Có một clip nói về lễ ly hôn và bữa tiệc phản cưới ở Nhật. Một đôi ly hôn và họ làm một bữa tiệc, coi như lần thứ hai được hạnh phúc đối với họ, đó là lễ ly hôn sau tám năm chung sống. Họ quyết định cuộc hôn nhân của họ không thể kết thúc trong cay đắng buồn tẻ và họ mời bạn bè đến ăn mừng về sự tự do.
Đầu tiên người làm chứng phát biểu: “Bằng nghi thức này tôi tuyên bố anh chị được giải thoát, hy vọng hôm nay là ngày tốt để hai người tái khởi động cuộc đời mình”.
Tiếp theo cặp đôi ký tên vào giấy ly hôn, sau đó hai người nắm tay nhau đập dẹp cái nhẫn cưới trước sự chứng kiến của các khách mời. Họ cùng nhau xem lại đoạn clip những tháng ngày hạnh phúc trong quá khứ, sau đó đoạn phim này sẽ được xóa vĩnh viễn và tất cả các album sẽ được đốt đi. Bó hoa màu vàng thể hiện cho sự chia ly và phản bội được chú rễ ném ra phía sau. Có lẽ đây là bó hoa ít ai muốn nhận, nhưng cũng có người đang tâm trạng chán nản, tuyệt vọng về cuộc hôn nhân của mình sẽ chụp lấy bó hoa để được chúc phúc chia tay trong hòa bình.
Cựu chú rể nói: “Chúng tôi nghĩ rằng, khi bạn đã từng có một khởi đầu tốt đẹp thì cũng nên để nó có một kết thúc tốt đẹp, đó là bản lề cho một khởi đầu mới hoàn hảo hơn”.
Có hai luồng ý kiến khác biệt. Đa phần cổ vũ là việc nên làm, chia tay nhau cần như thế vì dù sao hai người đã từng có một thời yêu đương hạnh phúc. Không còn vợ chồng thì là bạn bè. Không những thế còn là cha/mẹ của con cái mình. Mối quan hệ ông bà nội/ngoại… Gặp lại nhau tay bắt mặt mừng hỏi han sức khỏe, chúc hạnh phúc…
Ý kiến khác cho là, tùy theo lý do ly hôn. Trong tình cảm, nhiều sự việc xảy ra khiến con người không còn cao thượng với nhau. Đâu phải cuộc chia tay nào cũng lành lặn. Người bị phản bội không muốn nhìn mặt kẻ lừa dối mình. Nghĩ đến những ngày tháng dằn vặt, đau khổ vì đối phương gây ra. Nhớ đến những lời nặng nhẹ, xúc phạm không chỉ mình mà còn đến cha mẹ mình. Muốn thứ tha cũng phải có thời gian để lành vết thương. Thực tế khác xa nhiều lắm.
Trong tình cảm, không thể ép bất kỳ ai vào một khuôn mẫu. Tâm lý con người phức tạp, không ai suy nghĩ giống ai hình thành nên quan niệm sống khác nhau. Chia tay trong vui vẻ như trường hợp ở trên là quá hạnh phúc vì cả hai đều hiểu ý nghĩa của sự tự do cho cả hai bên, xa nhau là hợp lý để mỗi người đi tìm con đường hạnh phúc khác. Thế nhưng, biết bao tình huống dẫn đến ly hôn mà người này nghĩ về người kia là sự thù hận, đớn đau. Nhiều năm không thể quên được.
Nhiều bà vợ cay đắng nghĩ về những ngày tháng sống với người chồng phụ bạc còn vũ phu. Lúc nào cũng tìm cớ gây sự với vợ để có lý do thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Nhiều ông chồng đau đớn khi nghĩ lại thời gian tin vợ mà tan nát gia đình. Đã tiêu xài phung phí, đam mê cờ bạc còn không chung thủy. Những nỗi đau ấy dai dẳng nhiều năm không thể một sớm một chiều quên nhanh được.
Tuy nhiên, cái hay của con người là tấm lòng bao dung, vị tha, bỏ qua hết mọi chuyện quá khứ để bước tiếp đi. Cuốn sách đóng lại là không nghĩ đến nữa. Viết một chương khác của đời mình với hy vọng tốt đẹp hơn. Nếu có nghĩ đến ngày tháng qua là để rút ra bài học kinh nghiệm xử sự sau này. Tìm một người khác cùng nhau đi hết hành trình dài không mặt nặng mày nhẹ, gặp khó khăn cũng vui cười, động viên nhau… Đó mới thật sự là bài học của hôn nhân mà học phí phải trả không nhẹ.
Trong hôn nhân, có người giỏi chịu đựng, nuốt xuống hết, đó là vì con cái, vì muốn giữ một mái ấm thì đành chấp nhận. Muốn bình yên phải bỏ bớt mình, mong một ngày đối phương nghĩ lại. Tuy nhiên, có người sau nhiều năm bỗng thấy mình quá thiệt thòi, đối phương không công nhận đó là sự hy sinh mà coi thường khiến việc chịu đựng trở thành vô nghĩa.
Có người ghen điên cuồng, mất kiểm soát. Những năm tháng dài sống trong dằn vặt, đau khổ, không lối thoát. Tuy nhiên cũng có người thoát ra được và nghĩ lại, tại sao hồi ấy mình mông muội đến thế cơ chứ.
Yêu và chia tay là lẽ bình thường. Cái hay ở chỗ rồi người ta sẽ quên đi để mà sống. Trong quá trình quên đi đó, bao dung là bao dung cho mình, vì mình chứ không phải ai khác. Nặng lòng là tự chuốc khổ!