nổi tiếng nơi đây, du khách cũng có thể dễ dàng thấy những giàn chanh dây xanh mát kĩu kịt quả, trông như những quả châu xanh, tím xinh xắn treo cây thông Noel.
Vùng đất cao nguyên này, người dân sống chủ yếu bằng nghề nông, trồng chè, cà phê, sầu riêng… chanh dây là loại cây dễ trồng, không kén đất, lại không cần đầu tư vốn, chăm sóc nên rất phổ biến nơi đây. Người ta thường trồng xen canh với trà, café… và trồng với khoảng đất trống nào có thể tận dụng được. Nếu muốn cho chanh dây ra hoa và trái nhiều thì đừng nên kết hợp làm giàn che bóng mát nên chanh dây ra ít hoa hoặc không ra hoa do các cành quả đan chen nhau cạnh tranh về ánh sáng. Tốt hơn, với những trụ cột được đúc xi-măng sẵn, người ta mắc dây kẽm tạo thành những giàn chữ T có diện tích khoảng 25m2 để cho chanh dây bò lên và rũ xuống hai bên giàn. Chanh dây ra hoa ở các mắt đầu cành thứ cấp nằm ngoài mặt tán, sau mỗi đợt thu hái và tỉa cắt, muốn cho chanh dây nhanh chóng hồi phục và bù đắp dinh dưỡng đảm bảo cho một đợt ra cành và hoa mới thì phải có chế độ chăm sóc thường xuyên như làm cỏ, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh, cần bón thêm phân, nhất là đạm, kali cho cây.
Chanh dây thu hoạch được khoảng từ ba tháng sau khi trồng và cho trái suốt quanh năm. Năng suất trung bình của các hộ trồng chuyên đạt 45-50 tấn/ha, nếu chăm sóc tốt có thể đạt tới 80-100 tấn quả tươi/ha. Theo người dân tại vùng đất này, chu trình kinh tế của chanh dây tại vùng đất này là ba năm, thu hoạch trong hai vụ, mỗi vụ kéo dài 18 tháng.
Chanh dây có quả tròn, chín có màu vàng hoặc tím sậm, nhân có chứa nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin C, hương vị lại thơm mát, quyến rũ nên thường dùng làm trái cây giải khát, thực phẩm hương liệu. Đến mùa thu hoạch, người ta hái trái chín rồi thuê các em nhỏ người dân tộc trong xã cạo phần nhân bên trong. Mỗi thùng nhân khoảng 4 lít được trả công 10.000 đồng. Từ đây người ta bán cho các nơi thu mua, sản xuất chanh dây. Với các con thương từ duyên hải miền Trung lên mua có giá từ 5.000-7.000 đồng/kg. Chanh dây vốn có thời gian đầu tư ngắn và thu hồi hiệu quả kinh tế nhanh.
Theo chú Năm, một nông dân ở xã Hòa Nam, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Gia đình tui có khoảng 6 sào đất trồng chanh dây, trồng từ cuối năm 2007, sau vài tháng tui đã thu được vốn và lãi gần 40 triệu đồng, hiện tại cứ 4-5 ngày tui hái một lần bán cho con buôn với giá từ 3.000-4.000 đồng/kg, tui thu cũng được gần 4 triệu”. Bên cạnh cây trà, café thì chanh dây góp phần cải thiện kinh tế, tăng thu nhập cho người dân tại xã này. Vốn dĩ vùng đấy này rất cằn cỗi, chanh dây đã góp phần phủ xanh đất trống như một tín hiệu đáng mừng cho người nông dân ở xã Hòa Nam.
Chanh dây từ lâu vốn đã trở thành một thức uống quen thuộc được ưa thích, chỉ cần ta bổ đôi trái, nạo phần nhân, pha với đường và một ít đá, thế là ta đã có một ly giải khát mát lạnh trong những buổi trưa oi ả nhất là trong tình trạng khí hậu nóng dần lên như hiện nay. Ngoài ra, chanh dây còn có thể kết hợp với nhiều loại trái khác: pha với nước ép cam, chanh, nước mía, khóm… để cho ra một loại thức uống bổ dưỡng mới, vừa lạ, vừa quen, và hương thơm quyến rũ đến tê cả đầu lưỡi làm người ta nhớ mãi. Người dân nơi đây còn lấy chanh dây bỏ hạt, pha với nhiều đường, đem đun sôi, để nguội rồi bỏ trong lọ như một loại sirô đơn giản, dùng được rất lâu, để rồi trong những buổi trưa nóng bức khi đi rẫy về, hay khách đến nhà lại đem ra như một thức uống tuyệt hảo.
Bên cạnh tác dụng chanh dây làm trái cây giải khát, nó còn là một loại dược liệu quý giá. Với hàm lượng dinh dưỡng cao cung cấp năng lượng cho cơ thể, ngừa bệnh tim mạch, giảm các triệu chứng hen suyễn, đặc biệt làm giảm các tế bào gây ung thư. Còn ngọn non có thể luộc hay nước lá nấu lên có tác dụng an thần trị mất ngủ. Cùi thì giống tinh dầu vanilla hoặc sirô lựu, nên bạn có thể dùng nó làm gia vị khi nướng hay pha lẫn cùng các món cocktail.
Ngoài ra, chiết xuất từ chanh dây còn có hiệu quả trong việc tiêu diệt tế bào ung thư. Các dưỡng chất carotenoid và polyphenol dồi dào trong chanh dây là chất chống oxy hóa mạnh mẽ có thể ức chế sự tăng trưởng của các tế bào ung thư.
Chanh dây cũng thường được sử dụng để chữa trị các vấn đề tiêu hóa và các bệnh liên quan đến dạ dày. Hàm lượng chất xơ trong chanh dây rất tốt cho sức khỏe tiêu hóa. Nó hoạt động như một loại thuốc nhuận tràng nhẹ, giữ cho đường tiêu hóa luôn sạch sẽ.
Tác dụng giữ ẩm và làm sạch da của chanh dây giúp nuôi dưỡng tất cả các loại da, đặc biệt là da bị mụn, chống lão hóa da và chống viêm da hết sức hiệu quả. Chanh dây đặc biệt có lợi cho người bị mất ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ.
Tồn tại giữa xứ sở cao nguyên giữa muôn ngàn café và trà. Chanh dây ngày càng khẳng định được sức sống và giá trị của mình, giống như những con người nơi đây. Hãy thử thưởng thức và cảm nhận hương thơm quyến rũ đến từ “kẻ ngoại đạo” dân dã này, biết đâu nó lại trở thành một “người bạn thân thiết” của bạn thì sao?!
- Xem thêm: