Alborz nằm ở phía bắc của Iran, nổi tiếng là cái nôi của đại bàng. Vào thế kỷ IX, một quốc vương đương thời đã lấy cảm hứng từ con đại bàng đậu trên tảng đá mà quyết định hạ lệnh xây dựng thành Alamut kiên cố bậc nhất trên đỉnh một phiến đá đồ sộ.
Nhưng pháo đài phòng thủ hàng đầu này sẽ sớm bị một “giáo chủ” chiếm giữ, biến thành “trường huấn luyện”, đào tạo rất nhiều sát thủ tinh nhuệ, gây nên nỗi kinh hoàng khắp Trung Đông.
Nhờ kéo dài từ biên giới Iran – Armenia tới giáp khu vực biên giới Iran – Turkmenistan, Afghanistan, lại sở hữu đỉnh Damavand (5.610m) cao ngất, dãy Alborz trở thành chướng ngại vật chắn ngang miền Nam biển Caspian và cao nguyên Qazvin-Tehran. Với độ rộng dao động từ 60 – 130km và đầy rặng đá lởm chởm, nó nổi tiếng là pháo đài tự nhiên bất khả xâm phạm.
Thành Alamut một thời vang bóng
Rời khỏi các khu vực thành thị nhộn nhịp, đông đúc của Iran và hướng về phía bắc, bạn sẽ thấy dãy Alborz lừng danh sừng sững ngay trước mặt.
Tiếp tục tiến tới rặng núi đá gồ ghề, cao ngất là bắt gặp một ngôi làng nhỏ nằm ngay dưới chân bức tường tự nhiên tựa hồ không cách nào xuyên thủng này.
Gazorkhan đón tiếp du khách bằng những vườn lựu lá xanh, quả đỏ thơm ngọt mê mẩn và những hàng dương xòa bóng mát.
Có chút khó khăn để từ bên ngoài vào Gazorkhan vì xe buýt hiếm khi phục vụ, nhưng bạn có thể thuê taxi với giá phải chăng nếu biết “cò kè bớt một thêm hai” với bác tài.
Tới Gazorkhan rồi ngước mặt nhìn lên, án ngữ trước mắt bạn là khối đá màu nâu xám khổng lồ trên đỉnh một ngọn đồi.
Xưa kia, trên chính đỉnh khối đá đồ sộ ấy, người ta đã xây hẳn một lâu đài gọi tên là Alamut. Trong ngôn ngữ của người Iran, Alamut có nghĩa là “bài học từ đại bàng”.
Tương truyền vào khoảng năm 865, Quốc vương Wahsudan b. Marzuban của Justanid (tỉnh Gilan của Iran ngày nay) đã lấy cảm hứng từ cảnh con chim đại bàng đậu trên tảng đá mà ra lệnh xây dựng pháo đài bất khả xâm phạm này.
- Xem thêm: Quá khứ vàng son xứ Ba Tư ở Isfahan
Phiến đá được ông chọn làm nền tảng cho Alamut không chỉ cao 180m so với mặt bằng xung quanh mà còn nằm trên đỉnh một ngọn núi của dãy Alborz. Nó thật sự là một lâu đài phòng thủ hiệu quả.
Suốt hai thế kỷ, Alamut nằm dưới sự cai trị của Justanid, cho tới khi Hassan-e Sabbah (1050-1124), một nhà truyền giáo từ Ba Tư chạy trốn đến, chiếm lấy và biến nó thành “trường huấn luyện” sát thủ.
Mặc dù từ Ba Tư lưu lạc tới, song Sabbah về thực chất cũng xuất thân từ Iran. Như phần đông dân chúng Iran đương thời khác, cậu bé Sabbah cũng được giáo dục theo giáo lý Imamah (Hồi giáo Shiite chính thống).
Tuy nhiên, ngoài Imamah, vùng Trung Đông còn xuất hiện một tín ngưỡng khác là Ismailis (một nhánh của Hồi giáo Shiite).
Ismailis tập hợp các giai cấp thấp nhất trong xã hội, nỗ lực đấu tranh vì quyền lợi của những con người bị trị yếu đuối dưới chế độ cai trị hà khắc của Đế quốc Seljuk, đòi công bằng xã hội.
Những năm Sabbah còn nhỏ, gia đình cậu chuyển tới sống ở Rayy, một cái nôi của Ismailis. Ban đầu, Sabbah không đoái hoài gì đến Ismailis, chỉ chăm chỉ học giáo lý Imamah.
Nhưng kể từ khi được giới thiệu học thuyết Ismailis với tư tưởng lật đổ ách thống trị, cậu càng lúc càng bị thuyết phục.
Cuối cùng, vào năm 17 tuổi, Sabbah cải đạo, chuyển qua làm tín đồ của Ismailis. Cậu hăng hái tới mức lặn lội tới tận Cairo (Ai Cập) để học tập và trở thành một nhà truyền giáo.
Đáng tiếc là vị quân vương Sabbah ủng hộ, Nizar bin Mustansir, lại sớm bị truất ngôi. Còn bản thân Sabbah thì cũng bị trục xuất. Song nhờ đã trang bị đầy đủ kiến thức và niềm tin, Sabbah lại ngược đường trở về quê hương.
Trên lối về, ông cũng tiến hành truyền giáo tư tưởng Ismailis khắp chốn. Hay chuyện, tể tướng Nizam al-Mulk của Đế quốc Seljuk điên tiết phái quân truy bắt Sabbah gắt gao.
Nhà truyền giáo hồi hương buộc phải bỏ trốn. Nhưng cũng chính trong lúc tháo chạy, ông phát hiện ra lâu đài Alamut cũ trên dãy Alborz.
Nhận thấy Alamut được bao quanh bởi thung lũng màu mỡ và án ngữ trên một vị trí khó bị tấn công nhất, Sabbah liền lên kế hoạch đánh chiếm pháo đài phòng thủ số 1 này.
Ông phái thân tín đi dò la quanh khu vực, tìm hiểu về đời sống của dân tình. Thuận lợi cho Sabbah là mọi người ở đây cũng đang khốn khổ vì sưu cao thuế nặng.
Ai nấy vô cùng căm ghét Seljuk, muốn thoát khỏi ách thống trị. Thế nên Sabbah đã dễ dàng chiếm thành mà chẳng cần tốn một binh một tốt nào.
Chiếm được Alamut rồi, Sabbah nhanh chóng bắt tay vào việc tái thiết lâu đài cổ, biến nó thành pháo đài thực sự. Nhiều bức tường được dựng thêm, bên cạnh đó là hàng loạt phòng ốc, hầm trữ lương thực, vũ khí, vật dụng.
Tiếp theo, ông cũng chú ý thiết kế hệ thống thủy lợi để phát triển nông nghiệp, biến khu vực xung quanh thành hậu phương vững chắc.
Ông cũng không quên chăm lo cho đời sống tinh thần mọi người. Thư viện Alamut xuất hiện, có cả công cụ nghiên cứu thiên văn, thu hút rất nhiều học giả từ khắp các nơi đến nghiên cứu.
Cái nôi của sát thủ
Cũng kể từ sau khi vào Alamut, Sabbah không rời khỏi lâu đài nửa bước. Suốt phần đời còn lại, ông nỗ lực lên các kế hoạch cải tạo Alamut, sau đó giao phó cho các thân tín thực hiện.
Nhưng dù Sabbah hết sức ẩn mình (suốt 35 năm ở Alamut chỉ có duy nhất hai lần ra ngoài trời là leo lên mái lâu đài), các nhà nghiên cứu vẫn cho ông chính là người đã thành lập và huấn luyện Sát thủ Nizari, tổ chức ám sát lừng lẫy.
Sát thủ Nizari bao gồm những tay ám sát thiện nghệ nhất. Họ nhận mật lệnh từ “ông già trên núi” (Sabbah cũng có biệt danh này), sau đó bất chấp nguy hiểm mà thực hiện cho bằng được.
Đối tượng bị ám sát thường là những nhân vật cấp cao của Imamah hoặc các vua chúa, tể tướng… Các sát thủ cũng thường chọn thực hiện nhiệm vụ ám sát ngay giữa đám đông, để gây ra sự chấn động mạnh nhất.
Mỗi một sát thủ đều được huấn luyện từ chữ nghĩa đến chiến lược, nghệ thuật ám sát. Họ tuyệt đối tuân thủ mệnh lệnh, luôn chiến đấu tới tận hơi thở cuối cùng chứ tuyệt đối không tự sát.
Vụ ám sát đình đám nhất của Nizari sau khi thành lập có lẽ chính là vụ sát hại tể tướng Nizam al-Mulk, người đã ra lệnh truy lùng Sabbah. Sát thủ của họ đã lấy mạng Mulk ngay trên kiệu, gây ra sự hỗn loạn lớn.
Trong suốt 300 năm lịch sử của mình, Sát thủ Nizari thành công giết chết hai nhà tiên tri, nhiều tể tướng, quốc vương và các nhà lãnh đạo Thập Tự Chinh khác.
Nhưng có lẽ là vì quá tự phụ, họ dám liều lĩnh “nhắm” cả Đại hãn Mông Kha (1209-1259) của Mông Cổ.
Tức tối vì bị “vuốt râu hùm”, vào năm 1252, Mông Kha hạ lệnh cho Kitbuqa Noyan, tiểu vương của một bộ lạc chư hầu, đem quân tới san bằng pháo đài Alamut.
Thêm 2 “Lâu đài Sát thủ” khác
Trước khi nhà thám hiểm kiêm nhà văn Freya Stark (Anh) mạo hiểm tiến vào thung lũng Alamut và phát hiện ra tàn tích Alamut vào năm 1931, lâu đài này hoàn toàn chìm trong quên lãng.
Qua năm 1934, khi nữ văn gia cho xuất bản cuốn sách tiểu thuyết The Valleys of the Assassins (Thung lũng Sát thủ), cái tên Alamut mới khuấy đảo các tâm hồn ưa phiêu lưu, khám phá.
Băng qua thung lũng Alamut xanh tốt với những thửa ngô, ruộng mạ xanh tươi, con đường mòn dẫn tới tàn tích Alamut sẽ hiện ra trước mắt.
So với tiếng tăm của Alamut thì lối đi này cũng thú vị không kém. Nó uốn lượn qua vùng cao nguyên đẹp như tranh, vòng vèo đèo dốc dẫn lên đỉnh núi.
Ngày trước, Stark từng nghe cư dân quanh vùng đồn rằng đất đai nơi này rất giàu khoáng chất. Đến nỗi đám cừu được chăn thả trên sườn núi còn mọc ra răng bằng vàng.
Ngày nay, cư dân Alamut vẫn chăn cừu xung quanh con đường dẫn lên pháo đài Alamut. Nhưng họ hài lòng với “vàng lỏng” bằng sữa do cừu cái ăn một loại thảo mộc đặc biệt mọc trên sườn núi chiết xuất ra. Nhờ “sữa vàng” ngọt ngào, người ta có thể làm cả sữa đông và phô mai ngon tuyệt hảo.
Vì Alamut chỉ nằm trên đỉnh một phiến đá khổng lồ cao hơn mặt đất có 180m nên việc “chinh phục” cũng không khó khăn gì mấy.
Bạn chỉ cần chuẩn bị một đôi giày đi bộ tốt, sau đó thì hít một hơi thật sâu và bắt đầu bước lên bậc thang. Có điều, dãy bậc thang này không hề ngắn mà bao gồm những vài trăm bậc lận. Nên sẽ vẫn mất chừng 1-2 tiếng leo mệt nghỉ thì mới lên đến đỉnh.
Mặc dù lớn mạnh, đủ sức đương đầu với Đế quốc Seljuk suốt nhiều năm, nhưng Nizari Ismailis không hẳn là một nhà nước. Nó có Alamut như “trụ sở chính” nhưng không có đất đai, chủ quyền.
Các chi nhánh của tổ chức Sát thủ Nizari phân tán ở nhiều nơi, trong những “lâu đài sát thủ” khác tương tự như Alamut. Lambsar là một thành trì như thế. Nó nằm sâu trong dãy Alborz, rất khó tiếp cận nên vẫn giữ được một vài kiến trúc cổ xưa.
Kỳ thực thì trước khi bị quân Mông Cổ tấn công, Lambsar cũng từng bị Đế chế Seljuk bao vây suốt tám năm liên tục. Tuy nhiên, nhờ vị trí “đắc địa”, có phía đông và tây là những hẻm núi cực sâu, không thể vượt qua.
Còn phía bắc và nam cũng chỉ có duy nhất một con đường để tiến vào, Lambsar bất chấp mọi nỗ lực công thành của Đế chế Seljuk. Sau khi tiếp nhận lệnh tấn công Ba Tư của Mông Kha, Húc Liệt Ngột, em ruột của Mông Kha cũng đã cho quân tấn công Lambsar.
Nhưng vì các tướng lĩnh đánh mãi vẫn không thắng, hãn vương này phát chán. Không chờ nổi nữa, ông bèn tự mình dẫn 10.000 quân tiến tới đánh Alamut trước.
- Xem thêm: Ngày và đêm ở “New York của Trung Đông”
Đáng tiếc là ngay cả Lambsar cũng không chống lại được dịch tả hoành hành. Tới năm 1257, phần lớn các sát thủ đã lần lượt ngã xuống vì bệnh dịch.
Quân Mông Cổ thẳng đường tiến vào phá phách. Vì thù hằn, họ giết tất thảy những ai còn sống sót, vùi thây ngay dưới đống đổ nát.
Hiện thời, cả Alamut và Lambsar đều chẳng còn bao nhiêu dấu vết kiến trúc cũ. Nhưng riêng “lâu đài sát thủ” Rudkhan thì vẫn khá nguyên vẹn.
Nó được xây bằng gạch, hiện vẫn sừng sững trên hai đỉnh của một ngọn núi ở Gilan, cách Fuman chừng 25km về phía Nam.
Tổng diện tích của Rudkhan rơi vào tầm 2,6ha. Nhìn bề ngoài, nó khá giống với kiểu kiến trúc của châu Âu, nhưng bên trong thì đậm nét Iran. Và cũng như với Alamut, bạn sẽ phải “leo mỏi giò” qua dốc cầu thang dài dằng dặc thì mới tới được lâu đài chính.