Trong lịch sử nhân loại, có lẽ rất hiếm những sự kiện thảm khốc như cuộc thảm sát 6 triệu người Do Thái của Đức Quốc xã. Nhưng ẩn giấu trong nỗi kinh hoàng là sự kháng cự kiên cường và không khuất phục nghịch cảnh của những đôi lứa yêu nhau. Thật thú vị khi biết rằng tình yêu vẫn có thể đâm chồi và phát triển ngay cả trong những hoàn cảnh tồi tệ nhất.
1. Chuyện tình của Jerzy Bielecki và Cyla Cybulska
Cyla Cybulska, một thiếu nữ Do Thái, đã bị đưa đến trại tập trung Auschwitz cùng với cha mẹ và anh chị em vào năm 1943. Cô là thành viên duy nhất trong gia đình còn sống, và cô nợ mạng sống của mình với một người tên là Jerzy Bielecki. Jerzy đã ở trong trại 3 năm trước khi Cyla đến đây. Ông là một người Công giáo bị cầm tù vì đã giúp đỡ quân kháng chiến Ba Lan.
Jerzy nhìn thấy Cyla lần đầu khi ông đang làm việc trong một kho chứa ngũ cốc; còn Cyla được phân công may lại các bao tải bị rách. Họ lén lút nói vài câu với nhau khi điều kiện cho phép và họ đã sớm phải lòng nhau. Jerzy quyết tâm sẽ tìm cách đưa Cyla ra khỏi trại.
Ông đã mất 8 tháng để may bộ đồng phục bảo vệ bằng số vải mà một bạn tù lấy cắp từ một nhà kho. Ông cũng trộm được giấy phép và làm giả lệnh đưa một tù nhân đến làm việc tại một trang trại gần đó. Vào ngày 21 tháng 7 năm 1944, Jerzy đón Cyla từ khu trại của cô và họ đi ra khỏi cổng. Họ đã đi liên tục trong suốt 10 ngày và tìm đến ẩn náu tại nhà một người thân của Jerzy. Jerzy sau đó gia nhập lực lượng kháng chiến Ba Lan. Nhờ sự giúp đỡ của các liên lạc viên, ông tìm được một nơi an toàn cho Cyla ẩn náu. Jerzy sau đó lao vào cuộc chiến mà không biết rằng ông chỉ gặp lại Cyla gần 40 năm sau.
Bằng cách nào đó, cả hai người đều tin rằng người kia đã chết. Sau chiến tranh, Cyla chuyển đến Brooklyn và kết hôn, trong khi Jerzy có một gia đình ở Ba Lan. Năm 1983, Cyla kể lại câu chuyện của cô cho người lau dọn nhà. Người này đã từng nghe cái tên Jerzy và cho biết đã nghe thấy một người kể câu chuyện tương tự trên truyền hình Ba Lan. Jerzy vẫn còn sống!
Cyla đã tìm được số điện thoại của Jerzy và gặp lại ông vài tuần sau đó. Khi bà đến sân bay Krakow, Jerzy đã đợi sẵn và tặng cho bà 39 bông hồng, mỗi bông hồng tượng trưng cho một năm kể từ khi họ gặp nhau lần cuối. Họ trở thành bạn tốt của nhau; và mặc dù sống ở các châu lục khác nhau, họ đã gặp nhau 15 lần trước khi Cyla qua đời vào năm 2005.
2. Chuyện tình của Manya và Meyer Korenblit
Câu chuyện về Manya và Meyer Korenblit được con trai họ miêu tả như là một phép mầu. Thời điểm họ yêu nhau cũng là lúc Đức Quốc xã bắt đầu vây bắt dân Do Thái ở thị trấn Hrubieszow của Ba Lan. Lúc đầu, họ bị giam lỏng trong khu phố dành cho người Do Thái, nhưng sau đó họ bị đưa đến một trại tập trung. Vào cuối cuộc chiến tranh, 98% dân Do Thái của thị trấn đã bị Đức Quốc xã giết hại.
Họ cùng bị đưa đến trại Budzyn. Meyer tìm cách lẻn đến hàng rào ngăn cách giữa nam và nữ để nói chuyện với Manya, và ở đó họ đã trao cho nhau lời hẹn ước. Khi mọi việc kết thúc, nếu cả hai đều sống sót, họ sẽ quay về thị trấn Hrubieszow để chờ tin nhau. Meyer và Manya đã bị tách ra ngay sau đó và trải qua 3 năm tiếp theo trong 11 trại tập trung khác nhau.
Khi được tự do, cả hai người cộng lại chỉ nặng 64 kg, còn ít hơn trọng lượng trung bình của một người châu Âu. Meyer đã trốn thoát khỏi trại tập trung Dachau và ẩn nấp ở một trang trại trước khi người Mỹ tìm thấy anh. Manya là người đầu tiên trở lại Hrubieszow. Cô phải chờ đợi trong 6 tuần lễ mà không biết số phận của Meyer ra sao, nhưng cuối cùng anh đã xuất hiện trước mặt cô.
3. John Rothchild đánh cược mạng sống để cứu vị hôn thê của mình
John Rothschild, một người Thụy Sĩ gốc Do Thái, đã gặp người vợ tương lai của ông, Renee, vào năm 1939. Bà là người Đức, nhưng sống ở Pháp từ khi Đức Quốc xã nắm quyền vào năm 1933. Bà phải rời khỏi căn nhà ở Strasbourg khi chính quyền Pháp sơ tán thành phố để chuẩn bị đối phó với hiểm họa xâm lược của Đức Quốc xã. Renee quen với gia đình John và họ đã mời bà đến ở nông trại của họ tại thị trấn Saumur của Pháp. John và Renee cùng 19 tuổi, họ yêu nhau và đã đính hôn sau ba tuần gặp mặt.
Thế giới của họ bị chia cắt trong vài năm sau đó. John trở về Thụy Sĩ để thực hiện nghĩa vụ quân sự, còn Renee tìm được việc làm ở một nơi khác tại Pháp. Vào tháng 7 năm 1942, toàn bộ gia đình John ở Saumur bị đưa đến Auschwitz. Tháng sau, đến lượt Renee bị cầm tù tại trại giam Drancy.
John chỉ có một cách duy nhất để cứu Renee. Ông từ bỏ sự an toàn của mình ở đất nước Thụy Sĩ trung lập và trở thành một trong số ít người Do Thái dám đi thẳng vào trại tù của Đức Quốc xã. Ông mang theo quà tặng là những hộp xì gà cho người chỉ huy trại và trình ra giấy tờ xác nhận Renee làm việc ở Thụy Sĩ. John rùng mình khi hồi tưởng lại trải nghiệm đáng sợ đó. Ông nói: “Bạn hãy tưởng tượng cảm giác mà tôi đã có khi cánh cổng đóng lại sau lưng. Tôi đã nghĩ là có lẽ mình sẽ bị bắt và trở thành tù nhân ở đó”.
John phải chờ đến 2 ngày, nhưng chỉ huy trại người Pháp cuối cùng đã đồng ý để Renee rời khỏi – mãi đến một năm sau, người Đức mới nắm quyền kiểm soát trực tiếp trại này. John và Renee bây giờ chỉ phải đối mặt với vấn đề nhỏ hơn là trốn khỏi lãnh thổ Đức Quốc xã. Họ đến một thị trấn biên giới và tìm được người có thể dẫn họ vượt qua hàng rào thép gai căng dọc theo biên giới Thụy Sĩ-Pháp. Khi cặp đôi nhếch nhác vì trốn chạy kể lại câu chuyện mà họ đã trải qua cho một nhân viên khách sạn ở Geneva (Thụy Sĩ), họ được khách sạn bố trí một phòng thượng hạng để qua đêm. Họ kết hôn cùng năm và vẫn ở bên nhau trong hơn 70 năm sau đó.
4. David và Perla Szumiraj – tình yêu qua ánh mắt
David Szumiraj cũng như những người Do Thái khác bị đưa đến trại Auschwitz vào cuối năm 1942. Anh được giao chăm sóc cánh đồng khoai tây, nơi anh làm việc gần một phụ nữ trẻ tên là Perla. Hai người không được phép nói chuyện, nhưng khi các lính canh không để ý thì họ lại tiếp xúc với nhau bằng ánh mắt.
Chỉ nhìn thôi cũng đã quá đủ để hình thành tình cảm giữa hai người. Trong một lần họ có cơ hội trò chuyện với nhau, David nói: “Tình yêu đã nảy sinh giữa chúng ta, chúng ta sẽ nên duyên vợ chồng… chúng ta sẽ kết hôn”. Cuộc trò chuyện đầu tiên của họ kết thúc bằng nụ hôn đầu tiên của họ.
Vào tháng 1 năm 1945, với việc Hồng quân Liên Xô ngày càng tiến đến gần hơn, Đức Quốc xã bắt đầu cho di tản các tù nhân. Việc sơ tán tù nhân của trại Auschwitz là một trong những cuộc di tản thảm khốc nhất trong lịch sử – đã giết chết 15.000 người. Sau một tuần lễ không được ăn gì ngoài tuyết, chiếc tàu hỏa chở David bị máy bay Anh tấn công và lật nhào. Chỉ nặng 38kg, David sống sót bằng cách ăn cỏ cho đến khi lính Mỹ tìm thấy anh. Cho đến ngày nay, David vẫn không thể ăn được rau diếp.
David không biết Perla đang ở đâu. Anh đã nhờ một người bạn tìm đến trại tập trung ở Hamburg, nơi giam nhiều phụ nữ – và cô ấy đang ở đó. David biết về thành công của bạn mình là khi Perla nhảy ra từ sau một thân cây và ôm chầm lấy anh, tại bệnh xá nơi David đang điều trị.
Họ kết hôn, có một cô con gái và quyết định chuyển đến Argentina để sống với các người thân còn lại của David. Do không đủ tiền để đóng chi phí nhập cư lên đến 20.000 đô la, họ đã nhập cư lậu vào đất nước này từ cửa ngõ Paraguay. Họ vẫn rất hạnh phúc sau khi kết hôn được 60 năm.
5. Cặp đôi Margrit và Henry “Heinz” Baerman
Trước khi Heinz Baerman qua đời vào năm 2013, ông và vợ mình – Margrit – đã dành phần lớn thời gian để kể lại trải nghiệm của họ về cuộc diệt chủng cho thế hệ trẻ. Họ nói chuyện với trẻ em tại các trường học và nhà bảo tàng, không những về việc họ phải chịu đựng sự đày đọa của Đức Quốc xã ra sao, mà còn về tình yêu đã giúp họ vượt qua thảm họa.
Họ gặp nhau ở Cologne không lâu trước chiến tranh. Heinz khi ấy phải gặm những mẩu thịt vụn dính trên xương, từ đống rác bên ngoài nhà bếp của lính canh để sinh tồn. Khi anh bằng cách nào đó, đi đến hàng rào trại nơi ở của Margrit, cô nói: “Anh ấy trông giống như một bộ xương”. Cô cầu xin người chỉ huy cho Heinz vào để cô có thể chăm sóc anh trong vài ngày. Trước sự ngạc nhiên của cô, viên chỉ huy đồng ý. Tuy nhiên, họ đã sớm bị tách ra.
Khi Margrit được tự do vào năm 1945, cô bị sốt phát ban và chỉ cân nặng 30 kg. Margrit nói chính tình yêu dành cho Heinz đã tiếp thêm sức mạnh để cô vượt qua bệnh tật. Heinz tìm được cô bằng cách gửi thư đến tổ chức Các bô lão Do Thái ở Neustadt, Holstein nhờ họ tìm Margrit và yêu cầu cô ấy liên lạc với anh.
Họ đã di cư đến Chicago sau khi kết hôn và sống hạnh phúc trong 67 năm trước khi Heinz được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy. 3 tuần sau, anh chết thanh thản trong vòng tay người vợ yêu dấu của mình.
6. Olga Watkins và Julius Koreny
Đó là vào năm 1943, khi Olga Watkins 20 tuổi gặp một nhà ngoại giao Hungary tên Julius Koreny ở thành phố quê hương Zagreb, Croatia. Olga cho biết “anh ấy không phải kiểu của tôi, nhưng tình cảm mà chúng tôi dành cho nhau đã tăng lên”. Hai người đã đính hôn sau đó, nhưng Julius bị Đức Quốc xã bắt giam tại Budapest.
Olga không có ý định từ bỏ người đàn ông của đời mình; vì vậy, cô đã thực hiện một chuyến đi dài 340 km để tìm Julius. Cô phải sử dụng tên giả, và vào một thời điểm, chính cô còn bị nhốt trong 2 tuần. Nhưng Olga đã tìm được cách liên lạc với Julius. Một thời gian sau, Julius bị đưa đến Dachau, một trại tập trung ở Đức.
Olga lần theo tung tích của Julius; lần này là 700km chỉ để biết rằng Julius đã bị chuyển đi lần nữa, xa hơn vào bên trong nước Đức phát xít. Cô tìm đến trại tiếp theo ở Ohrdruf vào thời điểm nước Đức đã được giải phóng bởi quân Đồng minh. Vì vậy, khi biết Julius đã bị di chuyển lần thứ ba, hành trình đi tìm vị hôn phu của cô dễ hơn đôi chút. Khi Olga gặp Julius tại một bệnh viện ở Buchenwald, anh rất ngạc nhiên và hỏi một cách hoài nghi: “Ôi Chúa ơi, làm sao mà em tìm được anh?”.
Mặc dù họ đã kết hôn, nhưng chuyện của họ kết thúc không có hậu. Vào năm 1948, Olga quay về Zagreb để thăm gia đình, còn Julius vẫn ở Budapest. Khi “Bức màn sắt” buông xuống, họ bị chia cắt và không thể sống bên nhau. Cả hai sau đó đều tái hôn và không gặp lại nhau cho đến những năm 1980. Cuộc hội ngộ của họ đã khuyến khích Olga viết một cuốn sách về hành trình đi tìm vị hôn phu qua các miền đất châu Âu bị chiến tranh tàn phá mang đậm chất sử thi.
7. Howard và Nancy Kleinberg
Bergen-Belsen là một địa ngục thực sự ngay cả khi nó hội đủ tiêu chuẩn của một trại tập trung. Hàng ngàn xác chết chất thành đống xung quanh trại, và tù nhân bị kiệt quệ bởi bệnh sốt Rickettsia, bệnh thương hàn và bệnh lao. Trại Bergen-Belsen có hơn 38.000 tù nhân khi được quân đội Anh giải phóng, nhưng họ ốm yếu và bệnh tật đến mức chỉ có 10.000 người sống sót.
Howard Klein là một trong số những người đang hấp hối. Sau khi lính canh ra lệnh đẩy anh xuống hố, Howard đã kiệt quệ và nằm im cùng với những xác khác. Một phụ nữ trẻ tên là Nancy nhận ra anh vẫn còn sống giữa các thi thể. Mặc dù những người đi cùng nói rằng Howard không thể sống sót, nhưng trước sự cương quyết của Nancy, họ đã cho anh nằm ở một chiếc giường tầng.
Howard yếu đến mức không thể cử động hay nói chuyện. Nancy chăm sóc Howard suốt một tuần trước khi anh có thể nói chuyện với cô. Cô chăm sóc anh thêm hai tuần nữa và anh biến mất trong khi cô đang đi ăn. Người Anh đã chuyển Howard đến một bệnh viện và Nancy không thể tìm thấy anh. Howard suy nhược đến mức phải mất 6 tháng để hồi phục.
Do một sự trùng hợp ngẫu nhiên, cả Howard và Nancy đều chọn cách di cư đến Toronto. Khi Howard phát hiện ra Nancy đang sống cùng thành phố, anh tìm đến mà không báo trước, đặt một bó hoa ở trước cửa nhà Nancy và không biết phải nói gì. “Có bao nhiêu lần tôi đã có thể nói Cảm ơn vì đã cứu sống anh”, anh nhớ lại. “Tôi thiếu từ ngữ”.
Họ kết hôn sau đó 3 năm và đến năm 2013 họ vẫn còn mạnh khỏe. Trong những năm sống chung, Howard đối xử với vợ mình “như một công chúa”, theo cách nói của Nancy. Nghe có vẻ như là một cách khá tốt để nói lời cảm ơn.
8. Joseph và Rebecca Bau – biểu tượng của tình yêu và hy vọng
Chuyện tình cảm giữa những người Do Thái bị cấm hoàn toàn trong các trại tập trung của Đức Quốc xã. Tuy nhiên, Joseph Bau và Rebecca Tennenbaum không phải là những người dễ dàng nhượng bộ. Trước khi bị cầm tù, Joseph đã sử dụng kỹ năng của mình để làm những tài liệu giả mạo cứu sống hàng trăm sinh mạng. Vào ngày 13 tháng 2 năm 1944, họ làm lễ kết hôn trong trại cưỡng bức lao động nữ Plaszow. Nếu bị phát giác, mọi người hiện diện ở đó sẽ bị giết sạch.
Joseph đã chế tạo nhẫn cưới từ một cái muỗng. Sau đó, anh được Oskar Schindler đưa ra khỏi trại. Lễ cưới của họ sau này được đạo diễn đưa vào trong bộ phim Danh sách của Schindler. Danh sách đó ban đầu có tên Rebecca, nhưng cô đã thay vào tên của Joseph, còn cô bị đưa đến trại Auschwitz và gần như chắc chắn sẽ chết. Thật ngạc nhiên, cô đã sống sót và cặp đôi đã tái hợp sau chiến tranh.
Ngày nay, đám cưới của họ vẫn được tôn vinh như biểu tượng của hy vọng. Sau lễ hội được tổ chức để kỷ niệm ngày cưới lần thứ 70 của họ trong năm 2014, con gái của hai người, Cilia nói: “Theo truyền thống Do Thái, trong thời gian tuyệt vọng nhất, một lễ cưới sẽ được tổ chức tại nghĩa trang, tượng trưng cho mối liên kết giữa người sống và người chết”. Trại Plaszow đã được xây dựng trên một nghĩa trang.
9. Gerda và Kurt Klein
Khi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama trao tặng Gerda Weissmann-Klein Huân chương Tự do Tổng thống vào năm 2010, ông nói: “Cô ấy đã cho thế giới biết rằng chính trong khoảnh khắc tuyệt vọng nhất, chúng ta khám phá ra sức mạnh bản thân và chiều sâu của tình yêu”. Sức mạnh mà Obama nói đến là 60 năm làm việc trong vai trò người chủ xướng và vận động vì nhân quyền. Tình yêu mà Obama đề cập đến chính là thời điểm mà Gerda Weissmann gặp Kurt Klein, người đàn ông mà cô đã chia sẻ cả cuộc đời.
Vào tháng 1 năm 1945, Gerda là một trong số 4.000 phụ nữ Do Thái bị bắt đi đày từ các trại lao động bởi các lính canh SS. Họ đã đi bộ 550 km trong suốt nhiều tháng. Đến tháng 5 năm 1945, chỉ có 120 người còn sống sót. Người bạn thân nhất của Gerda đã chết trong tay cô trên đường đi. Cô đã mất cha mẹ, anh trai cùng với 64 thành viên khác trong gia đình. Những người sống sót cuối cùng nào không còn sức để đi bộ sẽ bị bỏ lại trong một nhà máy cũ. Gerda nằm trong số này và chỉ còn nặng 30kg.
Vào ngày 7 tháng 5, một chiếc xe đến gần nhà máy. Gerda đứng ở ngưỡng cửa khi hai người lính Mỹ bước ra khỏi xe. Kurt Klein, một người Do Thái sống ở Đức và đã trốn sang Mỹ trước chiến tranh, là một trong số họ. “Trong mắt tôi lúc ấy, anh trông giống như Chúa”, Gerda nhớ lại. Khi Kurt hỏi về những người phụ nữ khác, anh gọi họ là “quý bà”, một danh xưng mà Gerda đã không nghe thấy trong hơn 6 năm.
Khi Kurt mở cửa cho cô để họ có thể đi vào bên trong, Gerda cho biết cô cảm thấy “nhân tính, phẩm giá, tự do đã quay trở lại”. Họ kết hôn một năm sau đó ở Paris, có hai cô con gái và cống hiến sức mình để cố gắng làm thế giới trở nên tốt hơn.
10. Cyla và Simon Wiesenthal – chuyện tình như tiểu thuyết
Cyla và Simon Wiesenthal kết hôn vào năm 1936 và sống ở thành phố Lvov của Ba Lan, ngày nay là một phần của Ukraine. Năm 1941, Đức Quốc xã đến và Lvov trở thành khu tập trung người Do Thái của Lemberg. Vào tháng 10 năm 1941, vợ chồng Wiesenthal bị chuyển đến một trại lao động nhỏ, nơi họ làm việc trong suốt một năm. Vào lúc đó, các cuộc thảm sát người Do Thái diễn ra khắp nơi, và họ biết rằng cuộc sống của họ chắc chắn sẽ chấm dứt trong một trại tập trung nào đó.
Simon có mối liên hệ với Armia Krajowa thuộc lực lượng kháng chiến Ba Lan. Ông đã lợi dụng công việc của mình tại cửa hàng đường sắt (của trại lao động) để lấy trộm bản đồ các nút giao cắt đường sắt cho quân kháng chiến để đổi lấy việc cứu vợ ông. Armia Krajowa đã lén đưa Cyla ra khỏi trại vào đầu năm 1943 và đưa cho cô giấy xác nhận tín đồ công giáo giả mạo.
Cyla được bố trí ở một nơi cách khoảng 200km về phía Bắc Lublin. Vào tháng 6 năm 1943, Gestapo bắt đầu vây bắt những phụ nữ đáng ngờ trong thị trấn; vì vậy, Cyla quay lại Lemberg để tìm Simon. Sau khi trốn 2 ngày trong phòng để hành lý của một nhà ga xe lửa, Cyla liên lạc được với chồng. Một lần nữa, Simon sử dụng mối liên lạc kháng chiến của mình, lần này để tìm nơi trú ẩn cho Cyla ở Warsaw (thủ đô Ba Lan).
Năm 1944, Simon cố tự tử. Ông không chết, nhưng khi Armia Krajowa thông báo cho Cyla đã thiếu đi chi tiết quan trọng đó và bà tin rằng ông đã chết. Trong khi đó, Simon được chuyển đến một trại khác và gặp một người từng sống cùng một dãy phố với Cyla ở Warsaw. Ông ta nói với Simon rằng tất cả nhà cửa đã bị quân Đức phá hủy bằng súng phun lửa và không còn ai sống sót. Khi trại của Simon được giải phóng vào tháng 5 năm 1945, ông liên lạc với Hội Chữ thập đỏ và họ xác nhận vợ ông đã chết.
Nhưng Cyla không chết. Cô đã bị bắt ở Warsaw và được đưa đến một trại tập trung. Quân đội Anh đã giải phóng Cyla một tháng trước khi người Mỹ cứu Simon. Mỗi người đều tin rằng người kia đã chết, cho đến khi Cyla gặp được một người quen ở Krakow. Anh ta vô cùng ngạc nhiên khi thấy cô. “Tôi vừa nhận được một lá thư của chồng cô; yêu cầu tôi giúp xác định nơi chôn cất cô”, người bạn giải thích. Không may là họ vẫn còn một vấn đề – Simon ở trong khu vực do quân Mỹ tiếp quản và Cyla ở trong khu vực của Liên Xô.
Simon thuê một người tên là Felix Weissberg để đưa vợ ông qua biên giới. Tuy nhiên, Felix không phải là dân chuyên nghiệp. Anh ta đã hủy các ghi chú về Cyla trước khi đến Krakow, nhưng lại quên mất địa chỉ của cô. Felix phải dán một tin nhắn lên bảng thông báo: “Ai là Cyla Wiesenthal xin liên lạc với Felix Weissberg, người sẽ đưa cô đến gặp chồng cô”.
Khi 3 người phụ nữ tìm đến và tất cả đều nhận họ là Cyla, Felix không thể biết ai đang nói thật. Felix không thể lén đưa cả 3 người qua biên giới; vì vậy, anh phải đoán sau khi phỏng vấn từng người. May mắn thay, anh đã đoán đúng. Hai vợ chồng đã được đoàn tụ, và họ không lãng phí thời gian để bù đắp cho hai năm chia cắt. Con gái của họ được sinh ra 9 tháng sau đó.