Hơn hai năm trở lại đây, khái niệm bất động sản (BĐS) ven sông đang trở nên quen thuộc tại Việt Nam. Hầu như ở mọi nơi trên thế giới, dòng sông luôn đóng vai trò như một nguồn sinh lực tự nhiên, mang lại những giá trị văn hóa và tinh thần cho con người. Đặc biệt, khi không gian sống gần gũi với thiên nhiên ngày càng khan hiếm, BĐS ven sông càng được ưa chuộng hơn.
Mặt bằng giá mới đã được thiết lập
Sau TP. Hồ Chí Minh, hiện nay BĐS ven sông ở các tỉnh lân cận cũng đang thu hút mạnh nhà đầu tư mua đất làm nhà vườn sinh thái. Sôi động bậc nhất phải kể đến Đồng Nai, trong vòng hơn hai năm, giá đất các khu vực ven sông đã tăng gấp 2-3 lần. Nếu vài năm trước, những khu vực ven sông thuộc Long Thành, Nhơn Trạch mới được quan tâm nhiều thì gần đây, các huyện Vĩnh Cửu, Tân Phú, Định Quán cũng đang rất hấp dẫn các nhà đầu tư do giá còn rẻ và kết nối giao thông có nhiều cải thiện.
Hơn hai năm trước, đất đai thuộc những khu vực ven sông thuộc các xã Bình Hòa, Tân Bình, Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu) có giá 700 triệu đồng – 1 tỉ đồng/sào (1.000m2). Năm 2018, giá đã tăng lên 2-3 tỉ đồng/sào. Hiện “sốt” đất đã qua, nhưng giá đất ven sông vẫn giữ nguyên không giảm. Ở các vùng khác, đất gần sông cũng tăng gấp 2-3 lần. Một người dân ấp 3, xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu cho biết: “Năm 2016, đất ven sông ở khu vực Tân An chỉ khoảng 200-220 triệu đồng/sào, nhưng từ năm 2017 đến nay đất khu vực này đã tăng lên 1 tỉ đồng/sào, gấp 4-5 lần.
Đất khu vực gần sông có đường lớn ôtô vào đến nơi đắt hàng đến nỗi hễ có người bán là có người mua ngay. Hầu hết là người ở TP. Hồ Chí Minh, TP. Biên Hòa đến mua để lập nhà vườn”. Do đó, “cò” đất hiện nay thường “săn lùng” những hộ dân ven sông và hỏi mua đất với giá cao theo đặt hàng của các “đại gia”. Khi gặp mảnh đất ưng ý, họ có thể chi thêm hàng trăm triệu đồng để mua.
Tại huyện Định Quán, mấy năm trước đất đai khu vực gần hồ Trị An, sông La Ngà thuộc địa bàn các xã La Ngà, Túc Trưng, Suối Nho… có đường lớn đi qua giá chỉ từ 600-700 triệu đồng/hécta và rất khó kiếm người mua. Nhưng gần ba năm nay, nhiều người từ TP. Hồ Chí Minh hay Biên Hòa về lùng đất lập trang trại, giá tăng lên 1,6-2 tỉ đồng/hécta. Vì thế, dù “bong bóng” BĐS đã xẹp dần từ cuối năm trước nhưng đất vùng ven sông, hồ tại Đồng Nai vẫn khá “nóng” và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tại xã Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú), đất ven sông Đồng Nai dọc theo đường vào Vườn quốc gia Cát Tiên trước chỉ 500-600 triệu đồng/hécta, giờ lên đến 2 tỉ đồng/hécta nhưng cũng khó tìm được người muốn bán. Trong khi đó, những khu vực đất cách xa sông, giá bán cũng chỉ vài trăm triệu đồng/hécta. Khảo sát tại các khu vực xã Tà Lài, xã Phú Thịnh…, đất gần sông và có đường lớn đi qua giá cũng đã tăng lên từ 1,5-2 tỉ đồng/hécta.
Kênh đầu tư mới có an toàn?
Từ khi đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây hoàn thành, thời gian di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh về các huyện Định Quán, Tân Phú chỉ khoảng 2,5-3 giờ. Theo đó, nhiều người đã tìm mua đất ven sông, ven hồ xây dựng nhà vườn để cuối tuần đưa gia đình về nghỉ dưỡng. Làn sóng này không quá ồn ào nhưng đủ để đẩy BĐS ven sông, hồ ở Đồng Nai trở thành kênh đầu tư sinh lời khá tốt. Một nhà đầu tư ở TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Hơn ba năm trước, tôi đi Vườn quốc gia Cát Tiên chơi. Thấy gần rừng phong cảnh đẹp, không khí trong lành, đất gần sông chỉ vài trăm triệu đồng/hécta. Tôi đã bỏ ra hơn 2 tỉ đồng mua 4 hécta tại xã Tà Lài, thuê người trồng cây ăn trái và làm ngôi nhà nhỏ, cuối tuần cùng gia đình về nghỉ ngơi. Dần dần thấy một số người quen cũng có sở thích giống mình, tôi mạnh dạn tìm mua đất ven sông, hồ tại các huyện Tân Phú, Định Quán, sau đó trồng cây ăn trái rồi bán lại với giá từ gấp rưỡi đến gấp đôi”.
Bà Trần Thị Kim Nhung (thị trấn Trảng Bom) cũng có cách làm tương tự. Từ vài năm trước, nhận thấy nhiều người quen biết ở thành thị khi nghỉ hưu thích có căn nhà vườn ở khu vực nông thôn gần sông, suối để tĩnh dưỡng, bà đã tìm mua đất ven sông hồ và tìm khách bán lại. Với những thửa đất đẹp, bà Kim Nhung dễ dàng lời 200-300 triệu đồng chỉ trong vòng sáu tháng đến một năm. Gần đây, không chỉ người nghỉ hưu mà ngay cả những người trẻ cũng muốn có căn nhà vườn gần sông, hồ để hưởng không khí trong lành vào dịp cuối tuần nên BĐS ven sông, hồ ngày càng có giá.
Theo bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Savills Hà Nội thì người Việt vốn quan niệm nếu ngôi nhà mình ở nhìn ra mặt nước thì sẽ hợp phong thủy, mang lại may mắn, tài lộc. Ngoài ra, môi trường thành phố bức bối, ngột ngạt nên người dân sẽ có xu hướng mua nhà gần sông, gần mặt nước. Đây vẫn sẽ là xu hướng của thị trường BĐS thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra với tốc độ cao. Không chỉ riêng Việt Nam, ở các thành phố lớn trên thế giới, BĐS ven sông cũng được xem là món hàng giá trị lớn.
Một quy luật bất thành văn tại các đô thị là giá BĐS tại các khu vực bờ sông luôn cao hơn so với những vùng lân cận. Loại hình BĐS này luôn có sức hút nhất định với các đơn vị phát triển BĐS, đặc biệt là với khách mua nhà. Để sở hữu một căn nhà nhìn ra sông, hay thậm chí chỉ cần gần sông, người mua sẽ phải chi thêm khoảng 15 – 30% giá tiền so với các khu vực lân cận, thậm chí có nhiều trường hợp phải trả gấp đôi.