Bất cứ ai trong cuộc đời đều có những năm tháng khó khăn. Họa vô đơn chí, có người vừa qua chuyện bất an này, chuyện bất ổn khác ập đến – không kịp trở tay. Có khi hai, ba cái nạn đến cùng lúc. Sức người có hạn, gục ngã là chuyện có thật. Bệnh hoạn, thất nghiệp, người thân ra đi, vỡ nợ, thị phi, vận rủi đến liên tiếp… là những chuyện hoàn toàn có thể xảy ra với bất cứ ai, thời điểm nào trong cuộc đời.
Nhóm bạn nữ thời phổ thông qua tuổi nghỉ hưu vài năm thỉnh thoảng gặp nhau cà phê. Chuyện nay đan xen chuyện xưa. Cái thời gia đình vướng lý lịch, không vào đại học phải ra chợ buôn bán, trước hết kiếm tiền đỡ đần cha mẹ, thứ nữa không phải trải qua thời gian ăn không ngồi rồi, đếm nỗi buồn theo ngày tháng.
Mười tám tuổi, cô tiểu thơ bước xuống chợ đời cái gì cũng lạ lẫm, ngơ ngác. Âm thanh va chạm mạnh, một câu cãi nhau cũng khiến giật mình, nghĩ khó trụ được, vậy mà ngày tháng dần trôi, rồi lập gia đình, sinh con, nuôi con học hành cũng từ cái sạp hàng đó. Chắt chiu từng đồng bạc lẻ, mười xu đổi lấy một hào. Con học mẫu giáo, trung học rồi đại học. Khi đứa cuối cùng có việc làm, mẹ tạm biệt chợ về nhà trông cháu.
Thảnh thơi hơn ngày xưa nhiều nhưng lại nhớ chợ, nhớ bạn hàng, âm thanh chợ… mà hồi tuổi đôi mươi cứ phải bịt tai, gồng lên, không được nhỏ một giọt nước mắt nào vì phía sau còn một bầy em ăn học. Mình chỉ vậy, nhưng em út phải học cao hơn. Mà, đâu phải cứ sáng ra chợ, chiều về, ngồi ky cóp tiền bạc, số trả bạn hàng, số chi tiêu? Bố mẹ bệnh, em bị tai nạn, nhà dột cần sửa chữa… Những năm tháng khó khăn một đời người kể sao cho hết!
Bạn khác nhớ lại, tốt nghiệp cao đẳng được phân công về nơi hẻo lánh cách xa nhà hơn trăm cây số. Chiều thứ Bảy lật đật về thăm nhà rồi chiều Chủ nhật vội vã đi. Mấy năm chịu đời không nổi với đồng lương còi cọc, không đủ tiền xe. Thương học trò cách mấy cũng đành nói lời chia tay. Mùa phượng ấy thấm đậm nỗi buồn bởi chính thức từ đây giã từ bảng đen phấn trắng. Về thành phố, cô giáo lơ ngơ không biết làm gì.
Bạn kéo tay vô nhà bạn học làm bánh bò bán chợ. “Ra nghề”, xửng bánh bò đầu tiên mang ra ngồi đầu chợ, cô giáo đội cái nón, cúi gằm mặt vì sợ ai đó nhận ra. Thời gian dần trôi, biết ngẩng đầu với đồng tiền lương thiện kiếm được là lúc nhận ra đôi mắt một người con trai ngày nào cũng ngang qua nhìn say đắm. Khó khăn giờ là chuyện nhỏ khi đôi vai có nơi để tựa những lúc mỏi mệt.
Cưới nhau chưa được bao lâu, phát hiện chồng bị bệnh nan y trong lúc con còn quá nhỏ. Buôn bán, thuốc thang cho chồng, nuôi con lớn lên. Nghĩ lại, người mẹ ấy không hiểu làm thế nào vượt qua với vóc người gầy tong, chưa đến 40 ký mà ngày nào cũng dậy từ tờ mờ sáng đến tối khuya mới chợp mắt một chút thì lại nghe tiếng đồng hồ báo ngày mới.
- Xem thêm: Ngày nào cũng luôn cố gắng!
Chỉ là một, hai cảnh đời trong hàng tỉ cảnh đời trong cõi ta bà này. Để thấy, sức người không phải có hạn mà như vô tận khi gặp tình huống cần vượt qua. Có gia đình sinh con không như người bình thường. Chồng không chịu nổi áp lực bỏ đi, vợ lãnh hết. Càng thương con phải chịu cuộc đời hẩm hiu, người mẹ càng phải cố gắng. Cắn răng, chịu đau, không than van. Mục đích duy nhất làm sao cho con có cuộc sống ổn nhất có thể. Khó khăn nào cũng vượt qua.
Để thấy, trải qua những năm tháng khó khăn luôn khiến con người mạnh mẽ hơn, suy nghĩ thấu đáo và biết chấp nhận từ đó cải thiện cuộc sống. Con người phải tự động viên, bỏ cuộc là thất bại. Chưa thử hết sức thì chưa nói lên được điều gì. Mỗi người một phần số. Tận nhân lực, tri thiên mệnh. Để rồi khi mọi thứ qua đi, kết thúc có hậu, nghĩ về những năm tháng khó khăn luôn là kỷ niệm. Kể lại cho con nghe về ngày tháng tưởng chừng như không thể vượt qua ấy là bài học dạy con biết chuẩn bị tinh thần. Ai cũng có giai đoạn khó khăn.
Và nhớ, việc gì rồi cũng sẽ qua!