Các nhà nghiên cứu nói rằng phụ nữ không biết rằng nói với chồng phải có cách, nếu không anh ta rất dễ hiểu nhầm khi chỉ hiểu theo nghĩa đen, trực tiếp.
Có phải đàn ông kém đến nỗi họ không hiểu được nghĩa bóng sâu xa ẩn chứa sau câu nói? Không phải họ kém, nhưng là kém hơn… phụ nữ trong lĩnh vực bóng gió sâu xa, nói đây… chết cây hàng xóm.
Thật ra đàn ông họ không dừng lại quá lâu ở ngôn ngữ như phụ nữ. Với họ, lời nói chỉ là biểu đạt thực tế và thông tin. Còn phụ nữ giữ theo lời nói nhiều hơn thế.
Các nhà nghiên cứu Tây đưa ra mười lời phụ nữ hay phàn nàn dễ gây hiểu lầm. Họ thống kê các cặp đối xứng: bên này là lời người phụ nữ nói, còn bên kia là lời người đàn ông sẽ trả lời.
Thí dụ: “Chúng ta chẳng bao giờ đi chơi” – “Điều đó không đúng, chúng ta vừa mới đi tuần trước”. “Mọi người không quan tâm đến em” – “Anh chắc chắn mọi người đều quan tâm đến em”. “Em mệt, em không thể làm gì cả” – “Thật là buồn cười, em không muốn giúp anh”. “Em muốn quên đi tất cả mọi thứ” – “Nếu không thích công việc đó, em hãy bỏ nó đi”. “Ngôi nhà này lúc nào cũng lộn xộn” – “Chỉ thỉnh thoảng mới lộn xộn thôi”. “Không ai lắng nghe em nói cả” – “Thì anh đang nghe đây”. “Không việc nào có hiệu quả” – “Em muốn nói đó là lỗi của anh?”. “Chúng ta lúc nào cũng bận rộn” – “Thứ Bảy chúng ta cũng nghỉ ngơi đấy chứ!” …
- Xem thêm: Ngôn ngữ trong tình yêu vợ chồng
Đối chiếu mười cặp đối thoại ấy, có hai câu có lẽ chỉ Tây mới hay nói với nhau, không có nhiều ở Việt Nam.
Thí dụ câu “Anh không yêu em một chút nào”. Trả lời: “Tất nhiên là có chứ. Nếu không tại sao anh ở đây”. Và câu: “Em muốn lãng mạn hơn” – “Ý em là anh không lãng mạn à?”.
Các bà vợ xứ ta khi đã sống chung nhiều với nhau rồi, họ ít bộc lộ tình cảm theo kiểu Tây: Hôn nhau hằng ngày, lúc nào cũng nói như trong phim “I love you, too”.
Người mình kín đáo hơn, thậm chí xưng anh anh em em cũng rụng dần theo thời gian. Có đôi nào lớn tuổi vẫn xưng hô vậy đã có vẻ lạ. Người còn trẻ đã bà bà tôi tôi, hoặc gọi thay cho con: ba cu Tý này, mẹ cu con ơi…
Thành ra, trong thí dụ mười cặp đối thoại của Tây nêu ra, người mình chắc chỉ trùng hợp vài câu, mà cách thức đối đáp cũng khác.
Vì rằng xứ ta chưa nhiều tiền của để nghiên cứu chi ly như thế nên chưa có thống kê tổng kết câu nói của các bà vợ. Ta hãy thử liên hệ ứng dụng nghiên cứu của xứ người.
Thường các bà vợ hay than phiền thế này: “Cả đời anh chẳng bao giờ chở vợ con đi chơi. Nhưng bạn nhậu hú một tiếng là đi liền”. Đàn ông sẽ nhớ ra ngay: “Tháng trước chẳng cùng về thăm ngoại là gì!”.
“Suốt đời chăm sóc hy sinh cho chồng cho con, nhưng chẳng ai quan tâm đến tôi cả!”. Đàn ông sẽ nghĩ: “Quái lạ, mọi chuyện trong cuộc sống xưa nay vẫn diễn ra bình thường, mọi chuyện ổn cả, có gì đâu nhỉ? Nhà ai chẳng thế. Phụ nữ nào chẳng phải lo cho chồng cho con. Có thấy bà nào ngồi chơi để chồng con lo cho mình đâu nhỉ!”.
“Nhà cửa lộn xộn quá, các ông bày bừa vừa thôi, chẳng bao giờ phải dọn nhà nên có biết khó chịu gì đâu. Quần áo, vớ, giày, về nhà là vứt tứ tung”. Còn đàn ông nghĩ: “Sao cứ lấy thân che của như vậy nhỉ. Người ta khôn là lấy của che thân. Nhà cửa là để phục vụ con người, sao lúc nào cũng phải lăn ra lau bóng lộn. Một chút vụn bánh mì lỡ rớt ra cũng la lối. Đồ đạc để đâu cũng được, thế nó mới đúng là cái nhà của mình chứ!”.
Nhà nghiên cứu Tây ra một kết luận: “Cho đến ngày nay, chúng ta vẫn cần một người phiên dịch! Đàn ông và phụ nữ hiếm khi ám chỉ cùng một ý nghĩ khi họ dùng chung những từ nhất định. Nhà nghiên cứu nói rằng ngay cái câu dễ hiểu nhất như “Không ai lắng nghe tôi cả” cũng thường bị hiểu sai hoặc không hiểu gì.
“Không ai quan tâm đến tôi” cũng vậy. Phụ nữ Tây muốn nói rằng: “Em sợ mình không còn quan trọng với anh nữa, anh coi công việc quan trọng hơn em, anh có thể ôm em trong vòng tay và nói cho em nghe em đặc biệt với anh thế nào không?”.
Phụ nữ ta có khi không đòi hỏi kiểu vậy, tuy biểu hiện khác, nhưng cũng đều có một thông điệp là muốn được quan tâm và đánh giá đúng mức.
Suy cho cùng, Tây hay ta, hoặc ngay ta với nhau cũng có các biểu hiện khác nhau do tâm lý và lối sống, đặc điểm văn hóa riêng, nhưng cái cốt lõi của thông điệp muốn được yêu thương, tôn trọng, đánh giá đúng vai trò của mình trong gia đình.
Nhưng họ cần biết đặc điểm tư duy ngôn ngữ của phái mạnh, để tránh được các lời phàn nàn không hiệu quả. Đôi khi đem đến sự cãi lộn vợ chồng, hoặc chí ít thì nó cũng trở thành các điệp khúc tiêu cực gây tổn hại, đầu độc, làm đau khổ chính mình.