Địa danh Cái Răng ở Tây Nam Bộ thì có nhiều, nhưng nổi tiếng hơn cả là Chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ. Địa phương Tây Ninh cũng có một địa danh mang tên này, đó chính là Rạch Cái Răng, Vàm Cái Răng, một nhánh của sông Vàm Cỏ Đông đổ vào trung tâm Thành phố Tây Ninh hiện nay.
Về nguồn gốc địa danh Cái Răng thì có nhiều cách giải thích khác nhau, như thời khẩn hoang xa xưa có con cá sấu dạt vào đây, rồi răng nó cắm vào bờ nên gọi là Cái Răng. Đó chỉ là cách lý giải theo dân gian rất kém thuyết phục.
Đáng tin cậy hơn cả phải kể đến lời của cố học giả Vương Hồng Sển. Trong cuốn Tự vị tiếng nói miền Nam, Vương Hồng Sển cho biết: “Cà ràng hình thù như con số 8 để nằm, một đầu là ba ông Táo lú đầu lên cao để đội nồi ơ siêu trách, còn một đầu kia nắn cái bụng chang bang dài dài vừa vặn với cây củi chụm, bụng này chứa được tro nhiều không rơi rớt ra ngoài, lại ấm cúng che kín gió, mau chín mau sôi. Truy nguyên ra, trong sách Pháp, Le Cisbassac chẳng hạn, và nhiều sách khác đã có từ lâu vẫn ghi: “Krôk kran: rạch Cái Răng, nay cứ lấy điển này làm chắc, một đàng khác hỏi thăm người cố cựu bản xứ thuật rằng ngày xưa, không biết từ đời nào, nguyên người Thổ (Cơ Me) ở Xà Tón (Tri Tôn) chuyên làm nồi đất và “karan” chất đầy mui ghe lớn rồi thả theo sông cái đến đậu ghe nơi chỗ này để bán, năm này qua năm nọ, chầy ngày người mình phát âm “karan” biến ra “Cái Răng” rồi trở nên địa danh thiệt thọ của chỗ này luôn”.
Đó là nguồn gốc địa danh Cái Răng của miền Tây. Còn địa danh Cái Răng của Tây Ninh thì sao? Về ý nghĩa có đồng nhất hay không? Chúng tôi xin có vài kiến giải như sau.
Trong Từ điển Từ nguyên địa danh của TS Lê Trung Hoa có ghi “Cái Răng là rạch ở xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Cái Răng còn là tên quận của thành phố Cần Thơ; tên cầu trên một tuyến đường ở tỉnh An Giang và là tên đường nông thôn ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Có ý kiến cho rằng Cái Răng do từ Khmer Kran “cái cà ràng” mà ra. Chúng tôi nhận thấy: k- thường biến thành cà (crème > cà rem) chứ không biến thành cái. Cái là “rạch” (ở Nam Bộ có độ 300 địa danh mang từ Cái ở đầu); Răng: có lẽ do Kran”.
Qua cách giải thích của TS Lê Trung Hoa, ta thấy ông đã vô hình trung đồng nhất tên gọi “Cái Răng” của Tây Ninh và của Cần Thơ là một. Tức là xuất phát từ “Kran” của ngôn ngữ Khmer.
Thực ra, Rạch Cái Răng là cách gọi quen thuộc của người dân bản xứ về Rạch Tây Ninh hiện nay. Trong sách Gia Định Thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, biên soạn năm 1820, phần Xuyên Sơn Chí trấn Phiên An có chép như sau: “Sông Khê Lăng ở bờ Bắc sông Quang Hoá, cách trấn lỵ về phía Tây 85 dặm rưỡi, theo sông nhỏ từ cửa sông đi ngược lên phía Bắc, 61 dặm thì đến thủ sở Thuận Thành, có nguồn từ các đầm phá ở núi Bà Ðen thấm thía chảy ra, dân theo về lợi rừng núi sông chằm đi lại luôn luôn không dứt…”.
Khi dịch đoạn văn này học giả Lý Việt Dũng còn chú thêm đó là “ Sông Khe Răng”. Vậy “Khê Lăng” chẳng qua là cách phiên âm từ Nôm “Khe Răng” qua Hán của Trịnh Hoài Đức mà thôi. Còn tên bản xứ của nó vẫn là Cái Răng. Nhưng ở đây cũng cần nói thêm, Khê Lăng – Khe Răng – Cái Răng – Rạch Tây Ninh không chỉ bắt nguồn từ các con suối trong Núi Bà chảy ra như Trịnh Hoài Đức đã chép, mà nó còn nhận nước từ nhiều dòng suối khác từ Tân Biên, Tân Châu đổ xuống, cho nên tổng chiều dài của nó từ đầu nguồn cho tới vàm đổ ra sông mẹ Vàm Cỏ Đông có tới vài chục cây số chứ không phải là ít.
Nếu lấy Cầu Quan làm mốc mà ngược dòng thì Rạch Cái Răng phải lên tới Trà Vong (Tân Biên) và Tân Phú (Tân Châu). Còn nếu từ Cầu Quan xuôi dòng chừng 1km sẽ tới cầu Thái Hòa, thêm 2km nữa tới cầu Hiệp Hòa, từ cầu Hiệp Hòa xuôi dòng khoảng 7km sẽ tới Vàm Cái Răng, tức là ngã ba đổ ra sông Vàm Cỏ Đông, cách cầu Gò Chai không xa về hướng Đông Nam.
Nói tới Vàm Cái Răng cũng xin lưu ý thêm một điều là sau khi vua Tự Đức ký Hòa ước 1862, giao 3 tỉnh miền Đông cho giặc thì người Pháp bắt đầu vào chiếm đóng Tây Ninh và lập căn cứ, ngoài các con đường bộ quen thuộc, thì chúng còn dùng đường thuỷ theo sông Vàm Cỏ Đông để vận chuyển vũ khí, lương thực lên Tây Ninh.
Nhưng muốn vào trung tâm tỉnh lị thì phải tới Bến Kéo, sau đó rẽ vào Vàm Cái Răng để men theo con rạch này lên thành Săn Đá, tức là khu Tỉnh Đội ngày này. Vấn đề này trong sách Tây Ninh xưa của Huỳnh Minh cũng có chép khá cụ thể: “Người Pháp noi theo đường Gia Định lên Trảng Bàng, Bàu Đồn, Cầu Khởi đến Tây Ninh và dùng đường thủy lên đến Bến Kéo để vận tải quân lính, súng đạn vật liệu cùng dụng cụ xây cất và thực phẩm… Từ Bến Kéo lên đến Vàm Cái Răng để vào Tây Ninh…”.
Cũng tại Rạch Cái Răng này cách Cầu Quan chừng 1km về hướng Bắc có một địa danh rất nổi tiếng đó là Bến Trường Đổi. Tại nơi này, liên quân Trương Quyền và Pu Lầm Pu đã lập một chiến công oanh liệt tiêu diệt nhiều sỹ quan và linh Pháp.
Vấn đề nay được nhà sử học Trần Văn Giàu ghi rất cụ trong tác phẩm Chống xâm lăng như sau: “Nhưng thình lình ngày 7.6.1866 vào gần chiều tối thì Pô-kầm-pô xuất hiện ở hữu ngạn rạch Tây Ninh, nhắm thành Tây Ninh mà tiến vào. Lắc-cơ-lô-zơ cưỡi ngựa trắng cùng quân lính ra ứng phó. Quân Pô-kầm-pô cách thành chỉ 2 dặm về phía tây bắc ở ven rừng, dàn trận vòng cung mà nghĩa quân gọi là trận hình sừng trâu. Trong lúc đó thì tên quan ba địch là Pi-nô đem quân tiếp viện, vừa qua cầu và vừa đóng cổng cầu thì một cánh quân khởi nghĩa đã đến trước mặt chúng, cờ trắng đi đầu, vừa ứng chiến vừa cắt đường rút lui của Lắc-cơ-lô-zơ. Hai bên nổ súng, toán quân của Pi-nô chạy tháo về đồn. Quan ba Lắc-cơ-lô-zơ bị bao vây. Cuộc chiến đấu xảy ra rất ngắn, 7 giờ tối, tổng số 21 lính Pháp đi theo chủ tướng chỉ còn có 9 người chạy bán sống bán chết về đồn, trong đó đã có 3 người bị thương; 11 người với sĩ quan Lắc-cơ-lô-zơ bị giết tại trận trong một cuộc giáp chiến không đầy nửa giờ. Quân khởi nghĩa đóng bên kia rạch để giám thị sự hoạt động của quân Pháp trong thành Tây Ninh phía tả ngạn. Cung nỏ, gan dạ và cận chiến đã đem lại một trận thắng đầu tiên rất có ảnh hưởng. Địch cố thủ trong thành. Chúng khiếp sợ đến đỗi trong vòng 30 giờ đồng hồ, thây của Lắc-cơ-lô-zơ và các sĩ quan binh lính khác “bị để mặc cho diều ăn quạ mổ”.
Có lần chúng cả gan ra tìm thây, ấy là ngày 7, chín giờ sau cuộc chiến đấu; quan ba Pi-nô có kéo quân sang cầu nhưng qua khỏi cầu thấy dạng nghĩa quân núp sau cây thì chúng khiếp sợ xô nhau mà chạy về đồn, chỉ mang được xác thiếu uý Lơ-xa vì xác này nằm kề đầu cầu…”.
Qua các tài liệu trên ta thấy địa danh Cái Răng của Tây Ninh có từ rất lâu đời. Đó chính là Rạch Tây Ninh hiện nay, con rạch này là một bộ phận giao thông đường thủy từ Bến Kéo đến trung tâm tỉnh lị. Mặc dù nó hoàn toàn đồng âm với “Cái Răng” ở Cần Thơ, nhưng nó lại hoàn toàn không dính líu gì tới “chong kran” (bếp lò) cả, vì xưa nay ở đây không có truyền thống ghe chở Cà ràng đi bán nhiều đến nỗi thành tên gọi.
Vậy nó là gì? Qua tìm hiểu thực địa, chúng tôi nhận thấy rằng về độ nghiêng của địa hình Tây Ninh là theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, căn cứ vào độ nghiêng này ta thấy từ hướng Núi Bà sang hướng sông Vàm Cỏ Đông là có độ dốc khá lớn. Chính vì điều này mà cư dân Khmer cổ xưa mới đặt tên cho con rạch này theo đặc điểm của nó là “chrăng chom res ” tức là bờ sông có độ dốc.
- Xem thêm: Nhớ ngày tắm sông, mò tôm, móc lịch
Khi lưu dân Việt đến khai phá vùng đất này vẫn giữ tên cũ, nhưng Việt hóa thành “Cái Răng”, trong đó “Cái” có nghĩa là con rạch, còn “Răng” là trong “chrăng” nghĩa là bờ sông. Trường hợp này tương tự địa danh Tha La ở Trảng Bàng và suối Tha La ở Tân Châu. Nếu Tha La ở Trảng Bàng xuất phát từ “Sala” nghĩa là chòi trại nghỉ chân, thì suối Tha La lại xuất phát từ “Piek Tứk Thla”, nghĩa là dòng suối có nước trong trẻo.
Nghiên cứu từ nguyên địa danh quả là chuyện hết sức khó khăn, nhất là các địa danh gốc Khmer đã bị Việt hóa lâu ngày, mất dần hết dấu vết cũ. Địa danh Cái Răng Tây Ninh là một trường hợp như vậy. Nhưng cũng xin nói thêm, trên đây chỉ là một hướng kiến giải. Có thể sẽ còn nhiều cách lý giải khác hợp lý hơn. Chúng tôi luôn nghiêng mình học hỏi để bổ sung vào nguồn kiến thức cạn hẹp của mình.