Theo Paul Tough, tác giả của quyển sách: How Children Succeed: Grit, Curiosity, and the Hidden Power of Character (Trẻ thành công như thế nào: Sự can đảm, tò mò và sức mạnh tiềm ẩn của tính cách), bảy điểm mạnh có thể dùng để dự đoán về sự thành công của trẻ trong tương lai là: can đảm, tự chủ, sự say mê, thông minh xã hội, lòng biết ơn, sự lạc quan, tính tò mò.
Trong số này, tự chủ – kiểm soát ham muốn là kỹ năng rất quan trọng. Trẻ không thể có được ngay mọi thứ chúng muốn, phải học cách đối mặt sự thất vọng và cần nỗ lực trong một thời gian để có được điều mà chúng khao khát.
Tác giả Paul Tough cũng cho rằng các bậc cha mẹ giàu có thường quá nuông chiều con, với ý muốn cho con mọi thứ vì yêu thương con nhưng cũng vì thế đã làm hại đến sự phát triển tính cách của trẻ. Học cách làm việc để có thể mua được thứ gì đó mà trẻ thích hoặc chờ đợi cho tới lúc đạt được một cột mốc đặc biệt nào đó sẽ giúp trẻ xây dựng kỹ năng “kiểm soát ham muốn”. “Thường thì rất khó để các phụ huynh từ chối những ước muốn của con. Sự thật thì chúng ta luôn có một thôi thúc bản năng để luôn chu cấp cho con, cho trẻ mọi thứ mà chúng muốn và cần, bảo vệ con khỏi hiểm nguy và khó khăn dù cho đó là chuyện lớn hay chuyện nhỏ. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng, ở một mức độ nào đó, thứ mà trẻ cần hơn bất cứ điều gì khác là một chút khó khăn: một dạng thách thức hay bất lợi nào đó mà trẻ có thể vượt qua, cho dù chỉ để chứng tỏ với bản thân rằng mình có thể làm được”, ông nói.
Các cuộc nghiên cứu cũng cho thấy rằng trẻ thiếu khả năng tự kiểm soát bản thân sẽ dễ gặp phải các vấn đề về hành vi, dễ bị lo âu và trầm cảm và các bậc phụ huynh nên bắt đầu dạy trẻ cách tự làm chủ bản thân từ khi còn nhỏ. Vậy làm thế nào để dạy trẻ kỹ năng tự kiểm soát bản thân?
Khuyến khích các hoạt động giúp trẻ học cách tự kiểm soát
Các hoạt động như thể thao, học nhạc hay tham gia câu lạc bộ có thể giúp dạy trẻ về khả năng tự chủ. Cha mẹ cũng nên khuyến khích trẻ chơi những trò chơi dạy kỹ năng tự kiểm soát như Red Light-Green Light. Những trò chơi một mình như ghép chữ, ghép hình cũng giúp trẻ tự mình đạt được một mục tiêu nào đó.
Để trẻ nhận lãnh trách nhiệm
Trẻ được giao những nhiệm vụ hằng ngày sẽ dễ học cách tự kiểm soát bản thân hơn. Trẻ nhỏ thì cần nhắc nhở, nhưng trẻ lớn hơn có thể được tin tưởng để hoàn thành nhiệm vụ trong một thời gian nhất định mà không cần phải nhắc nhở. Dành thời gian để quan sát, hình dung điều gì có thể khích lệ, giúp trẻ thành công, đạt được mục tiêu và tăng tính tự chủ. Mỗi đứa trẻ và hoàn cảnh mỗi gia đình là khác nhau nên cha mẹ cần vài cố gắng, thử nghiệm để tìm ra cách tốt nhất cho gia đình mình.
Đặt ra những giới hạn
Nếu quả bóng rơi ra đường thì trẻ cần quyết định ngay là sẽ chạy theo bóng hay sẽ dừng lại và nhờ người lớn nhặt bóng. Một đứa trẻ biết chờ đợi cho thấy rằng chúng hiểu được những giới hạn mà cha mẹ đặt ra và đang thực hành khả năng tự chủ. Đặt ra giới hạn khi trẻ còn nhỏ và trao cho trẻ sự chọn lựa trong khuôn khổ giới hạn hay bước ra khỏi giới hạn (có lý do) là cách giúp trẻ phát triển khả năng tự làm chủ bản thân.
Biết chờ đợi thành quả
Trẻ cần được tưởng thưởng khi biết chờ đợi, hoàn thành nhiệm vụ và đã nỗ lực. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, sự ban thưởng tức thì đang trở thành chuyện phổ biến. Bằng cách trì hoãn phần thưởng, trẻ sẽ có mục tiêu tiến xa hơn và sẽ có được cảm giác đạt thành vì đã cố gắng hơn và hoàn thành được mục tiêu. Phương pháp này không chỉ dạy trẻ về tự chủ mà còn xây dựng lòng tự trọng và đề cao giá trị của sự nỗ lực.
– Theo Creative Child