Trong cuộc sống nhiều áp lực, con người đôi khi lâm vào tình huống rất “ngớ ngẩn”, buồn cười. Không chỉ người già (bị mang tiếng lẩm cẩm) mà ngay cả người trẻ cũng vậy.
Có chị kia một hôm ngồi đợi cô em khám bệnh. Ở một nơi đông đúc và lộn xộn như bệnh viện, hầu như ai nấy đều phải tự nhắc mình cảnh giác đề phòng kẻ gian cho dù nơi chị đang ngồi là khu chữa bệnh theo yêu cầu, thu phí khá cao. Không biết làm gì, chị mở điện thoại ra đọc ebook. Có một người đến ngồi sát cạnh chị. Một lúc, người ấy rời đi. Phản xạ tự nhiên, chị đưa tay sờ túi quần nơi để điện thoại. Người chị như run lên, toát mồ hôi lạnh vì chạm cái túi lép kẹp, không thấy điện thoại nữa. Nhanh như điện là cảm giác mất mát. Người vẫn còn lạnh gai ốc, chị chợt nhìn thấy điện thoại đang cầm ở tay trái!
Tình huống như vậy gặp rất nhiều trong cuộc sống. Cái kính gắn ngay trên áo hay trên đầu mà cứ đi tìm, không biết để đâu, thậm chí có người đeo kính trên mắt mà còn đi tìm nữa!
Câu chuyện tương tự, một người ra chợ mua thịt, bà bán vé số áp sát vào mời mua vé số. Dù bị từ chối mấy lần, bà vé số cứ mời dai và cuối cùng cũng bỏ đi. Phản xạ tự nhiên, người này đưa tay rờ ví thì thấy túi rỗng. Hoảng hồn, định la lớn là móc túi nhưng may kịp kềm lại được vì nhớ ra là không mang theo ví.
Không ít người thú nhận rơi vào những trường hợp như trên rất nhiều lần, thậm chí còn bị quê độ hay mắc cỡ nữa.
Có ý kiến cho rằng, đó là hội chứng tâm lý của con người trong một xã hội quay cuồng như chong chóng. Có lúc, người ta không nhớ mình đang định nói gì, sẽ làm gì, vừa thoáng một ý nghĩ, câu nói trong đầu, bỗng quên mất! Trong một ngày phải nhớ nhiều thứ quá, chắc chắn sẽ có lúc quên một vài thứ.
Nhiều người cho đó là thói đa nghi hình thành từ một thời gian khó cộng thêm những bất ổn trong xã hội đã được cảnh báo, như đi xe buýt, đến chỗ đông người phải lo giữ tư trang phòng tránh việc rọc túi, lấy cắp… Ở xã hội phát triển, đất nước giàu có vẫn xảy ra tình trạng này. Một người Việt ở Mỹ than thở trên Facebook là đi làm bằng xe buýt bị lấy mất điện thoại di động. Bây giờ, điện thoại di động quan trọng lắm. Trong đó có nhiều thông tin cá nhân như email, tài khoản ngân hàng, tin nhắn qua Facebook… Mất điện thoại đồng nghĩa với phát sinh nhiều chuyện phiền toái từ khâu trình báo với nhà mạng cho đến đổi mật khẩu email, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội…
Cũng có người khẳng định, những điều này thể hiện việc con người không tin tưởng nhau. Một người ngồi xuống bên cạnh một lúc rồi bỏ đi liền nghi ngờ người ấy lấy mất điện thoại, để phải làm động tác kiểm tra? Nỗi hoài nghi, sống mà không tin tưởng vào con người thì còn gì là cuộc sống?
Tuy nhiên, người trong cuộc cho rằng, đó không phải là hoài nghi về con người mà là một thói quen phản xạ gần như vô thức.
Như vậy mấu chốt vấn đề là phản xạ có điều kiện hay vô thức? Phân tích kỹ sẽ thấy, có điều kiện hay vô thức đều thể hiện trong tiềm thức con người đã khẳng định sự hoài nghi rồi!
Thế nhưng, nếu đặt niềm tin hoàn toàn vào con người thì chuyện gì xảy ra? Có người cho là, họ sống thoải mái, hồn nhiên, không nghĩ xấu về ai, chẳng bao giờ cảnh giác điều gì và cả đời họ chẳng gặp phiền toái, ngược lại, người hay hoài nghi, kỹ tính luôn gặp rắc rối!
Trong gia đình vì thế bốn người hình thành nên bốn tính cách khác biệt. Cha mẹ kỹ tính, con cái lại xuê xoa. Trời sinh mỗi người mỗi tính là vậy. Tuy nhiên, một điều chắc chắn rằng, khó có thể hạnh phúc nếu mỗi chút đều lo toan, nghi ngờ, cảnh giác… Cũng không thể cứ vô tư mặc cuộc đời đưa đẩy. Từ đó dẫn đến con người luôn phải tranh luận, giận, ghét, thù nhau… Thế nhưng, sau những đắng cay người ta luôn tìm thấy ngọt ngào, sau cơn mưa trời lại sáng là thế!
Phải chăng, giữ niềm tin với nhau mới là chìa khóa hạnh phúc cho cuộc sống?