Con người hiện tại xem ra rất mâu thuẫn: tay cầm máy tính bảng, sử dụng iPhone, máy tính xách tay, có khi chỉ để dùng đọc giải trí (thì cũng được đi, vì đó là nhu cầu chính đáng) nhưng lại tin sái cổ những chuyện bói toán, hướng dẫn cúng sao giải hạn.
Tìm thông tin trên mạng nhanh như chớp: năm sinh nào, sao gì. Nghe bị sao Thái Bạch, La Hầu… thì sợ lắm, không cần biết cái hạn ấy có cơ sở khoa học gì hay không.
Bây giờ đi lễ chùa, cúng bái, lễ hội có ở khắp nơi, người ta giẫm đạp lên nhau để dâng lễ. Không lẽ “cả nước” đã làm sai, thế nên chẳng ai phê phán được chuyện người ta cúng lễ, giải hạn, xem sao… Các cô gái model tân kỳ lại càng dùng các máy móc hiện đại để thực hiện sự mê tín.
Bà xã tôi nói: “Anh hiểu chữ mê tín cạn hẹp quá. Niềm tin u mê đâu phải chỉ ở lĩnh vực cầu lạy thánh thần, mà còn ở nhiều lĩnh vực khác”. Rồi cô ấy kể ra nào là một thời thi nhau gửi tiền lãi suất cao phi lý “Nước hoa Thanh Hương” hoặc gửi tiền vào chỗ ông giám đốc mù Huỳnh Là, chắc cũng chưa ai quên vố đau. Nhưng “xã hội không có trí nhớ” lại mau quên bài học quá khứ, tiếp tục lao vào các u mê khác “một thời mua bán đất, một thời lướt sóng vàng, chứng khoán, bao kẻ sập tiệm”.
- Xem thêm: Niềm vui… chết người
Nhưng đó là quy luật rồi. Hễ ở đâu có lợi nhuận thì ở đó kêu gọi lòng u mê. Nếu đó là “quy luật của muôn đời” về lòng tham thì không nói làm gì, bởi rất khó tránh. Còn những u mê mới mà phụ nữ đang mắc phải mới đáng nói. Quá tin tưởng vào vật chất, vào hình thức chẳng hạn.
Ngay trẻ con trên thế giới có đứa còn phát biểu: “Nếu bạn không đẹp sẽ không có ai chơi với bạn”. Nghe có vẻ kỳ, có người cười ồ. Nhưng mà đứa bé đó nói lên sự thật. Có một thế giới chuộng hình thức, ảnh hưởng cả đến chuyện làm ăn. Bàn chuyện ký kết hợp đồng nếu không có xe sang nhà đẹp làm “con tin” thì chẳng ai tin.
Bởi ngay các mối quan hệ xã hội cũng dựa trên sự bất tín, mong manh, đòi phải có bảo chứng, vật bảo đảm. “Nếu anh ta làm ăn không ra gì thì có nhà, có tài sản mà siết nợ”, “Ông ta chắc phải tài ba hoặc thế lực ghê lắm nên mới có nhiều của cải”, “Cô kia ăn mặc sành điệu chứng tỏ có đẳng cấp”… Thế nên thiên hạ mới khoe giàu.
Người ta cười những ai khoe giàu không phải vì ác cảm với sự giàu có, mà là cười cái trạng thái u mê tôn sùng khoe khoang vật chất thái quá. Trong khi đó, nhiều tỉ phú trên thế giới đang thành lập một hội gọi là “Cho đi” (Giving Pledge) – có những người cho đến gần hết gia tài, để phụng sự xã hội, riêng một tỉ phú đã cứu 6 triệu người khỏi chết đói.
Niềm hạnh phúc của những tỉ phú này là như vậy. Có người nghe chuyện, nói rằng: “Vì họ có quá nhiều tiền, phải tìm cách tiêu đi. Khi nào tôi giàu được như họ mới hay! Bây giờ tôi chưa giàu”. Nhưng nếu ta thử nghĩ so sánh sự đánh đổi giữa số vàng cướp được với cuộc đời nằm chờ án tử hình của một kẻ cướp trẻ tuổi thì sẽ thấy ngay nên chọn cái gì.
Không hiểu sao vợ chồng tôi hôm nay lại hay lý sự như vậy. Cô ấy cũng phê phán sự u mê, rồi có lúc lại bênh vực cho u mê. “Thật ra, em chỉ lý giải nguyên nhân, thì anh lại cho là em bênh vực”. Tôi nói: “Em không biết sao, các nhà triết học nói khi càng lớn tuổi, người ta càng lo sợ. Lúc trẻ chẳng sợ ai, lúc già lại tin thần thánh. Là vì già rồi không còn sức mạnh đi ngược lại xã hội, sống theo ý mình như trước nữa. Và họ cho rằng mình đã thoát khỏi u mê của thời trẻ, trong khi thật ra đang bước vào u mê của tuổi yếu ớt”.
- Xem thêm: Cuồng… thuốc
Cô ấy cười phá lên: “Vậy là anh già rồi phải không? Là vì ngày xưa anh ăn mặc bụi bặm, ôm guitar thùng, đi vào cả những xóm miền núi xa xôi, đi cả trong bóng tối, qua thác vượt ghềnh. Nay bỗng đầu chải mượt, áo bỏ vào quần ngồi trong văn phòng… Trông anh có vẻ… ngoan!”.
Cô ấy giễu người u mê, mê tín, rồi lại cười người hết niềm tin, trở nên tỉnh táo. Phải chăng đó cũng là các bước phát triển mà đời người ai cũng phải đi qua?