Cồn Phụng còn có tên là cồn Tân Vinh, nằm trên một cù lao nổi giữa sông Tiền, thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, ngay cửa ngõ tỉnh Bến Tre, cách trung tâm hơn chục cây số đường bộ hoặc 25km đường sông.
Cồn Phụng được định hình từ khi ông Nguyễn Thành Nam đến đây xây dựng chùa Nam Quốc Phật. Khi công trình này đang xây dựng, người ta thu lượm được một cái chén cổ có hình con chim phượng nên đặt tên Phụng cho cồn này.
Cồn Phụng có di tích đạo Dừa trên diện tích chừng 1.500m², hiện được bảo tồn nguyên trạng các hạng mục kiến trúc được xây dựng từ thời giáo chủ đạo Dừa là Nguyễn Thành Nam.
Di tích gồm sân chín con rồng và tháp Hoa Bình (cửu trùng đài) – nơi ông đạo Dừa ngồi giảng kinh pháp và truyền bá đạo giáo. Tòa tháp có kiến trúc lạ mắt với những mảng đắp chạm rồng, phượng được gắn bằng những mảnh vỡ của bát đĩa, ấm chén…
- Xem thêm: Thịt chuột ở miền Tây
Đến cồn Phụng, du khách sẽ được tham quan các công trình kiến trúc độc đáo của nơi đã từng là thánh địa của đạo Dừa. Ngoài ra, du khách còn có dịp tham quan làng thủ công mỹ nghệ sản xuất đồ gia dụng từ cây dừa, nơi sản xuất kẹo dừa, bánh tráng, tham quan và tìm hiểu cách nuôi ong mật của các chủ vườn, chứng kiến những chú ong lấy mật từ hoa nhãn và các loài hoa khác. Các sản phẩm này được bày bán trực tiếp tại vườn.
Nếu thích, du khách có thể bỏ ít tiền để được đi xuồng máy dọc cồn, ngắm nhìn phong cảnh hữu tình hoặc lên xe ngựa thăm vườn cây ăn trái, dừng chân ngồi nghỉ dưới ngôi nhà lợp lá dừa để uống trà với mật ong và quất, thưởng thức các loại trái cây, nghe đờn ca tài tử…
Cồn Phụng có hẳn một phòng ca nhạc tài tử phục vụ du khách. Phòng ca nhạc này được đặt trong một hang đá nhân tạo, có nhiều thạch nhũ và băng đá dài dành cho khách ngồi thưởng thức. Không khí trong hang đá mát lạnh, du khách có cảm giác ngồi trong thạch động vì không khí rất trong lành, gió và hơi nước từ sông Tiền thổi vào khiến ai cũng cảm thấy lâng lâng khó tả…
- Xem thêm: Công tử Bạc Liêu, ăn chơi mà thành danh