Từ đầu năm 2019 đến nay, nhằm hạn chế sự lệ thuộc quá lớn vào kênh tín dụng ngân hàng cũng như gia tăng quy mô vốn chủ sở hữu, nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đã sử dụng các kênh huy động vốn mới như phát hành cổ phiếu, trái phiếu, hợp lực với các đối tác ngoại… Trong đó, việc phát hành trái phiếu với lãi suất cao hiện đang được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.
Đầu tháng 6 vừa qua, Công ty chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) ra thông báo phê duyệt việc đầu tư cổ phần của Công ty cổ phần Tập đoàn BĐS MIK Group Việt Nam với tổng mệnh giá tối đa 450 tỉ đồng.
Cụ thể, TCBS sẽ đầu tư tối đa 45 triệu cổ phiếu MIK với giá mua tối đa 10.000 đồng/cổ phiếu. Sau giao dịch này, TCBS sẽ nắm giữ 8,2% vốn điều lệ MIK Group và là cổ đông lớn của công ty.
Trước đó không lâu, Công ty Nhà Khang Điền phát hành 450 tỉ đồng trái phiếu riêng lẻ cho quỹ đầu tư Dragon Capital.
Tại Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC), phương án phát hành thêm cổ phiếu cũng là giải pháp được lựa chọn khi công ty này dự kiến phát hành tối đa 758 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư cá nhân trong và ngoài nước.
Giá phát hành không dưới 15.000 đồng/cổ phiếu, thời gian thực hiện trong năm nay hoặc năm 2020. Sau đợt phát hành lần này, quy mô vốn điều lệ của Becamex IDC sẽ tăng gấp đôi, từ 10.126 tỉ đồng lên 20.000 tỉ đồng.
Theo báo cáo của các công ty chứng khoán, ước tính trong năm tháng đầu năm 2019, nhóm ngành BĐS, xây dựng, hạ tầng đứng thứ hai cả nước về lượng trái phiếu phát hành với 16.230 tỉ đồng, chiếm 27%.
Bên cạnh số lượng, mức lãi suất của trái phiếu cũng đang gây chú ý khi cao hơn nhiều, thậm chí là gần gấp đôi so với lãi suất tiền gửi ngân hàng.
Công ty cổ phần Phát triển BĐS Phát Đạt đã phát hành 850 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp qua ba lần huy động, trong đó mức lãi suất cao nhất đạt 14,5%/năm.
Kế đến là Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc NoVa phát hành 400 tỉ đồng trái phiếu qua hai đợt, lãi suất gần 11%/năm.
Mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh cũng vừa phát hành 200 tỉ đồng trái phiếu, với lãi suất 11%/năm.
Hàng loạt doanh nghiệp lớn như Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO, Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô, Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú cũng phát hành trái phiếu doanh nghiệp với mức lãi suất 10% – 12%/năm.
Theo Công ty Chứng khoán MBS, trong năm tháng đầu năm 2019, nhóm ngành BĐS, xây dựng, hạ tầng có lãi suất cao nhất, phổ biến trên 10%/năm, cá biệt có doanh nghiệp phát hành với lãi suất lên tới gần 15%, có thời hạn 1-10 năm, phổ biến là kỳ hạn hai năm.
Theo đại diện một công ty chứng khoán, sở dĩ BĐS là nhóm ngành có mức lãi suất cao nhất là vì loại trái phiếu này thường có tài sản đảm bảo dưới dạng quyền sử dụng đất, hoặc cổ phiếu được bảo lãnh là của doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt.
Mặc dù vậy, theo ý kiến nhiều người trong ngành, hiện có không ít doanh nghiệp phát hành trái phiếu mà không có tài sản đảm bảo, hoặc tài sản đảm bảo là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai, hoặc cổ phiếu – tức tài sản này phụ thuộc vào thị trường chứng khoán.
Do đó nhà đầu tư khi chọn trái phiếu doanh nghiệp BĐS như một kênh đầu tư phải chấp nhận lãi suất cao đi đôi với rủi ro cao, đặc biệt những kênh có mức sinh lời trên 10% thì độ rủi ro sẽ càng lớn.
Để tránh rủi ro, khi mua cần phải tìm hiểu kỹ trái phiếu đó có được bảo lãnh bởi ngân hàng hay không, có tài sản đảm bảo là BĐS đúng pháp lý hay không… Trường hợp có bảo lãnh của ngân hàng, thông tin phát hành trái phiếu minh bạch, tài sản bảo đảm được công chứng… thì người mua có thể yên tâm.
Tại Việt Nam, tỷ lệ các doanh nghiệp tham gia hoặc hội đủ điều kiện để thực hiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp còn quá ít.
Hiện cả nước có hơn 10.000 doanh nghiệp BĐS nhưng mới chỉ có khoảng 65 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán.
Để phát hành trái phiếu doanh nghiệp thành công, doanh nghiệp phải đảm bảo sử dụng đúng mục đích nguồn vốn huy động từ trái phiếu, thực hiện hiệu quả phương án sản xuất, kinh doanh và dự án đầu tư để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và nhà đầu tư trái phiếu.
Bên cạnh trái phiếu, thời gian qua một số doanh nghiệp trong nước đã tăng cường hợp tác, liên doanh với nhà đầu tư bên ngoài như một kênh hút vốn hiệu quả.
Chẳng hạn An Gia Investment đã huy động thành công 200 triệu USD từ một quỹ đầu tư Nhật Bản, để phát triển sáu dự án. Lãnh đạo công ty chia sẻ đang xúc tiến thêm một thương vụ hợp tác với quỹ đầu tư đến từ nước Anh trong thời gian tới.