Dù có một chút lo lắng về tình hình an ninh trước khi đến với Beirut, thủ đô Lebanon nhưng cuối cùng, thành phố được mệnh danh là “Paris của Trung Đông” vẫn cứ để lại trong tâm trí chúng tôi hình ảnh quyến rũ của những kiến trúc xinh đẹp bên bờ Địa Trung Hải, những cô gái mắt to đen láy hút hồn cùng một nền ẩm thực phong phú, hương vị pha trộn Đông Tây.
Beirut, người đẹp có số phận truân chuyên
Beirut nằm trên một mũi đất nhô ra biển, được những dãy núi cao tới ba ngàn mét bao bọc phía sau. Trời xanh, biển trong và nắng vàng làm thành phố cảng này luôn có vẻ sống động, ấm áp.
Ngoài những cao ốc hiện đại, Beirut chiếm cảm tình của du khách bằng những con đường lát sỏi, những quán cà phê xinh xinh bên đường và những tòa nhà xây bằng sa thạch vàng óng nổi bật giữa bầu trời Địa Trung Hải xanh biếc.
Trên phố, những bóng hồng Lebanon cũng làm nơi này đẹp lên rất nhiều. Phụ nữ Beirut hầu hết đều có làn da màu sứ, đôi mắt to đen láy cùng mái tóc dày, dài óng ả, ăn mặc đẹp và trang điểm rất thu hút. Người dân ở đây vốn được biết đến là có gu thẩm mỹ tinh tế, chẳng thế mà nhiều nhà thiết kế thời trang nổi tiếng thế giới hiện nay là người Lebanon.
Đi qua khu vực tập trung các biệt thự cổ điển hình của Beirut, du khách đều phải trầm trồ trước những mái ngói màu đỏ thắm giữa vườn hoa xinh tươi rực rỡ, những chiếc cửa sổ hình vòm quý phái, những ban công được trang trí công phu. Chúng tôi hơi tiếc nuối khi được Rita – cô bạn người địa phương cho biết rằng nhiều kiến trúc cổ đã biến mất để nhường chỗ cho các tòa nhà cao tầng đang đua nhau mọc lên.
Beirut còn được biết đến nhờ khả năng phục hồi mạnh mẽ sau mỗi lần bị tàn phá. Thành phố này có lịch sử năm ngàn năm hào hùng nhưng lắm thăng trầm, đã trải qua nhiều thời kỳ huy hoàng và cũng nhiều lần bị hủy diệt.
Beirut từng là thuộc địa của đế quốc La Mã và là nơi có một trường luật nổi tiếng cùng nhiều tòa nhà được xây dựng quy mô. Tuy nhiên, hầu hết các công trình ấy đã bị động đất, sóng thần và hỏa hoạn phá hủy vào năm 551.
Sau đó, thành phố hết bị thế lực Hồi giáo Ả Rập chiếm giữ lại rơi vào tay quân Thập tự chinh. Một thời gian dài, Beirut nằm dưới quyền kiểm soát của đế quốc Ottoman rồi đến Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp.
Trong cuộc “Nội chiến Liban (trang chưa được viết)” nội chiến Lebanon (1975-1990), thành phố thêm một lần nữa bị tàn phá. Tuy nhiên, sau mỗi lần bị hủy hoại, Beirut nhanh chóng hồi sinh nhờ những cố gắng khôi phục vẻ huy hoàng một thời của người dân nơi đây. Bước vào thế kỷ XXI, nền kinh tế của Beirut cũng hồi phục và lấy lại vị trí trung tâm thương mại – tài chính của vùng Trung Đông.
Cũng chính bởi bề dày lịch sử hiếm có nên ngày nay, bên cạnh những khu vực đổ nát của thành phố, người ta vẫn tìm thấy ở Beirut những công trình rất cổ còn lại từ thời đế quốc La Mã, những tháp đồng hồ của thời Thập tự chinh, khu quân sự thời Ottoman, những tòa nhà sang trọng từng là trụ sở của Pháp…
Sự pha trộn giữa các nền văn hóa đã để lại cho thành phố này đời sống tôn giáo – văn hóa phong phú. Trong chuyến tham quan ngắn ngủi, chúng tôi đã được chiêm ngưỡng những phòng tắm khảm trai kiểu La Mã, nhiều nhà thờ Thiên Chúa giáo có kiến trúc cầu kỳ và vài nhà thờ Hồi giáo được xây từ đầu thế kỷ XII.
Ngoài ra, với những bảo tàng đẳng cấp thế giới, những trường đại học danh tiếng và cuộc sống về đêm sôi động, Beirut được du khách ví là “Paris của vùng Trung Đông”. Nhờ đó, dù tình hình an ninh chưa hoàn toàn yên ổn, ngành du lịch của Lebanon vẫn đang phát triển.
Đậm đà ẩm thực Lebanon
Nhờ có Rita mà đoàn chúng tôi được thưởng thức nhiều bữa ăn ngon và đúng phong cách Lebanon. Cũng như phần lớn người dân đất nước này, Rita khá đề cao và am hiểu về thú vui ăn uống.
Nằm giữa phương Đông và phương Tây, Beirut nổi tiếng là giao điểm về văn hóa và ẩm thực. Món ăn ở đây là sự kết hợp giữa ẩm thực châu Âu với ẩm thực vùng Trung Đông, có đủ loại tinh bột, trái cây, rau quả, cá tươi và các loại hải sản, còn thịt gia súc chủ yếu là cừu non.
Đặc biệt, trong bữa ăn ở Lebanon không bao giờ thiếu tỏi và dầu ô liu. Món ăn dân tộc của người Lebanon là kibbeh, được làm từ thịt cừu giã nhuyễn trộn với các loại gia vị và bột mì đã nhào. Việc chế biến món kibbeh truyền thống khá cầu kỳ nên người dân thường chỉ làm món này vào cuối tuần hoặc những ngày lễ lạt.
Chúng tôi được ăn thử hai loại kibbeh nướng và chiên làm từ bột, thịt cừu, đậu phộng, dùng kèm với nước xốt sữa chua. Vì dùng thịt cừu cùng một số gia vị đặc trưng nên một số người chưa quen cảm thấy món ăn này hơi nồng.
Tuy nhiên, vị béo nhẹ của thịt, đậu và độ giòn của lớp bột nướng vẫn cứ kích thích vị giác của bất cứ ai, nhất là khi nhâm nhi với Chateau Musar – loại rượu vang đỏ nổi tiếng ở địa phương.
Còn thức uống “quốc hồn quốc túy” và phổ biến của Lebanon là arak – loại rượu thơm mùi trái hồi, trong vắt như nước lọc và hóa đục như nước gạo khi được cho vào một ít đá lạnh. Arak thường được phục vụ cùng với mezzo, một loại thức ăn giống như món tapas của Tây Ban Nha hay món nguội khai vị của Ý.
Mezzo của người Lebanon có thể chỉ đơn giản là rau trộn, hummus (món khai vị làm từ gà, đậu, dầu, mè, chanh và tỏi) và bánh mì, nhưng cũng có thể trở thành một bữa ăn ngon lành với các loại hải sản ướp gia vị nướng, thịt nướng xiên, salad cùng nhiều món tráng miệng khác. Điều hấp dẫn là mezzo luôn được trang trí đẹp mắt, đầy mùi vị, màu sắc.
Jeita, sắc màu của đá
Một thắng cảnh nổi tiếng của Lebanon mà chúng tôi được chiêm ngưỡng là khu hang động Jeita, nơi những dải đá vôi, những thung lũng và những dòng suối đan xen vào nhau tạo nên một không gian huyền ảo và thơ mộng.
Ngoài vẻ đẹp thiên nhiên, Jeita còn là nơi các nhà khảo cổ học phát hiện ra nhiều những hiện vật của người cổ đại từng sinh sống trong các hang động. Quần thể hang động Jeita có tổng diện tích gần một ngàn hecta, là một phần của khu vực núi đá vôi cổ nhất ở Trung Đông, được tạo lập từ hơn 400 triệu năm về trước.
Nơi đây lưu giữ nhiều di tích về sự hình thành và phát triển của Trái đất. Mỗi hang động là một không gian huyền ảo với nhũ thạch màu ánh bạc, trong suốt. Những lớp nhũ thạch ấy qua hàng ngàn năm tồn tại nay như những chiếc đèn chùm to nhỏ.
Hệ thống hang động kỳ thú này kết hợp với hệ sinh thái rừng đa dạng trên núi đá vôi và sông suối tạo nên nhiều cảnh quan độc đáo thu hút khá đông các nhà nghiên cứu khoa học và khách du lịch. Nơi đây cũng chứa đựng nhiều yếu tố dân gian phong phú và hấp dẫn, đồng thời phản ánh đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng người cổ đại Lebanon.
Trong chuyến đi ngắn ngủi tại Beirut, chúng tôi chưa được hưởng cái thú mà theo người dân ở đây tự hào quảng cáo là trong vòng 45 phút có thể lên núi trượt tuyết rồi lái xe xuống tắm biển. Nhưng đó cũng là lý do để khi có dịp, nhất định chúng tôi sẽ quay lại miền đất này.