Luxembourg nằm lọt giữa Pháp, Bỉ và Đức trong vùng núi Ardenne, độ cao giảm dần từ Bắc xuống Nam khi nối tiếp với cao nguyên Lorraine nhiều đồi nên những xa lộ và nhất là đường liên tỉnh dày đặc khắp đất nước này thường có độ dốc và quanh co.
Chỉ những đường chạy bên bờ mấy con sông lọt giữa các vùng trũng là tương đối bằng phẳng. Ngay ở thủ đô, đường phố và các khối nhà tọa lạc trên những tầng cao độ chênh nhau hàng chục mét, tạo nên một khung cảnh vô cùng đẹp mắt và độc đáo, nhất là vào ban đêm, khi những hàng đèn trang trí chiếu sáng các cao ốc, tượng đài.
Đất nước của những lâu đài cổ
Trên đại lộ Royal, con đường chính của khu thương mại – dịch vụ của thủ đô với những tòa nhà hiện đại của mấy trăm chi nhánh các ngân hàng và quỹ đầu tư lớn nhất của châu Âu và thế giới, tượng đài đầy màu sắc của Niki de Saint-Phalle (1930-2002) đã nổi bật lên. Đó là nữ họa sĩ và điêu khắc gia người Pháp, với phong cách riêng biệt không thể lẫn với ai khác.
Dịch vụ là ngành kinh tế chính yếu góp phần quan trọng vào sự phồn vinh cho đất nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới này. Phong cảnh đẹp, khí hậu ôn hòa (thời gian chúng tôi ở đây, nhiệt độ ban ngày là 22oC và ban đêm 14oC trong lúc ở Việt Nam là 32 – 36oC), xã hội thanh bình và thân thiện với mức sống cao… là cảm nhận chung của du khách khi đến với Luxembourg.
Nhưng ấn tượng hơn cả là những lâu đài xưa tọa lạc trong một quốc gia nhỏ bé có chiều dài chỉ 84km và chiều ngang 52km. Có 50 lâu đài, trong đó khoảng 20 vừa là lâu đài vừa là pháo đài chiếm lĩnh một điểm cao để khống chế vùng đất thuộc quyền của lãnh chúa chủ nhân từ thời Trung đại, như lâu đài Bourscheid có từ năm 1095 trong tỉnh Diekirch giữa hai con sông Meuse và Rhine, hoặc lâu đài Ansembourg có từ năm 1135 gần Mersch, ngay đoạn giữa con đường nối thủ đô với Diekirch…
Khi đến thăm lâu đài – pháo đài Vianden (thế kỷ XI-XIV) sát biên giới Đức với những dấu tích và hiện vật cổ xưa từ thời phong kiến phân quyền được giữ gìn và phục dựng, chúng tôi được tham quan mấy chục phòng lớn nhỏ, những đại sảnh vốn để tổ chức yến tiệc và khiêu vũ của các bậc vương giả. Tất cả còn đầy đủ đồ nội thất, vật dụng sinh hoạt, vũ khí… Du khách cũng được xuống hầm rượu uống bia và thưởng thức thịt nướng như những hiệp sĩ ngày trước, được xem trình diễn sân khấu hóa cảnh chiến trận thuở xa xưa đúng vào dịp lễ hội Trung đại tổ chức hằng năm.
- Xem thêm: Thung lũng cắm trại bên sông Semoirs
Chúng tôi còn được dự một buổi hòa nhạc cổ điển trong ngôi nhà thờ cổ Thánh Laurent (thế kỷ V) thuộc một festival âm nhạc quốc tế tổ chức tại thành phố Diekirch. Dưới mái vòm của kiến trúc Roman, các nhạc công không cần phải dùng máy khuếch âm mà vẫn lôi cuốn cử tọa ngồi kín trong thánh đường.
Một nét nổi bật về mặt xã hội là người nhập cư và người có quốc tịch nước ngoài sống ở Luxembourg có tỷ lệ rất cao (47%, cao nhất trong các quốc gia châu Âu), trong đó riêng người Bồ Đào Nha đã có 75.495, chiếm đến 15% dân số cả nước.
“Thuở trước, các dân tộc khác nhau tới Luxembourg để tranh giành, chém giết lẫn nhau, nhưng ngày nay cũng những dân tộc đó lại tới đất nước này để cùng tạo dựng cuộc sống hòa bình” – Đó là câu chúng tôi nghe được trong bài thuyết minh khi ngồi xe điện được thiết kế như một đoàn tàu lửa thăm pháo đài cổ bên dòng sông nhỏ Alzette ở thủ đô Luxembourg.
- Xem thêm: Saint Mandé duyên dáng và yên lành
Đặc điểm xã hội này là một nét chấm phá biểu hiện cho quá trình hội nhập, nhất thể hóa châu Âu về kinh tế, chính trị, tiền tệ… mà Schengen, điểm chót cùng phía đông nam của Luxembourg, giáp với Pháp và Đức là nơi ghi dấu một sự kiện quan trọng của quá trình đó.
Thực sự là tâm điểm của châu Âu
Không chỉ là ngã ba biên giới tiêu biểu để ký hiệp ước, Schengen còn là tâm điểm của châu Âu về mặt địa lý. Nếu lấy đây làm tâm, dùng com-pa vẽ một vòng tròn có đường kính ôm gọn bán đảo Iberia (gồm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha) trên bản đồ châu Âu thì hầu hết 48 quốc gia và vùng lãnh thổ của châu lục này đều nằm trong hình tròn, chỉ trừ một phần đất của các nước Bắc Âu và vài nước vừa thuộc châu Âu vừa thuộc châu Á.
Schengen cách thủ đô Luxembourg 31km, có độ cao 115m so với mặt nước biển. Địa điểm đầu tiên chúng tôi ghé thăm là bờ sông Moselle, nơi “Trên con tàu Princesse Marie – Astrid từng neo đậu trong những ngày 14-6-1985 và 19-6-1990 để đại diện các nước trong Liên hiệp kinh tế Benelux (Bỉ, Hà Lan, Luxembourg), CHLB Đức và Pháp ký Hiệp ước Schengen về bãi bỏ từng bước việc kiểm soát biên giới và các thỏa thuận thi hành”. Đó là nội dung bằng các ngôn ngữ Luxembourg, Pháp và Đức trên ba tấm bia kỷ niệm được dựng tại đây. Đến nay đã có 29 nước tham gia hiệp ước.
Với sự kiện lịch sử này, Schengen từ một làng quê vô danh có nghề trồng nho và sản xuất rượu vang trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng, một danh từ riêng phải đề cập đến đối với mỗi du khách từ Việt Nam muốn đến châu Âu lúc này (do phải có visa mang tên Visa Schengen). Giữa mấy tấm bia và mép sông là khoảng sân rộng lát đá có vòng tròn 12 ngôi sao.
Chếch một chút là cây cầu bê-tông lớn khánh thành tháng 7-2003. Vượt khoảng 1/3 cây cầu là vào lãnh thổ Đức. Cầu nối tiếp vào đường Gipswerk bên địa phận Perl bang Saarland với những căn nhà 1-2 tầng lầu sơn màu sáng nổi bật trên nền xanh nhấp nhô của những đồi nho. Nếu không qua cầu mà tiếp tục chạy xe dọc tả ngạn sông Moselle trên đường Robert Goebbels thì du khách sẽ qua đất Pháp từ Apach thuộc vùng Lorraine.
Rời nơi này, chúng tôi chạy xe vào trung tâm thị trấn, đến quảng trường châu Âu. Ở đây có tượng đài trên đó có khắc dòng chữ Hiệp ước Schengen – Châu Âu không biên giới cũng bằng ba tiếng Luxembourg, Pháp và Đức. Sau đó chúng tôi đến lâu đài Schengen nay là khách sạn Lâu đài Schengen (Château de Schengen) tọa lạc trên con đường nhỏ Baachergaass nối hai đường Wäistrooss và Robert Goebbels, cách mép sông khoảng 80m, cách tâm điểm ngã ba biên giới Pháp-Luxembourg-Đức trên sông Moselle khoảng 250m.
Nằm giữa một vườn hoa trồng tỉa công phu theo phong cách baroque có bóng mát phủ che của hàng cây lâu năm, khách sạn có 35 phòng (giá thấp nhất là 95 euro) sang trọng và tiện nghi không thua gì những khách sạn lớn ở thủ đô, cầu thang rất rộng ốp gỗ thật đẹp. Sự nổi tiếng của lâu đài còn nhờ đây là nơi Victor Hugo (1802-1885) từng dừng chân dài ngày cùng với Vianden, nơi có nhà bảo tàng mang tên ông. Đó là thời kỳ Hugo phải lánh nạn chính trị do ông có tư tưởng cộng hòa, chống đối Napoléon III. Bản gốc những sáng tác tại hai nơi này của ông (văn, thơ, họa) đều được lưu giữ cẩn thận.
Vì là một ngã ba biên giới nên ở đây, những hình ảnh đặc biệt về ranh giới quốc gia trong khu vực Schengen thật rõ rệt và dễ dàng nhận biết. Không có hàng rào kẽm gai, trạm gác và ba-ri-e, không một lính biên phòng hay nhân viên hải quan nào. Chỉ một tấm bảng vuông mỗi chiều khoảng 1m màu xanh dương với 12 ngôi sao vàng, cờ hiệu của Liên minh châu Âu có ghi tên nước được dựng bên đường bằng cây cột sắt cao khoảng hơn 2m.
- Xem thêm: Phiên chợ hoa ở thành phố Ghent
Nếu quan sát kỹ thì ở đôi chỗ có thể nhận ra có sự khác biệt chút ít về đường sơn ngăn cách làn xe, về độ đậm nhạt của lớp nhựa đường… hai bên lằn ranh, một lằn ranh do mình tự hình dung và ước chừng chứ không có đánh dấu trên đường xe chạy, giống như những đường ranh giữa các nước Pháp – Bỉ, Bỉ – Hà Lan, Đức – Séc, Đức – Áo… trên xa lộ sáu làn xe hay trên những con đường nhỏ hai làn xe mà chúng tôi có dịp qua lại nhiều lần trong chuyến du lịch châu Âu.
Nếu biên giới nằm trong khu dân cư thì ấn tượng càng mạnh khi lằn ranh sát ngay hàng ghế trên lề đường của một tiệm cà phê, một quán ăn. Vẫn những viên đá lát đường bình thường như trong cả khu vực, chỉ thêm những dấu hiệu chữ thập bằng sơn trắng trên những viên đá nằm đúng trên đường biên và hai bên hàng dấu này, trên những viên đá lát đường khác có chữ cái viết tắt tên quốc gia như NL (Nederland – Hà Lan) và B (Belgique – Bỉ) cũng bằng sơn trắng.
Trong một khu dân cư biên giới, những đoạn đường ranh nằm trên một ngã tư thì người ta còn đánh dấu và trang trí thêm bằng mấy cây cột inox, treo cờ của EU, cờ hai quốc gia hai bên đường biên và cả cờ của địa phương.