Làm cha mẹ là một công việc khó khăn, nhưng ai cũng muốn trở thành người cha, người mẹ xứng đáng trong việc chăm sóc và nuôi dạy con cái nên người.
Đây là một quá trình gian nan không phải ai cũng làm được. Trên thực tế, có lúc chúng ta đạt được điểm cao trong nhiệm vụ làm cha mẹ của mình, nhưng cũng có lúc đạt điểm rất thấp, ví dụ như khi con cái sa đà vào nghiện ngập hoặc học hành sa sút.
Nếu bị rơi vào trường hợp này, bạn hãy thử xem hướng dẫn sau đây để lấy lại cương vị “cha mẹ tốt”. Mục đích của những việc nhỏ này là để giúp con cái bạn hạnh phúc, mạnh khoẻ, biết yêu thương người khác và biết cách tự bảo vệ mình và hòa nhập với cộng đồng.
– Đừng bắt trẻ học những thứ mà chúng không thích hoặc học dồn nếu bạn không muốn con mình mắc bệnh tâm thần hay sợ một môn học nào đó. Để trẻ nghỉ ngơi khi thấy chúng đuối sức.
– Cha mẹ có quyền kỳ vọng ở con cái, nhưng đừng xa rời thực tế và năng lực giới hạn của con.
– Không tiếc lời ngợi khen con ngay khi nó vừa có một hành động hoặc việc làm tốt cho gia đình và cộng đồng.
– Đừng giúp đỡ trẻ “mọi lúc mọi nơi” mà hãy để chúng tự đứng lên khi vấp ngã. Hãy để trẻ thử thách và giải quyết một mình, chúng sẽ học được nhiều bài học qua những lần vấp ngã như thế.
– Đừng chụp mũ trẻ là lười hay dốt vì trẻ sẽ bị ám ảnh và rất khó thoát khỏi chiếc mũ bị chụp này.
– Khuyến khích trẻ bông đùa vì bông đùa sẽ làm tăng trí thông minh và óc sáng tạo của chúng.
– Hãy lắng nghe ý kiến của trẻ và đừng xem những gì chúng nói là “trẻ con” và vô giá trị.
– Mua cho trẻ những đồ chơi giúp mài sắc tư duy và đừng quá khó.
– Đừng so sánh con mình với những đứa trẻ khác. Mỗi đứa có một điểm mạnh, điểm yếu riêng. So sánh là làm tổn hại đến “cái tôi” của trẻ.
– Khuyến khích trẻ nuôi giấc mơ riêng của chúng chứ không phải giấc mơ của bạn.
– Quan tâm đến sở thích và năng khiếu của trẻ và không định hướng một cách o ép.
– Thỉnh thoảng đưa trẻ đi tham quan viện bảo tàng, thư viện, sở thú và đi bơi, sinh hoạt tại công viên với các trẻ khác để giúp chúng mài sắc kỹ năng giao tiếp bên ngoài gia đình.
– Tạo điều kiện cho trẻ phát huy năng khiếu và không đắn đo khi mua những công cụ hỗ trợ cho chúng.
– Trưng bày những gì trẻ tự tay làm và tranh thủ khoe chúng với khách khi có dịp.
– Thỉnh thoảng lại cho trẻ tự quyết định một việc gì đó và tập cho trẻ biệt chịu trách nhiệm đối với những gì mình chọn.
– Chấp nhận sự khác biệt của trẻ thay vì cố gắng uốn nắn theo hướng của mình. Dĩ nhiên sự khác biệt không gây tác hại cho bản thân, gia đình và xã hội.
– Chia sẻ những từng trải với con, từ thể thao đến đọc sách và nhiều nữa để tăng cường kiến thức và kỹ năng cho trẻ.
– Giúp trẻ tham gia vào những công việc tận dụng sự khéo tay nếu có điều kiện.
– Nói với trẻ về việc cần tôn trọng ý kiến người khác thay vì dành phần hơn về mình.
– Hãy để trẻ ra thực đơn những món ăn nó thích ít nhất một lần một tuần.
– Có kỷ luật thì phải có tưởng thưởng, có chê trách thì phải có ngợi khen. Những lời khen đúng là cách tốt nhất để nạp năng lượng cho trẻ.
– Hãy kể chuyện và chơi đùa với con còn bé ít nhất là nửa giờ mỗi ngày.
– Dành thời gian cho gia đình thay vì hoàn toàn cho công việc để giúp trẻ có ý thức về không khí gia đình sum họp.
– Khi cha mẹ sai cũng nên xin lỗi để làm gương thay vì tỏ thái độ “người lớn bao giờ cũng đúng”.
– Chấp nhận những khác biệt của vợ (chồng) trong cách nuôi dạy con và cùng thảo luận để tìm ra giải pháp tốt nhất thay vì bài bác.
– Hãy hỏi con cái vài câu hỏi mỗi ngày về học hành ăn uống để trẻ biết cha mẹ luôn quan tâm đến chúng.
– Dạy cho trẻ biết tự nhận lỗi từ khi còn bé và ý thức về sự ngăn nắp.
– Mỗi ngày, cả nhà nên ăn chung cơm chiều để trẻ thấy được sự ấm áp của gia đình.
– Yêu tất cả đứa con như nhau nhưng đừng xem nhẹ tài năng của mỗi đứa.
– Chấp nhận những thăng trầm trong công việc làm cha mẹ và không “than thân trách phận”.
– Để TV trong phòng khách để tăng thời gian gia đình quay quần bên nhau.
– Chú ý hướng dẫn trẻ về sự quan trọng của làm vệ sinh răng miệng của trẻ
– Cho phép trẻ quan hệ với những bạn bè cùng sở thích.
– Trong nhà phải có không gian riêng cho trẻ vui chơi, dù là nhỏ.
– Đừng ngại nói với con là bạn yêu nó và thích vui đùa với nó.
– Ru ngủ trẻ nghe những câu chuyện thiếu nhi phù hợp với lứa tuổi của chúng.
– Nếu trẻ không muốn, đừng bắt chúng ôm hôn hay cúi chào tất cả những bạn bè hay thân nhân đến nhà chơi. Tâm lý trẻ em là rất ghét sự khiên cưỡng.
– Ghi nhật ký những sự kiện đáng nhớ của trẻ để cho chúng xem lại lúc lớn lên.
– Phải làm gương cho trẻ những gì mình giáo huấn và hãy dạy trẻ ý nghĩa của sự công bằng từ trong ngôi nhà của mình.
– Hãy xem phim chung một lần với con cái mỗi tháng. Có thể xem ở nhà và bộ phim phù hợp với lứa tuổi của chúng.
– Hãy tự tin về khả năng của cha mẹ trong việc nuôi dậy con cái và bản năng phát hiện những “vấn đề” của con.
– Cố gắng tham dự những cuộc hội thảo giữa các bậc cha mẹ để trao đổi kinh nghiệm.
– Tận dụng cơ hội đi bộ cùng con cái tại công viên gần nơi cư trú.
– Chấp nhận sự khác biệt về nhân sinh quan giữa cha mẹ và con cái, miễn là nó vô hại.
– Hãy nén cơn giận và đếm đến 10 khi sắp xảy ra xung đột với con cái.
– Mua ít nhất một cuốn sách vui, thú vật và mạo hiểm cho trẻ đọc mỗi tháng.
– Nắm chặt tay trẻ khi đi cùng con cái để thể hiện sự ràng buộc và yêu thương.
– Hãy để trẻ giúp một tay trong việc nấu nướng nếu chúng thích.
– Đừng tiếc những cái ôm con khi có thể.
– Hãy bỏ điện thoại sang bên lúc con cái ở nhà và cần sự chia sẻ, gần gũi của người thân.