Theo Steven M. Demorest, một giáo sư về giáo dục âm nhạc ở Đại học Northwestern (Hoa Kỳ), về kỹ năng ca hát ở trẻ thì mọi đứa trẻ bẩm sinh đều có thể hát, và việc vội vàng nhận xét rằng chúng thiếu khả năng ca hát có thể mang lại hậu quả lâu dài.
Nhiều người trưởng thành nghĩ rằng mình “không có khả năng âm nhạc”. “Theo nghiên cứu, không ít người trong số họ đã từng bị giáo viên hoặc các thành viên trong gia đình phán xét rằng họ không thể hoặc không nên hát từ khi còn là trẻ nhỏ”, giáo sư Demorest giải thích. “Nếu trẻ có cái nhìn tiêu cực về khả năng ca hát của mình, chúng sẽ ít tham gia vào các hoạt động âm nhạc”.
Những người từ bỏ âm nhạc khi còn trẻ có thể mất kỹ năng ca hát do ít thực hành và ít có cơ hội. Hơn nữa, những đứa trẻ yêu âm nhạc nhưng không nghĩ rằng mình có khả năng về âm nhạc sẽ bỏ lỡ nhiều lợi ích về mặt nhận thức và xã hội nhờ tham gia các hoạt động âm nhạc, cũng như cảm giác được kết nối với người khác qua những bài hát.
- Xem thêm: Con trẻ và trí thông minh xã hội
Mọi đứa trẻ đều là những nhạc sĩ bẩm sinh, chúng thật sự hát, múa và chơi nhạc từ lúc còn bé xíu. “Mọi người thường hỏi tôi là làm thế nào để biết được là con của họ có tài năng âm nhạc hay không. Tôi khẳng định với họ là con của họ – thật ra mọi đứa trẻ – đều có khả năng âm nhạc và có thể phát triển thành một mối quan hệ hạnh phúc suốt đời với âm nhạc. Tuy nhiên, khi lớn lên, một số trẻ bắt đầu nhận được thông điệp từ bạn bè, thành viên trong gia đình, truyền thông và không may là từ cả các giáo viên âm nhạc rằng chúng không giỏi về âm nhạc lắm – rằng chúng không có tài”.
Thật đáng buồn là những chương trình truyền hình như American Idol không giúp ích được nhiều vì chúng quảng bá khái niệm rằng ca hát là một khả năng hiếm có dành cho một số ít người tài năng và những ai không có tài như thế chỉ làm trò cười cho đám đông và phải ra khỏi cuộc chơi. Tư duy nặng về tài năng này trái ngược với tư duy phát triển của nhà tâm lý học Carol Dweck – một khái niệm được xem là rất quan trọng cho quá trình học tập. Theo đó, những người học xem thành công là một kết quả của sự nỗ lực thì có thể bền chí qua những thử thách, trong khi những người cho rằng thành công là do khả năng bẩm sinh hay “tài năng” quyết định sẽ dễ bỏ cuộc hơn.
“Vì thế, nếu bạn là phụ huynh, bạn có thể hát cùng con bất cứ thể loại nhạc, bất cứ bài hát nào mà bạn yêu thích khi còn là một đứa trẻ và đừng bận tâm là nó hay dở thế nào”, giáo sư Demorest gợi ý. Nếu như một người lớn trong gia đình thích nhạc và thích hát mà không hề e ngại, không sợ xấu hổ thì đây sẽ là một ảnh hưởng lớn, tích cực đối với đứa trẻ. Bạn có thể hát cùng trẻ từ lúc chúng còn bé xíu, hát cùng đài phát thanh, hát khi đi trên xe hay hát ở bàn ăn.
Và với các giáo viên âm nhạc, đồng nghiệp của tôi, tôi nghĩ chúng ta cần khuyến khích mọi đứa trẻ hát trong lớp, trong trường và trong cộng đồng – ở bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào có thể. Nếu các chuyên gia âm nhạc lại làm trẻ nản lòng, không dám cất lên tiếng hát thì đó là “cú đấm chí tử” vào sự tự nhận thức của trẻ về khả năng âm nhạc của bản thân”.
– Theo Parents