Trong giáo dục con cái, ngoài việc quan tâm tới nề nếp sinh hoạt và học tập ra, các bậc cha mẹ còn cần coi trọng việc chuyện trò, trao đổi với con. Nếu các bậc cha mẹ nghiêm khắc quá, con cái sẽ ngại, không dám tâm sự, thậm chí muốn tránh xa.
Vậy làm thế nào để con cái có thể chuyện trò, trao đổi với cha mẹ một cách thân mật và chân tình? Chúng ta hãy tham khảo kinh nghiệm của một trường hợp dưới đây.
Lý Hương là một học sinh đang học cấp 2. Khi học cấp 1, thành tích học tập của em rất xuất sắc, mẹ bảo sao em đều nghe và làm theo. Có việc gì em cũng tâm sự với mẹ, cảm thấy mẹ như người bạn thân thiết nhất.
Thế nhưng, hiện nay cha mẹ của Lý Hương cảm thấy con gái không còn nghe lời họ như trước nữa. Nguyên nhân là bất cứ việc gì, dù lớn hay nhỏ, cha mẹ em đều giám sát kỹ, lại còn thường áp đặt nhiều điều khác.
Hương kể: “Khi bạn bè gọi điện thoại cho em, mẹ cứ phải hỏi vặn đi vặn lại giống như là kiểm tra lý lịch vậy. Mẹ hỏi tên của bạn đó, tìm Hương có việc gì, rồi nói rằng Hương không có ở nhà, có việc gì thì cứ nhắn lại, trong khi em vẫn đang ngồi ngay ở bên cạnh mẹ”.
Chưa hết, mẹ hằng ngày đích thân đưa đón con đi học. Hôm nào không đón thì thường nấp ở chỗ nào đó để xem con gái tiếp xúc với những bạn nào.
Hằng ngày, ở nhà Hương xem tivi một lúc là mẹ đã giục đi làm bài tập, và nếu không đi ngay là mẹ tắt tivi… Vì vậy cô bé thường phàn nàn với bè bạn là mình không có thời gian vui chơi, giải trí.
Lý Hương than thở: “Em buồn nhất là bố mẹ cho rằng em không hiểu biết gì hết, cả ngày chỉ biết giục em học bài, chẳng khác nào em sinh ra là cái máy học tập; mẹ cũng không cho em làm bất cứ việc gì trong nhà, trong khi em luôn muốn làm thử xem sao”.
Nhiều học sinh trung học cho hay rằng họ không biết trao đổi và chuyện trò với cha mẹ như thế nào. Cha mẹ chỉ biết dạy dỗ con cái theo cách của mình mà ít khi tìm hiểu xem con cái suy nghĩ gì, ít khi suy xét đến cảm xúc của con. Vì vậy, các em không muốn chuyện trò với bố mẹ.
Thu Hà, một học sinh trung học nói: “Mẹ em chưa bao giờ coi em đã lớn. Có lần, khi thấy em ăn kẹo, mẹ đã giảng giải tới 15 phút, nói đi nói lại rằng ăn kẹo không có lợi cho sức khỏe”. Em rất ngại nói chuyện với mẹ vì nếu chẳng may nói sai câu nào là mẹ lại nhắc đi nhắc lại tới nửa ngày, làm em rất mệt”.
Nhưng không phải chỉ có Thu Hà khó chịu mà cha mẹ của em cũng cảm thấy bực mình. Từ khi con mình lên học cấp 2, cha mẹ cô bé cảm thấy bận rộn hơn.
Cả ngày họ lo cho việc ăn mặc, đi lại và lo lắng đến kết quả học tập của Hà. Nhưng họ đâu biết rằng trước sự quan tâm chu đáo của cha mẹ, cô bé Hà từ nhỏ ngoan ngoãn đã bắt đầu xa lánh họ.
Mẹ Hà cho biết: “Từ ngày Hà chuyển cấp, tôi hầu như không có một ngày nào ngủ được ngon giấc. Hằng ngày phải dậy từ sáng sớm chuẩn bị bữa sáng, đợi con ăn xong rồi đưa đến trường, sau đó vội vã đi làm. Đến chiều, hết giờ làm về nhà lại nghĩ cách nấu món gì cho con ăn ngon miệng, tối đến lo hướng dẫn con làm bài tập”.
- Xem thêm: Xây dựng mối quan hệ tốt với con cái
Sự vất vả và tận tâm như thế tất cả là vì con cái, nhưng điều khiến bà mẹ không thể chấp nhận được là cứ về đến nhà là con gái khóa chặt cửa buồng của mình. Tại sao cha mẹ tận tâm, tận lực vì con như vậy mà con lại không chịu gần gũi cha mẹ?
Theo đà phát triển, tâm lý của thanh thiếu niên có sự chuyển biến lớn. Các em cảm thấy mình ngày càng tiếp cận với tuổi trưởng thành nên đối với mọi việc trong cuộc sống đã có sự nhận thức và đánh giá mới.
Lúc ấy, các em chỉ mong được ở vào địa vị của người lớn, muốn cha mẹ tôn trọng ý kiến và cách nhận thức trong cuộc sống của mình như tôn trọng ý kiến của một người lớn. Tiếc rằng trong suy nghĩ của đa số bậc cha mẹ, trẻ con vẫn là trẻ con.
Cha mẹ thường vẫn chỉ bảo con cái theo cách nghĩ của mình, mà thường là chưa phù hợp với mong muốn của trẻ mới lớn, khiến giữa cha mẹ và con cái ngày càng có khoảng cách.
Hiện nay có nhiều bậc cha mẹ khi nói với con thường hay so sánh, nêu ví dụ con nhà nọ học rất giỏi, con nhà kia đỗ đại học điểm cao… Họ muốn thông qua các điển hình ấy để nhắc nhở con cái, nhưng vô tình đã xúc phạm đến lòng tự trọng của con.
Nhiều bậc cha mẹ gửi gắm tất cả những ước mơ và niềm hy vọng của mình vào con cái nên khi thấy con không chịu khó học tập thì cảm thấy thất vọng, đau khổ và buồn bực. Kết quả học tập của con cái là vấn đề mà cha mẹ quan tâm nhất.
Vì vậy, các bậc làm cha mẹ không nên bắt con cái suốt ngày vùi đầu trong đống sách vở, vì như vậy sẽ khiến cho trẻ cảm thấy chán ngán.
Cha mẹ nên đặt mình vào vị trí của con, nghĩ đến những cảm xúc của con, quan tâm đến những ý kiến riêng của chúng… Đó là cách giúp cha mẹ hiểu rõ con cái hơn và là chất xúc tác khiến con cái gần gũi hơn với cha mẹ.